Tăng cường vai trò phụ nữ trong sứ mệnh gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc

Tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV, Dự thảo Luật Tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc đang được đưa ra thảo luận với nhiều nội dung mới. Một trong những điểm nhấn đáng chú ý là các quy định cụ thể nhằm khuyến khích và bảo đảm sự tham gia của phụ nữ trong lực lượng gìn giữ hòa bình .

Điều này thể hiện quyết tâm của Việt Nam trong việc thúc đẩy quyền phụ nữ và bình đẳng giới trên bình diện toàn cầu.

Lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc hiện nay vẫn còn khoảng cách lớn về giới, chỉ 8,4% trong tổng số gần 80.000 nhân viên là phụ nữ, việc bổ sung các yếu tố giới trong Dự thảo luật không chỉ mang tính bắt kịp xu thế quốc tế mà còn góp phần hoàn thiện hành lang pháp lý quốc gia.

Đặc biệt, theo Nghị quyết 2242 của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, đến năm 2028, tỷ lệ nữ trong các đơn vị quân sự và cảnh sát dự kiến đạt 15% và 20%. Đây là những con số Việt Nam đang nỗ lực tiếp cận.

Từ năm 2014 đến nay, Việt Nam đã cử hơn 1.100 lượt cán bộ, nhân viên tham gia các phái bộ gìn giữ hòa bình tại Nam Sudan, Cộng hòa Trung Phi và Trụ sở Liên hợp quốc, trong đó tỷ lệ nữ chiếm trên 13% - cao hơn mức trung bình toàn cầu và đạt được các tiêu chí đề xuất của Liên hợp quốc.

Tuy nhiên, để duy trì và nâng cao tỷ lệ này, Việt Nam cần khắc phục một số bất cập hiện hành như: thiếu quy định cụ thể về giới trong pháp luật; chưa có cơ chế ưu tiên, hỗ trợ đặc thù cho nữ giới; và tồn tại những rào cản xã hội từ định kiến giới.

Thượng tá Đỗ Thị Hằng Nga là nữ sĩ quan đầu tiên của Việt Nam tham gia Phái bộ Gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc tại Nam Sudan. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Thượng tá Đỗ Thị Hằng Nga là nữ sĩ quan đầu tiên của Việt Nam tham gia Phái bộ Gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc tại Nam Sudan. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Đại tá Nguyễn Như Cảnh, Phó Cục trưởng Gìn giữ hòa bình Việt Nam (Bộ Quốc phòng) cho biết: “Dự thảo luật có đề xuất phương án đề cao vai trò bình đẳng giới nhằm 2 mục tiêu. Thứ nhất là đáp ứng yêu cầu Liên hợp quốc - Nghị quyết 1325 về phụ nữ, hòa bình và an ninh. Trong đó khuyến khích phụ nữ tham gia vào các hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc và Liên hợp quốc đưa ra các tiêu chí rất cụ thể đối với loại hình cá nhân và đơn vị tham gia”.

Đại tá cũng nhấn mạnh rằng dự thảo sẽ tạo hành lang pháp lý và là nguồn động viên rất lớn khuyến khích các nữ sĩ quan quân đội và công an tham gia gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc.

Tháo rào cản để phụ nữ vững bước gìn giữ hòa bình

Trong thực tế triển khai, các nữ sĩ quan Việt Nam đã chứng minh vai trò không thể thay thế của mình tại các phái bộ. Họ không chỉ thực hiện nhiệm vụ chuyên môn mà còn là cầu nối nhân văn giữa lực lượng gìn giữ hòa bình và cộng đồng sở tại, nơi họ công tác.

Trung tá Nguyễn Thu Hà, sĩ quan Công an Việt Nam đang làm nhiệm vụ tại Phái bộ UNMISS (Nam Sudan), chia sẻ: “Tôi nghĩ rằng vai trò của nữ cảnh sát nói chung rất quan trọng. Phụ nữ có lợi thế trong việc tiếp cận cộng đồng, đặc biệt là với những người yếu thế”.

Trung tá Nguyễn Thu Hà, sĩ quan Công an Việt Nam đang làm nhiệm vụ tại Phái bộ UNMISS (Nam Sudan). (Ảnh: VNFPU1)

Trung tá Nguyễn Thu Hà, sĩ quan Công an Việt Nam đang làm nhiệm vụ tại Phái bộ UNMISS (Nam Sudan). (Ảnh: VNFPU1)

Theo chị, chính sự thấu cảm và mềm mỏng của nữ giới đã tạo ra những tác động tích cực trong công việc gìn giữ hòa bình: “Chúng tôi có những cách tiếp cận riêng, lan tỏa tình yêu thương, giúp người dân hiểu rằng sự có mặt của lực lượng gìn giữ hòa bình cũng góp phần mang lại cho họ một cuộc sống an toàn hơn”.

Tuy nhiên, đằng sau những thành tích đáng tự hào ấy vẫn có những rào cản chưa được tháo gỡ. Một trong số đó là thiếu các quy định về trợ cấp, chế độ ưu tiên phù hợp với đặc thù giới. Cả Nghị quyết 130/2020/QH14 và Nghị định 162/2016/NĐ-CP đều chưa đề cập cụ thể tới chế độ chính sách cho lực lượng nữ. Điều này không chỉ khiến nữ giới gặp khó khăn hơn khi lựa chọn tham gia mà còn thể hiện sự bất cập trong cách tiếp cận chính sách hiện hành.

Đại tá Lê Quốc Huy, Văn phòng Thường trực Bộ Công an về gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc khẳng định: “Dự luật lần này cũng rất quan tâm tới chế độ chính sách cho lực lượng tham gia gìn giữ hòa bình, và chính sách đó được áp dụng không những là cho lực lượng trong quá trình huấn luyện trong nước, mà còn áp dụng trong khi triển khai, và đặc biệt là kể cả khi lực lượng đã kết thúc nhiệm kỳ và trở về an toàn. Cũng có những quy định để động viên lực lượng nữ, từ vật chất cũng như tinh thần cũng được đề cập tới trong dự luật lần này”.

Một rào cản khác chính là định kiến xã hội. Khi phụ nữ vẫn thường được gắn với vai trò chăm sóc gia đình, việc công tác dài ngày tại nước ngoài ít nhiều khiến họ gặp trở ngại trong việc cân bằng giữa sự nghiệp và cuộc sống riêng. Không ít nữ sĩ quan phải đối mặt với áp lực “làm tròn bổn phận người mẹ, người vợ” trong khi vẫn hoàn thành nghĩa vụ quốc tế cao cả.

Các nữ sĩ quan Việt Nam đã chứng minh vai trò không thể thay thế của mình tại các phái bộ. (Nguồn: VNFPU1)

Việc Quốc hội xem xét, bổ sung yếu tố giới vào luật, nếu được thông qua, sẽ đánh dấu bước tiến quan trọng trong việc thể chế hóa bình đẳng giới một cách thực chất. Luật sẽ không chỉ là công cụ điều chỉnh mà còn là lời cam kết của Nhà nước trong việc hỗ trợ, bảo vệ và phát huy tiềm năng của phụ nữ - những người đang góp phần quan trọng vào việc xây dựng hòa bình, cả trong và ngoài biên giới quốc gia.

Việc ban hành Luật Tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc với các quy định cụ thể, rõ ràng, có yếu tố giới không chỉ là yêu cầu của thực tiễn, mà còn là minh chứng cho nỗ lực của Việt Nam trong việc hòa nhập vào cộng đồng quốc tế trên nền tảng bình đẳng, công bằng và nhân văn.

HẢI YẾN

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/tang-cuong-vai-tro-phu-nu-trong-su-menh-gin-giu-hoa-binh-cua-lien-hop-quoc-post880061.html