Tăng cường vốn tín dụng cho doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ

Trong những năm qua, ngành ngân hàng đã có sự quan tâm về hỗ trợ tín dụng đến các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) do phụ nữ làm chủ. Qua đó góp phần giúp những nữ chủ doanh nghiệp có thêm cơ hội để mở rộng hoạt động sản xuất, kinh doanh, góp phần vào sự phát triển kinh tế-xã hội chung của đất nước.

Chưa phát huy được hết tiềm năng phát triển

Ở nước ta, xu thế phụ nữ nắm vai trò lãnh đạo trong khu vực kinh tế tư nhân đang dần trở nên phổ biến. Các DNNVV do phụ nữ làm chủ có vai trò quan trọng trong giải quyết việc làm, tạo thu nhập, nâng cao vị thế phụ nữ và thực hiện bình đẳng giới. Tuy nhiên, các DNNVV do phụ nữ làm chủ vẫn còn gặp phải nhiều trở ngại trong quá trình từ lúc khởi nghiệp cho đến khi đứng vững trên thương trường như: Quy mô nhỏ, nguồn lực tài chính và sức cạnh tranh còn yếu; năng lực quản trị doanh nghiệp và tiếp cận thông tin, công nghệ còn hạn chế. Đặc biệt là khi phụ nữ làm chủ doanh nghiệp còn gặp nhiều áp lực do phải cân bằng giữa công việc và cuộc sống gia đình. Những nguyên nhân đó khiến cho DNNVV do phụ nữ làm chủ chưa phát huy được hết tiềm năng phát triển.

Bà Chu Hồng Minh, chuyên gia tài chính cao cấp của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đánh giá, cùng với những nỗ lực chung về bình đẳng giới, Việt Nam đã từng bước có những chính sách và giải pháp nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp nữ khởi nghiệp, doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động nữ, đặc biệt là DNNVV do phụ nữ làm chủ. Thời gian qua, hệ thống ngân hàng đã coi đối tượng này là một trong những đối tượng ưu tiên thực hiện các hoạt động hỗ trợ và cấp tín dụng, nhất là trong thời gian dịch Covid-19 diễn biến phức tạp.

 Cán bộ ngân hàng tiến hành thẩm định tín dụng tại kho hàng của doanh nghiệp. Ảnh: PHÚ SƠN

Cán bộ ngân hàng tiến hành thẩm định tín dụng tại kho hàng của doanh nghiệp. Ảnh: PHÚ SƠN

Theo bà Vũ Minh Châu, Phó vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, ngành ngân hàng luôn xác định DNNVV là một trong 5 lĩnh vực ưu tiên đầu tư tín dụng. Thời gian qua, NHNN Việt Nam đã phối hợp với các ngân hàng trong hệ thống tích cực triển khai thực hiện nhiều giải pháp, chính sách hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho các DNNVV trong việc tiếp cận nguồn vốn.

Đồng thời triển khai các chính sách ưu đãi về lãi suất, tín dụng, chủ động tiếp cận, đưa ra nhiều chương trình, sản phẩm ưu tiên hỗ trợ đối với DNNVV nhằm tháo gỡ khó khăn cho khách hàng, doanh nghiệp bị ảnh hưởng của dịch Covid-19. Bên cạnh đó, nỗ lực đẩy mạnh chương trình kết nối ngân hàng-doanh nghiệp để giải quyết khó khăn, vướng mắc, kiến nghị của doanh nghiệp. Nhờ đó, vốn tín dụng ngân hàng đầu tư cho khu vực DNNVV, DNNVV do phụ nữ làm chủ đều tăng trưởng qua các năm.

Để hỗ trợ kịp thời cho các DNNVV do phụ nữ làm chủ có khó khăn về tài chính trong giai đoạn dịch Covid-19, ADB đã triển khai dự án giảm thiểu tác động của dịch Covid-19 đến các DNNVV với tổng giá trị 5 triệu USD từ tháng 4-2021, trong đó cơ quan chủ quản là NHNN Việt Nam và 5 ngân hàng tham gia thực hiện (BIDV, ACB, SHB, TPBank và VPBank). Đồng hành với các doanh nghiệp và ngân hàng, NHNN Việt Nam cũng phối hợp với ADB triển khai những nghiên cứu, đánh giá nhằm tìm hiểu và nắm bắt các khó khăn, trở ngại đối với DNNVV do phụ nữ làm chủ trong hoạt động kinh doanh.

Phát triển các sản phẩm tài chính phù hợp

Một số nữ lãnh đạo DNNVV cho biết, mặc dù từng vay vốn của ngân hàng nhưng khi có thay đổi về chính sách cho vay của từng thời kỳ thì họ vẫn gặp khó khăn khi tiếp cận vốn. Nguyên nhân là do chưa cung cấp đủ báo cáo tài chính theo yêu cầu thẩm định vốn, tài sản bảo đảm thiếu hoặc không có, phương án kinh doanh không chứng minh được tính khả thi, hiệu quả...

Đại diện Ngân hàng Thương mại cổ phần Đông Nam Á (SeABank) cho rằng, cần đơn giản hóa thủ tục, hồ sơ để DNNVV do phụ nữ làm chủ được tiếp cận và hỗ trợ từ các chính sách của Chính phủ. Đồng thời nâng cao chất lượng dịch vụ hỗ trợ kinh doanh với đối tượng này tại các địa phương; vinh danh và ghi nhận đóng góp của các doanh nghiệp này để thúc đẩy phụ nữ tham gia phát triển kinh tế-xã hội.

Ông Cát Toàn Luân, Phó giám đốc Trung tâm Quản lý và Thúc đẩy kinh doanh khách hàng doanh nghiệp, Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn-Hà Nội (SHB) chia sẻ về việc gia tăng hiệu quả hoạt động cho vay dành cho nhóm DNNVV do phụ nữ làm chủ với những bài học về tăng cường hỗ trợ và tài trợ; đào tạo và phát triển kỹ năng; xây dựng mạng lưới và liên kết; khuyến khích sự đổi mới và sáng tạo; xây dựng lòng tin.

Chuyên gia tư vấn tài chính quốc tế Reuben Jessop đưa ra các khuyến nghị đối với NHNN Việt Nam và nhà hoạch định chính sách như: Thúc đẩy hoạt động cho vay đối với các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ như một biện pháp phòng ngừa tích cực nhằm bảo vệ các ngân hàng trước tình trạng suy giảm danh mục cho vay; cải thiện các cơ chế bảo lãnh tín dụng và dịch vụ tư vấn để hoạt động hiệu quả hơn cho các DNNVV.

Đồng thời cần xây dựng kiến thức và chuyên môn cho các tổ chức tài chính tập trung vào doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ. Bên cạnh đó, các tổ chức tài chính cần theo dõi dữ liệu phân tách theo giới tính; xây dựng chiến lược dành riêng cho DNNVV do phụ nữ làm chủ; phát triển sản phẩm và dịch vụ phù hợp cho các đối tượng này.

NGUYỄN ANH VIỆT

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/tang-cuong-von-tin-dung-cho-doanh-nghiep-do-phu-nu-lam-chu-731004