Tăng cường ứng dụng khoa học và công nghệ vào thực tiễn

Năm 2023, Trung tâm Công nghệ sinh học, thuộc Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) đã thực hiện tốt các hoạt động. Đồng thời, làm tốt công tác phối hợp các chuyên gia, nhà khoa học của các viện, trường trong nghiên cứu khảo sát, triển khai các đề tài, dự án ứng dụng các tiến bộ KH&CN vào sản xuất.

Nhân viên Trung tâm Công nghệ sinh học An Giang thực hiện các nghiên cứu ứng dụng khoa học và công nghệ

Nhân viên Trung tâm Công nghệ sinh học An Giang thực hiện các nghiên cứu ứng dụng khoa học và công nghệ

Đặc biệt, tham mưu ban hành Chương trình hành động 24-CTr/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh thực hiện Nghị quyết 36-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học phục vụ phát triển bền vững đất nước trong tình hình mới. Đồng thời, đề xuất thực hiện một số nhiệm vụ KH&CN đột xuất và tham gia chương trình KH&CN phục vụ xây dựng nông thôn mới tỉnh An Giang đến năm 2025. Thực hiện Nghị quyết 09-NQ/TU của Tỉnh ủy, trung tâm đã triển khai 17 nhiệm vụ KH&CN. Kết quả, đa số các nhiệm vụ đã hoàn thành đúng hạn và bước đầu xây dựng được các quy trình công nghệ, mô hình sản xuất phục vụ phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của tỉnh.

ThS Nguyễn Hoài Vững, Giám đốc Trung tâm Công nghệ sinh học An Giang cho biết: “Năm 2023, trung tâm thực hiện 7 nhiệm vụ khoa học với tổng kinh phí hơn 3,4 tỷ đồng, như: Đánh giá khả năng sinh trưởng của các giống bê lai Senepol, BBB và bê Brahman; khảo nghiệm một số giống lúa có chất lượng cao để phục vụ đề án “Xây dựng và phát triển thương hiệu gạo tỉnh An Giang”; đánh giá hiện trạng, lưu giữ và bảo tồn nguồn cây nông nghiệp đặc trưng của tỉnh; xây dựng quy trình trồng dâu, nuôi tằm và quy trình nuôi cấy giống nấm đông trùng hạ thảo trên thân nhộng tằm; xây dựng quy trình và mô hình trồng một số cây dược liệu; xây dựng vườn bảo tồn cây ăn trái đặc thù của An Giang năm 2023”…

Đồng thời, đang triển khai 9 nhiệm vụ KH&CN (cấp tỉnh và cấp cơ sở), như: Nghiên cứu phát triển các chế phẩm có tác dụng hỗ trợ điều trị bệnh từ hoa thốt nốt; dự án “Thử nghiệm mô hình ương giống và nuôi thương phẩm cá trèn bầu”; nghiên cứu quy trình sản xuất tinh dầu từ rau củ; nghiên cứu xây dựng quy trình trồng ớt charapita và cải kale trong nhà lưới theo hướng an toàn; nghiên cứu quy trình tạo bột màu anthocyanin sắc tố đỏ từ rau quả. Đồng thời, nghiên cứu quy trình sản xuất nhang thảo dược từ bã sả sau quá trình chiết xuất tinh dầu phối trộn với nguồn nguyên liệu, dược liệu sẵn có tại An Giang; đánh giá khả năng thích nghi của hoa trà my trồng ở điều kiện khí hậu TX. Tịnh Biên; nghiên cứu sản xuất phân hữu cơ từ nguyên liệu lục bình sử dụng trong sản xuất rau, màu; kế hoạch sản xuất thử giống lúa HĐ-SM1 tại TX. Tịnh Biên và huyện Tri Tôn.

Thực hiện các hoạt động dịch vụ, trung tâm đã sản xuất, bán nhiều sản phẩm: Rượu; nấm đông trùng hạ thảo; sản phẩm từ cây ăn lá và rau củ; cung cấp sản phẩm cấy mô; trà túi lọc và các sản phẩm thực phẩm, trồng trọt, chăn nuôi gia súc và thủy sản… Ngoài ra, còn thực hiện các hoạt động chuyển giao công nghệ, tư vấn nhiệm vụ KH&CN cho các cơ sở, doanh nghiệp.

Nhằm nâng cao trình độ chuyên môn, trung tâm đã cử 1 tiến sĩ nâng cao trình độ chuyên môn tại Đại học RMIT (Úc), 1 viên chức đang nghiên cứu sinh và 1 viên chức học cao học; cử 44 lượt viên chức và người lao động tham dự 17 lớp đào tạo, tập huấn ngắn hạn...

Bên cạnh kết quả đạt được, trung tâm vẫn còn một số khó khăn do việc đấu thầu mua sắm nguyên, vật liệu và hóa chất gặp khó khăn; do đấu thầu trên mạng và thời gian kéo dài ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện nhiệm vụ KH&CN cấp tỉnh. Nguồn thu từ các sản phẩm chủ lực giảm; các sản phẩm, dịch vụ còn hạn chế, chưa có các sản phẩm chủ lực mới... Với quy mô hiện nay và chức năng nhiệm vụ được giao, thì nguồn nhân lực hiện chưa đáp ứng nhu cầu hoạt động.

ThS Nguyễn Hoài Vững cho biết: "Khắc phục khó khăn, năm 2024, trung tâm tiếp tục nhân rộng, tập huấn và xây dựng các mô hình trình diễn công nghệ đã nhận chuyển giao từ các viện, trường, đơn vị nghiên cứu khoa học đã triển khai tại trung tâm cho nông dân. Đào tạo nghiệp vụ chuyên môn, chuyên gia KH&CN và chuyển giao KH&CN. Thu thập, bảo tồn, đánh giá tiềm năng và phát triển nguồn gen. Nghiên cứu, khảo nghiệm, hoàn thiện và làm chủ quy trình công nghệ. Tăng cường chuyển giao các kết quả nghiên cứu KH&CN; các hoạt động dịch vụ về tư vấn cho các tổ chức, cá nhân về lĩnh vực công nghệ sinh học, nông nghiệp công nghệ cao. Tăng cường hợp tác với các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước về hoạt động nghiên cứu khoa học, thương mại hóa các kết quả nghiên cứu".

Trung tâm đề xuất 9 nhiệm vụ KH&CN, với tổng kinh phí hơn 4,2 tỷ đồng, gồm: Bảo tồn và lưu giữ nguồn gen cây lâm nghiệp giá trị kinh tế cao; khảo nghiệm một số giống lúa chất lượng cao để phục vụ đề án “Xây dựng và phát triển thương hiệu gạo tỉnh An Giang”; đa dạng hóa sản phẩm từ kim ngân hoa; đa dạng hóa một số sản phẩm từ xoài; hoàn thiện quy trình ương cá tra nâng cao tỷ lệ sống, chất lượng con giống trong hệ thống tuần hoàn; đánh giá khả năng sinh trưởng của bê lai Senepol, BBB và bê Brahman giai đoạn hậu bị; khảo nghiệm giống lúa HD - SM1; xây dựng mô hình nhân giống, giới thiệu sản phẩm từ cây ăn trái và hoa kiểng...

HẠNH CHÂU

Nguồn An Giang: https://baoangiang.com.vn/tang-cuong-ung-dung-khoa-hoc-va-cong-nghe-vao-thuc-tien-a389849.html