Tăng cường xử lý vi phạm hoạt động kinh doanh thuốc lá
Ngày 23-5, tại Hà Nội, Vụ Pháp chế (Bộ Thông tin và Truyền thông) phối hợp với HealthBridge Việt Nam tổ chức Hội thảo cung cấp thông tin về phòng, chống tác hại của thuốc lá. Đây cũng là hoạt động hưởng ứng Ngày thế giới không thuốc lá (31-5) và Tuần lễ quốc gia không thuốc lá (25-5 đến 31-5-2023).
Theo ước tính của Tổ chức Y tế thế giới, tổn thất kinh tế toàn cầu do thuốc lá gây ra mỗi năm là 1.400 tỷ USD. Sử dụng thuốc lá gây 8 triệu ca tử vong mỗi năm trên thế giới (trong đó có khoảng 1 triệu ca tử vong do hút thuốc thụ động). Nguy hiểm hơn, các sản phẩm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng với đa dạng mẫu mã, mùi vị hiện nay tiềm ẩn nhiều nguy cơ bị trộn lẫn ma túy.
Bà Nguyễn Thị An, Giám đốc Tổ chức HealthBridge Việt Nam cho biết: Khói thuốc lá chứa 7.000 hợp chất độc hại, 69 hợp chất gây ung thư. Nicotine trong thuốc lá gây nghiện và ảnh hưởng đến sự phát triển não bộ. Khói thuốc gây nên những tác động nghiêm trọng tới trẻ em trong suốt giai đoạn từ khi thụ thai, thơ ấu và thanh thiếu niên. Tuy nhiên, hiện nay, việc thực thi các quy định pháp luật, xử lý vi phạm còn hạn chế, dẫn đến các hành vi vi phạm liên quan đến bán thuốc lá, quảng cáo, khuyến mại thuốc lá, hút thuốc lá tại nơi có quy định cấm… vẫn còn phổ biến. Hiện tượng bán thuốc lá trong phạm vi 100m trước cổng trường học, bán thuốc lá cho trẻ dưới 18 tuổi vẫn còn diễn ra.
Theo bà Nguyễn Thị An, thời gian tới, cần tăng cường thực thi Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá, đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm vi phạm trong đó tập trung xử lý vi phạm địa điểm cấm hút thuốc, vi phạm về quảng cáo, khuyến mại và tài trợ, kinh doanh buôn bán các sản phẩm thuốc lá lậu.
Trao đổi tại hội thảo, nhiều chuyên gia cho rằng, cần nghiên cứu tăng thuế tiêu thụ thuốc lá nhằm hạn chế việc sử dụng thuốc lá dễ dàng như hiện nay. Bác sĩ Nguyễn Tuấn Lâm (chuyên gia của Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam) cho biết, giá thuốc lá ở Việt Nam đang ở mức rất rẻ, dễ tiếp cận với thanh thiếu niên và người có thu nhập thấp. Giá thuốc lá ở Việt Nam chỉ đứng thứ 157 trên tổng số 161 quốc gia có số liệu báo cáo năm 2020. Bên cạnh đó, mẫu mã các loại thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng thường bắt mắt, hướng tới đối tượng khách hàng trẻ, được mua-bán dễ dàng nên rất khó kiểm soát.
Theo bác sĩ Lâm, việc tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá có tác dụng làm giảm sức mua thuốc lá, hạn chế thanh niên tiếp cận với thuốc lá giá rẻ. Thuế và giá là giải pháp có chi phí thấp nhưng mang lại hiệu quả cao đối với việc giảm tiêu dùng thuốc lá và là giải pháp phòng bệnh hữu hiệu đã được Tổ chức Y tế thế giới và Ngân hàng thế giới khuyến cáo các quốc gia cần áp dụng.