Tăng cường tuyên truyền Luật BHXH đến người lao động

Ngày 11-5, Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) TPHCM phối hợp Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) TPHCM tổ chức hội nghị tiếp xúc cử tri (TXCT) chuyên đề lấy ý kiến đối với dự án Luật BHXH (sửa đổi) và Luật Công đoàn (sửa đổi).

Các ĐBQH trao đổi với cử tri tại buổi tiếp xúc ngày 11-5

Các ĐBQH trao đổi với cử tri tại buổi tiếp xúc ngày 11-5

Tham dự buổi TXCT có các ĐBQH: Trần Kim Yến, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM; Nguyễn Đức Hiển, Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội; Nguyễn Thị Hồng Hạnh, Phó Giám đốc Sở Tư pháp TPHCM; Thiếu tướng Nguyễn Minh Hoàng, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh TPHCM; Trần Anh Tuấn, Trưởng Ban Đổi mới quản lý doanh nghiệp TPHCM.

Các ĐBQH Hà Phước Thắng, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách đoàn ĐBQH TPHCM và Trần Thị Diệu Thúy, Chủ tịch LĐLĐ TPHCM chủ trì hội nghị.

Góp ý về dự án Luật BHXH (sửa đổi), nhiều cử tri cho biết người lao động lo lắng khi dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) được thông qua sẽ ảnh hưởng quyền lợi, nên xin nghỉ sớm để nhận BHXH một lần. Ngoài ra, cử tri cũng quan tâm góp ý về quy định mở rộng đối tượng tham gia BHXH bắt buộc; giảm điều kiện số năm đóng BHXH tối thiểu để người tham gia được hưởng lương hưu từ 20 năm xuống 15 năm; các chính sách gắn với tiền lương cơ sở; nghiên cứu để có các gói bảo hiểm tự nguyện ngắn hạn, linh hoạt để người lao động có nhiều sự lựa chọn tham gia và thụ hưởng.

 Bà Phạm Thị Hồng Yến nêu ý kiến tại buổi TXCT

Bà Phạm Thị Hồng Yến nêu ý kiến tại buổi TXCT

Bà Phạm Thị Hồng Yến, Chủ tịch Công đoàn Công ty Intel Product cho rằng, người lao động đi làm từ 18 tuổi và phải chờ đến 62 tuổi với nam và 60 với nữ mới đủ tuổi nghỉ hưu. Theo cử tri, khi đó người lao động phải đóng BHXH đến 44 năm với nam và 42 năm với nữ như vậy là rất dài. Do đó, cử tri Phạm Thị Hồng Yến cho rằng, người lao động đã đóng đủ số năm đóng BHXH để được nghỉ hưu và nghỉ trước trong vòng 5 năm so với độ tuổi nghỉ hưu được hưởng 100% tỉ lệ lương hưu, không bị trừ % khi nghỉ trước tuổi. Khi đó, sẽ giữ được người lao động ở lại tham gia BHXH.

 Ông Kim Vĩnh Cường nêu ý kiến tại buổi TXCT ngày 11-5

Ông Kim Vĩnh Cường nêu ý kiến tại buổi TXCT ngày 11-5

Còn ông Kim Vĩnh Cường, Phó Chủ tịch Công đoàn Công ty PouYuen Việt Nam cho rằng, thực tế nhiều người lao động nghỉ hưu chỉ được nhận lương hưu hơn 2 triệu đồng, do cách tính tiền lương hưu của người lao động hiện nay là bình quân cả quá trình đóng BHXH, nên rất thấp. Vì thế, người lao động tính toán để nhận BHXH một lần vì phải chờ đợi quá lâu mới đủ độ tuổi để nghỉ hưu và cũng lo lắng không biết khi dự thảo Luật BHXH lần này được thông qua thì quyền lợi sẽ thế nào.

Trăn trở về điều này, ông Phạm Quốc Tiến, Phó Chủ tịch công đoàn Công ty Nệm Liên Á cho biết, khi dự thảo Luật BHXH được đưa ra lấy ý kiến thì nhiều người lao động tìm đến công đoàn cơ sở để nhờ tư vấn được rút BHXH một lần. Cụ thể, người lao động tính đi làm một thời gian rồi nghỉ nhận BHXH một lần, rồi sau khi đi làm lại thì vẫn đủ điều kiện hưởng lương hưu. Theo ông Tiến, người lao động nghĩ như vậy sẽ có lợi hơn là đóng BHXH liên tục cho đến khi nghỉ hưu.

 Cử tri nêu ý kiến về các nội dung liên quan Luật BHXH (sửa đổi) và Luật Công đoàn (sửa đổi)

Cử tri nêu ý kiến về các nội dung liên quan Luật BHXH (sửa đổi) và Luật Công đoàn (sửa đổi)

Nhiều cử tri cũng bày tỏ lo ngại sự thay đổi của luật sẽ ảnh hưởng quyền lợi người lao động và cho rằng, để thuyết phục người lao động tham gia BHXH lâu dài thì cần tăng cường việc tuyên truyền Luật BHXH để người lao động thấy tham gia BHXH không chỉ là nghĩa vụ mà còn là quyền lợi.

 Cử tri góp ý Luật BHXH (sửa đổi) tại buổi TXCT ngày 11-5

Cử tri góp ý Luật BHXH (sửa đổi) tại buổi TXCT ngày 11-5

Tại buổi tiếp xúc, các cử tri cũng góp ý về dự án Luật Công đoàn (sửa đổi). Trong đó các ý kiến quan tâm vấn đề mức đóng kinh phí công đoàn, phương án phân chia kinh phí công đoàn, quyền gia nhập công đoàn của người lao động nước ngoài, giám sát của công đoàn..

 Phó Trưởng đoàn chuyên trách đoàn ĐBQH TPHCM Hà Phước Thắng trao đổi tại buổi TXCT ngày 11-5

Phó Trưởng đoàn chuyên trách đoàn ĐBQH TPHCM Hà Phước Thắng trao đổi tại buổi TXCT ngày 11-5

Thay mặt ĐBQH TPHCM, Phó Trưởng đoàn chuyên trách đoàn ĐBQH TPHCM Hà Phước Thắng cho biết, tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV dự kiến sẽ thông qua 10 luật, cho ý kiến về 11 dự án luật, trong đó có dự án Luật BHXH (sửa đổi) và dự án Luật Công đoàn (sửa đổi). ĐBQH Hà Phước Thắng ghi nhận các ý kiến cử tri đã thẳng thắn và phản ánh những điều diễn ra trên địa bàn TPHCM. Đối với Luật BHXH (sửa đổi), đoàn ĐBQH tiếp tục có kiến nghị ở Quốc hội để tất cả những ý kiến của cử tri có thể được tiếp thu một cách tối đa. Riêng đối với Luật Công đoàn (sửa đổi), ĐBQH Hà Phước Thắng mong rằng cử tri tiếp tục theo dõi, góp ý để hoạt động công đoàn các cấp, đặc biệt là cơ sở, sẽ thực hiện hiệu quả trong thời gian tới.

Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) được quy định những nội dung nhằm bảo đảm an sinh xã hội của người dân; sửa đổi căn bản các vướng mắc, bất cập từ thực tiễn; mở rộng, gia tăng quyền, lợi ích để thu hút người lao động tham gia BHXH. Dự thảo cũng cụ thể hóa những quy định như: Bổ sung trợ cấp hưu trí xã hội để hình thành hệ thống BHXH đa tầng theo định hướng tại Nghị quyết số 28 về cải cách chính sách BHXH; bổ sung một số nhóm đối tượng tham gia BHXH bắt buộc; giảm thời gian đóng BHXH tối thiểu để hưởng lương hưu từ 20 năm xuống 15 năm nhằm gia tăng số người được hưởng lương hưu; vấn đề hưởng BHXH một lần; về chi phí quản lý BHXH; bổ sung quy định nhằm xử lý tình trạng chậm đóng, trốn đóng BHXH.

THÁI PHƯƠNG

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/tang-cuong-tuyen-truyen-luat-bhxh-den-nguoi-lao-dong-post739380.html