Tăng cường vai trò thực hiện an sinh xã hội của doanh nghiệp Việt Nam
Trách nhiệm xã hội là một trong những yêu cầu quan trọng đối với doanh nghiệp nếu thực sự muốn phát triển vươn xa hội nhập với nền kinh tế thế giới. Ở Việt Nam hiện nay, việc thực hiện trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp (trong đó có vấn đề an sinh xã hội) còn tương đối khó khăn, sự hiểu biết của doanh nghiệp còn chưa đầy đủ, doanh nghiệp chỉ hiểu đơn thuần thực hiện trách nhiệm xã hội là việc làm từ thiện… Qua nghiên cứu thực tiễn, bài viết đề xuất một số giải pháp nhằm tăng cường hơn nữa vai trò thực hiện an sinh xã hội của doanh nghiệp Việt Nam trong bối cảnh mới.
Trách nhiệm thực hiện an sinh xã hội của doanh nghiệp
Trách nhiệm xã hội (CSR) của doanh nghiệp (DN) còn được hiểu dưới những cái tên khác như tính bền vững của DN, DN bền vững, lương tâm của DN, bổn phận của DN... hoặc DN có trách nhiệm là một dạng của hoạt động tự điều chỉnh trong kinh doanh của các DN.
Theo Bách khoa toàn thư mở Wikipedia, thuật ngữ CSR từng được hiểu như là một chính sách nội bộ của một tổ chức hay một chiến lược đạo đức kinh doanh. Kể từ thập niên 1960, CSR đã thu hút sự chú ý của các DN và các cá nhân liên quan. CSR được coi như là một cách tự điều chỉnh của DN. Gần đây, khái niệm CSR được định nghĩa bởi Sheehy (2015) như là một dạng của hoạt động "tự điều chỉnh trong kinh doanh của các DN tư nhân quốc tế". CSR hướng tới tăng trưởng lợi nhuận dài hạn cho DN bằng cách tăng năng suất, cải thiện mô hình kinh doanh để thu hút sự chú ý của cộng đồng vào những nỗ lực của DN để tạo ra giá trị. Những nỗ lực này có thể được thể hiện trực quan qua báo cáo CSR thường niên của các tập đoàn lớn.
Tựu chung, hiện nay, có 6 loại hoạt động vì xã hội mà một DN thường thực hiện trong quá trình sản xuất kinh doanh như sau:
- Hoạt động từ thiện: DN thực hiện các hoạt động từ thiện bao gồm việc quyên góp tiền mặt, hàng hóa và dịch vụ, đôi khi thông qua một nền tảng của chính DN đó.
- Tình nguyện vì cộng đồng: Các hoạt động tình nguyện do DN tổ chức.
- Kinh doanh sản phẩm có ích cho xã hội: Các sản phẩm được sản xuất và kinh doanh một cách có đạo đức, giải quyết một vấn đề cho xã hội và thu hút được một phân khúc khách hàng nào đó.
- Xúc tiến, thúc đẩy các chiến dịch vì cộng đồng: Công ty tài trợ để thực hiện các chiến dịch đem lại lợi ích cho xã hội.
- Marketing có ý nghĩa xã hội: Thực hiện tài trợ hoặc quyên góp dựa trên doanh thu bán sản phẩm.
- Marketing thay đổi hành vi xã hội: Công ty tài trợ cho các chiến dịch thay đổi hành vi của xã hội để trở nên tốt hơn.
Theo Hội đồng Thương mại thế giới, “trách nhiệm thực hiện an sinh xã hội (ASXH) của DN là sự cam kết trong việc ứng xử hợp đạo lý và đóng góp vào sự phát triển kinh tế; đồng thời cải thiện chất lượng cuộc sống của lực lượng lao động và gia đình họ cũng như của cộng đồng địa phương và của toàn xã hội nói chung”.
Có nhiều cách diễn giải khác nhau, tuy nhiên, có thể hiểu CSR của DN bao gồm các yếu tố cấu thành sau: Trách nhiệm với thị trường và người tiêu dùng; Trách nhiệm về bảo vệ môi trường; Trách nhiệm với người lao động (dạy nghề, việc làm, tiền lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, an toàn lao động…); Trách nhiệm chung với cộng đồng (người nghèo, người cao tuổi, người khuyết tật, bảo vệ trẻ em, phòng chống tệ nạn xã hội…). Như vậy, thực hiện ASXH là một nội dung cơ bản và tất yếu trong thực hiện CSR của DN. Các DN có thể thực hiện CSR bằng cách đạt một chứng chỉ quốc tế hoặc áp dụng những Bộ quy tắc ứng xử.
Tình hình thực hiện trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp Việt Nam hiện nay
Từ nhiều năm qua, đặc biệt từ khi thực hiện đường lối đổi mới (năm 1986) đến nay, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm xây dựng và tổ chức thực hiện các chính sách ASXH, coi đây vừa là mục tiêu, vừa là động lực để ổn định chính trị - xã hội, phát triển bền vững.
Số liệu khảo sát do Viện Khoa học Lao động và Xã hội (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) tiến hành tại 50 doanh nghiệp thuộc hai ngành dệt may và da giầy cho thấy, nhờ thực hiện các chương trình trách nhiệm xã hội (trong đó có an sinh xã hội), doanh thu của các doanh nghiệp này đã tăng 25%; năng suất lao động tăng từ 34,2 lên 35,8 triệu đồng/lao động/năm; tỷ lệ hàng xuất khẩu tăng từ 94% lên 97%.
Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 01/6/2012 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về “Một số vấn đề về chính sách xã hội giai đoạn 2012 - 2020” yêu cầu “Chính sách xã hội phải được đặt ngang tầm với chính sách kinh tế và thực hiện đồng bộ với phát triển kinh tế, phù hợp với trình độ phát triển và khả năng nguồn lực trong từng thời kỳ... Đồng thời, thực hiện có trọng tâm, trọng điểm, bảo đảm mức sống tối thiểu và hỗ trợ kịp thời người có hoàn cảnh khó khăn; coi bảo đảm ASXH là nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng của Đảng, Nhà nước, của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội".
Như vậy, ASXH là một trong những chính sách xã hội cơ bản thể hiện chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước hướng vào mục tiêu phát triển con người, thúc đẩy công bằng và tiến bộ xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân. Vấn đề đặt ra là hệ thống DN Việt Nam đã và đang có vai trò, trách nhiệm như thế nào để cùng với Nhà nước và cộng đồng giải quyết vấn đề ASXH hiện nay.
Nghiên cứu thực tiễn cho thấy, khái niệm CSR tuy mới phổ rộng trong hơn một thập niên qua, song đã được không ít DN Việt Nam quan tâm chú trọng trong quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh. Bởi việc làm tốt CSR đối với cộng đồng chính là thước đo cơ bản để DN gia tăng giá trị thương hiệu.
Số liệu khảo sát do Viện Khoa học Lao động và Xã hội tiến hành tại 50 DN thuộc hai ngành Dệt may và da giầy cho thấy, nhờ thực hiện các chương trình CSR (trong đó có ASXH) mà doanh thu của các DN này đã tăng 25%; năng suất lao động tăng từ 34,2 lên 35,8 triệu đồng/lao động/năm; tỷ lệ hàng xuất khẩu tăng từ 94% lên 97%.
Ngoài hiệu quả kinh tế, các DN còn có lợi từ việc tạo dựng hình ảnh với khách hàng, sự gắn bó và hài lòng của người lao động, thu hút lao động có chuyên môn cao… Do vậy, bản thân DN cần coi việc thực hiện CSR và ASXH chính là đòn bẩy, động lực cho sự phát triển của mình.
Đối với DN nhà nước, thực hiện ASXH để khẳng định vai trò chủ đạo của mình với các thành phần kinh tế. Những năm qua, nhiều ngân hàng, các DN, đặc biệt là DN lớn như: Vietcombank, Vietinbank, Agribank, BIDV; Tập đoàn Dầu khí quốc gia; Công ty Viễn thông Quân đội… đã xác định, thực hiện ASXH là sự nghiệp của chính bản thân DN. Bên cạnh nhiệm vụ kinh doanh, các DN này đã luôn đề cao vai trò, trách nhiệm thực hiện ASXH của mình đối với người lao động và cộng đồng.
Bên cạnh hình thức ASXH truyền thống, một hình thức phi nhà nước cũng đang tồn tại, đó là xuất phát từ truyền thống đạo lý tốt đẹp của người Việt Nam như: tinh thần tương thân, tương ái, lá lành đùm lá rách. Tuy nhiên, do là hình thức phi chính thức, nên các hoạt động mang tính tự phát, thời vụ, thậm chí phụ thuộc vào sự nhiệt tình của cộng đồng hay lòng hảo tâm của mỗi cá nhân, đôi khi sự hỗ trợ không kịp thời. Với hình thức này, hiện tượng khá phổ biến ở Việt Nam là các DN tích cực tham gia vào các hoạt động từ thiện như: Giúp nạn nhân của bão lụt, thiên tai hay tai nạn, đóng góp vào Quỹ Xóa đói giảm nghèo của các tổ chức chính trị – xã hội khác nhau.
Trên thực tế vẫn còn không ít doanh nghiệp chưa nhận thức được việc thực hiện an sinh xã hội là trách nhiệm xã hội của mình. Một số doanh nghiệp có động cơ “đánh bóng hình ảnh” với mục đích vụ lợi không trong sáng như làm ăn phi pháp, móc ngoặc, trốn tránh trách nhiệm với người lao động ngay trong doanh nghiệp, gây ô nhiễm môi trường…
Chưa kể, đặc điểm của hệ thống ASXH ở Việt Nam hiện nay là chưa phổ cập trong toàn xã hội, đồng thời, chủ yếu được thực hiện bởi Nhà nước, vai trò của DN chưa tương xứng với trách nhiệm vốn có của nó và yêu cầu đặt ra. Tuy nhiên, trên thực tế vẫn còn không ít DN chưa nhận thức được việc thực hiện ASXH là CSR của mình, do thiếu quy định pháp luật chặt chẽ về việc khấu trừ số tiền đóng góp vào chi phí trước thuế. Một số DN có động cơ “đánh bóng hình ảnh” với mục đích vụ lợi không trong sáng như làm ăn phi pháp, móc ngoặc, trốn tránh trách nhiệm với người lao động ngay trong DN, gây ô nhiễm môi trường…
Một nghiên cứu mới đây của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cho thấy, một số rào cản và thách thức mà DN Việt Nam sẽ phải đối diện trong quá trình thực hiện CSR như: Nhận thức về khái niệm CSR còn hạn chế, còn có sự khác biệt lớn trong nhận thức và hiểu biết về CSR giữa các DN Việt Nam; Năng suất bị ảnh hưởng khi phải thực hiện đồng thời nhiều bộ quy tắc ứng xử; Thiếu nguồn tài chính và kỹ thuật để thực hiện các chuẩn mực CSR Sự nhầm lẫn do khác biệt giữa quy định của CSR và Bộ luật Lao động…
Giải pháp thúc đẩy doanh nghiệp thực hiện trách nhiệm xã hội
Thực hiện CSR của DN Việt Nam là công việc cần thiết trong bối cảnh hội nhập hiện nay. Để tăng cường vai trò thực hiện CSR của DN Việt Nam, thời gian tới cần thực hiện đồng bộ các giải pháp sau:
Thứ nhất, cần tăng cường thông tin, tuyên truyền về trách nhiệm trong việc thực hiện ASXH gắn với phát triển bền vững của DN và nền kinh tế, để DN hiểu đúng bản chất "CSR của DN" và các bộ Quy tắc ứng xử, nhất là trong các DN, các nhà quản lý, hoạch định chính sách vĩ mô.
Thứ hai, tiến hành các cuộc điều tra, khảo sát, nghiên cứu thực tế tại các DN đã thực hiện và sẽ thực hiện các Bộ quy tắc ứng xử, nhất là ở các DN thuộc các ngành đang tham gia vào xuất khẩu các mặt hàng chủ lực của Việt Nam như giày da, dệt may, thủy sản đông lạnh… để thấy được những thuận lợi, những khó khăn, thách thức và rào cản, từ đó có những giải pháp phù hợp để thực hiện.
Thứ ba, Nhà nước cần có cơ chế, chính sách hỗ trợ để các DN có thể thực hiện được CSR của mình; hoàn thiện hệ thống chính sách hỗ trợ người dân có việc làm, nâng cao thu nhập, giảm nghèo và tham gia thị trường lao động; hoàn thiện hệ thống chính sách về bảo hiểm xã hội. Rà soát, bổ sung quy định buộc người sử dụng lao động phải đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động theo quy định của pháp luật. Phấn đấu đến năm 2025 có khoảng 50% lực lượng lao động tham gia bảo hiểm xã hội; tăng tỷ lệ lực lượng lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp.
Thứ tư, nâng cao hiệu quả công tác trợ giúp xã hội, tiếp tục mở rộng đối tượng thụ hưởng với hình thức hỗ trợ thích hợp. Thực hiện tốt công tác hỗ trợ đột xuất, bảo đảm người dân bị thiệt hại khi gặp rủi ro, thiên tai được hỗ trợ kịp thời. Hoàn thiện cơ chế, chính sách và phương thức tổ chức thực hiện, nâng cao hiệu quả hoạt động trợ giúp đột xuất; mở rộng sự tham gia hỗ trợ của cộng đồng.
Thứ năm, đẩy mạnh vai trò của các hiệp hội nghề (như Hội Dệt may, Hội Da - Giày, Hội Xuất khẩu thủy sản); của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam và các bộ, ngành trong việc hình thành các kênh thông tin về CSR cho các DN, nhất là cung cấp các thông tin cập nhật về các Bộ quy tắc ứng xử; tư vấn cho các DN trong quá trình thực hiện CSR và các Bộ quy tắc ứng xử…
Tài liệu tham khảo:
Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 01/6/2012 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về “Một số vấn đề về chính sách xã hội giai đoạn 2012 - 2020”;
Đào Quang Vinh, Báo cáo tóm tắt nghiên cứu thực hiện trách nhiệm xã hội tại các doanh nghiệp thuộc hai ngành Dệt may và da giày, Viện Khoa học Lao động và Xã hội;
Nguyễn Văn Hồi (2019), Trách nhiệm của doanh nghiệp trong thực hiện an sinh xã hội, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội;
Twose, Nigel và Tara “Tăng cường sự tham gia của Chính phủ các nước đang phát triển trong vấn đề trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp”, Ngân hàng Thế giới;
Carroll, Archie B. (1991), “The pyramid of corporate social responsibility: Toward the moral management of organizational stakeholders”, Business Horizons 34 (4): 39–48, ISSN 0007-6813;
Sheehy, Benedict (2015), “Defining CSR: Problems and Solutions”, Journal of Business Ethics 131 (3): 625–648, ISSN 0167-4544.