TĂNG CƯỜNG VAI TRÒ CỦA HỘI ĐỒNG DÂN TỘC TRONG THẨM TRA DỰ ÁN LUẬT LIÊN QUAN ĐẾN LĨNH VỰC DÂN TỘC

Cần tăng cường vai trò, trách nhiệm và sự phối hợp giữa Hội đồng Dân tộc với các cơ quan của Quốc hội trong hoạt động thẩm tra dự án luật liên quan đến lĩnh vực dân tộc. Đây là ý kiến của nhiều đại biểu tại Hội thảo ''Chia sẻ kinh nghiệm thẩm tra các dự án Luật liên quan đến lĩnh vực dân tộc'' do Hội đồng Dân tộc của Quốc hội tổ chức ngày 12/8/2020.

Tại kỳ họp thứ 9 Quốc hội Khóa XIV đã thông qua Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và có hiệu lực thi hành vào năm 2021. Trong các nội dung sửa đổi đã quy định cụ thể hơn về trách nhiệm của Hội đồng Dân tộc của Quốc hội trong thẩm tra việc đảm bảo chính sách dân tộc trong các dự án luật, pháp lệnh và dự thảo nghị quyết tại Điều 68a. Cụ thể:

1. Hội đồng Dân tộc có trách nhiệm tham gia thẩm tra dự án, dự thảo do Ủy ban của Quốc hội chủ trì thẩm tra để bảo đảm chính sách dân tộc khi dự án, dự thảo đó có quy định liên quan đến dân tộc thiểu số, vùng dân tộc thiểu số, miền núi.

2. Hội đồng Dân tộc tổ chức phiên họp Thường trực Hội đồng hoặc phiên họp toàn thể để chuẩn bị ý kiến tham gia thẩm tra và cử đại diện Hội đồng tham dự phiên họp thẩm tra của cơ quan chủ trì thẩm tra.

3. Nội dung thẩm tra việc bảo đảm chính sách dân tộc bao gồm:

a) Xác định vấn đề liên quan đến chính sách dân tộc;

b) Việc bảo đảm các nguyên tắc cơ bản về bình đẳng dân tộc và tạo điều kiện để các dân tộc thiểu số phát huy nội lực, cùng phát triển với đất nước;

c) Tác động và tính khả thi của các quy định trong dự án, dự thảo để bảo đảm chính sách dân tộc.”

Như vậy, với các quy định mới trong Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật đã nêu rõ vai trò, trách nhiệm của Hội đồng Dân tộc của Quốc hội trong công tác chủ trì và phối hợp thẩm tra các dự án luật, pháp lệnh.

Các đại biểu tham dự Hội thảo Chia sẻ kinh nghiệm thẩm tra các dự án luật liên quan đến lĩnh vực dân tộc.

Các đại biểu tham dự Hội thảo Chia sẻ kinh nghiệm thẩm tra các dự án luật liên quan đến lĩnh vực dân tộc.

Các ý kiến tham gia thảo luận tại Hội thảo chia sẻ kinh nghiệm thẩm tra các dự án luật liên quan đến lĩnh vực dân tộc đều cho rằng trách nhiệm của Hội đồng Dân tộc rất nặng nề, không chỉ thẩm tra các dự án pháp lệnh, dự thảo nghị quyết về chính sách dân tộc; thẩm tra các dự án do Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao, mà còn thẩm tra việc bảo đảm chính sách dân tộc trong các dự án luật, pháp lệnh, dự thảo nghị quyết khác do các Ủy ban của Quốc hội chủ trì thẩm tra.

Theo ý kiến của nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Đặng Đình Luyến, để tiếp tục nâng cao năng lực chuyên môn trong hoạt động thẩm tra dự án luật liên quan đến lĩnh vực dân tộc lưu ý, sau khi chương trình xây dựng luật, pháp lệnh được Quốc hội thông qua thì Chủ tịch Hội đồng Dân tộc phân công ngay các dự án luật cho các Tiểu ban của Hội đồng Dân tộc để theo dõi tiến độ soạn thảo, sớm nắm bắt được phạm vi điều chỉnh, các chính sách, nội dung cơ bản của dự án và chủ động nghiên cứu, chuẩn bị ý kiến.

Về các dự án luật được giao cho Hội đồng Dân tộc chủ trì thẩm tra, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Đặng Đình Luyến cho rằng Hội đồng Dân tộc cần chủ trì thẩm tra các dự án luật một cách toàn diện như sự cần thiết ban hành, đối tượng áp dụng, phạm vi điều chỉnh, sự phù hợp với chủ trương, đường lối, chính sách, việc tuân thủ quy trình soạn thảo, tính khả thi của các quy định trong dự thảo luật…

Đối với sự tham gia của Hội đồng Dân tộc thẩm tra các dự án luật do các Ủy ban của Quốc hội chủ trì thẩm tra, ông Đặng Đình Luyến nêu thực tiễn số lượng các dự án luật do các Ủy ban của Quốc hội chủ trì thẩm tra và được giao cho Hội đồng Dân tộc tham gia thẩm tra ngày càng nhiều. Do vậy, Hội đồng Dân tộc cần tăng cường hơn nữa vai trò, trách nhiệm của mình trong việc thẩm tra; tăng cường làm việc tập thể, xem xét cho ý kiến về các chính sách dân tộc trong các dự án luật. Đặc biệt, bố trí nhiều thời gian, nguồn lực và huy động các nhà khoa học, chuyên gia để thực hiện các quy định tại Điều 68a Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật vừa được Quốc hội thông qua.

Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Trần Hồng Hà phát biểu tham luận tại Hội nghị.

Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Trần Hồng Hà phát biểu tham luận tại Hội nghị.

Tại hội thảo, Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Trần Hồng Hà cũng chia sẻ kinh nghiệm thẩm tra các dự án luật thuộc chức năng, nhiệm vụ của Ủy ban Pháp luật. Đại biểu Trần Hồng Hà cho biết, thời gian qua, Ủy ban Pháp luật đã thẩm tra nhiều dự án luật thuộc lĩnh vực phụ trách có liên quan đến lĩn vực dân tộ. Trong quá trình thẩm tra, Ủy ban Pháp luật đều nghiên cứu kỹ các quy định liên quan đến lĩnh vực dân tộc, nhằm bảo đảm sự bình đẳng giữa các dân tộc thiểu số và tạo điều kiện để các dân tộc thiểu số phát triển. Để tiếp tục nâng cao chất lượng thẩm tra các dự án luật về lĩnh vực dân tộc, đại biểu Trần Hồng Hà đề nghị Hội đồng Dân tộc cần tăng cường hơn nữa vai trò, trách nhiệm của mình trong việc tham gia thẩm tra các dự án luật thuộc lĩnh vực phụ trách của các Ủy ban để đảm bảo chính sách dân tộc theo quy định của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Tham gia đoàn khảo sát việc thực hiện pháp luật có nội dung liên quan đến lĩnh vực dân tộc tại những địa pương có đông đồng bào dân tộc thiểu số.

GS.TS Phan Trung Lý, Nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội

GS.TS Phan Trung Lý, Nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội

Góp ý tại hội thảo, GS.TS Phan Trung Lý, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, nhấn mạnh một trong những điều kiện nâng cao chất lượng thẩm tra các dự án luật, pháp lệnh nói chung và các dự án luật, pháp lệnh liên quan đến lĩnh vực dân tộc thiểu số nói riêng là tăng cường kỹ năng tham gia hoạt động thẩm tra của đại biểu Quốc hội. Trong quá trình thẩm tra, đại biểu cần có kỹ năng thu thập, xử lý thông tin, thường xuyen đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng đại biểu. Bên cạnh đó, cơ quan soạn thảo cần cung cấp đầy đủ kịp thời tài liệu, thông tin cho Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội phục vụ công tác thẩm tra dự án luật, pháp lệnh. Các cơ quan thẩm tra cũng cần huy động sự tham gia của các chuyên gia vào hoạt động thẩm tra và đảm bảo công khai, minh bạch trong quy định về thẩm tra dự án luật, pháp lệnh./.

Lan Hương

Nguồn Quốc Hội: http://quochoi.vn/tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=47634