Tăng cường xử lý vi phạm pháp luật về lâm nghiệp

Đầu tháng 3 vừa qua, Hạt Kiểm lâm huyện Bắc Hà ra quyết định xử phạt hành chính 62 hộ ở thôn Tống Hạ, xã Nậm Đét vì vi phạm trong lĩnh vực lâm nghiệp với tổng số tiền 380 triệu đồng và buộc khắc phục hậu quả. Các hộ trên đã cố ý phát luỗng gần 9 ha rừng tự nhiên phòng hộ để trồng quế.

Ông Trần Quang Đại, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Bắc Hà cho biết: Việc tuyên truyền pháp luật của Nhà nước về lĩnh vực lâm nghiệp được các ngành, các cấp thực hiện thường xuyên. Về cơ bản, người dân nắm rõ luật nhưng nhiều người vẫn cố tình vi phạm, trong khi đó, có thời điểm, ngành chức năng xử lý có phần nhẹ tay, chủ yếu nhắc nhở, tuyên truyền, vận động nên hiệu quả thấp. Việc xử phạt nghiêm minh sẽ có sức răn đe cao hơn, qua đó hạn chế hành vi vi phạm.

Hiện trường rừng bị phá tại xã Lùng Vai (Mường Khương).

Hiện trường rừng bị phá tại xã Lùng Vai (Mường Khương).

Thời gian qua, Hạt Kiểm lâm huyện Mường Khương luôn tổ chức thực hiện nghiêm các quy định trong công tác quản lý, bảo vệ rừng. Từ đầu năm đến nay, lực lượng kiểm lâm huyện đã phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức 24 buổi tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về lâm nghiệp cho hơn 1.000 người; tổ chức 15 cuộc kiểm tra về công tác phòng cháy, chữa cháy rừng tại các xã trọng điểm. Qua kiểm tra và đấu tranh, lực lượng kiểm lâm huyện đã phát hiện 4 vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp, trong đó có 3 vụ phá rừng trái pháp luật, 1 vụ cháy làm thiệt hại hơn 35,7 ha rừng.

Ông Nguyễn Công Tưởng, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Mường Khương cho biết: Trong tháng 4/2020, Hạt Kiểm lâm huyện đã ra quyết định khởi tố 4 vụ án hình sự đối với 10 đối tượng vi phạm pháp luật trong lĩnh vực lâm nghiệp. Đây là các vụ vi phạm được phát hiện, điều tra từ cuối năm 2019 với hành vi hủy hoại 6,3 ha rừng tại thôn Cốc Lầy, xã Lùng Vai, tổng số tiền thiệt hại hơn 546 triệu đồng. Đơn vị đã bàn giao hồ sơ các vụ án cho cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật. Việc xử lý nghiêm các hành vi vi phạm sẽ làm tăng sức răn đe, góp phần nâng cao hơn nữa công tác quản lý, bảo vệ, phát triển, phòng cháy, chữa cháy rừng trên địa bàn.

Trong những năm qua, công tác quản lý, bảo vệ, phát triển rừng trên địa bàn tỉnh đạt được nhiều kết quả. Diện tích rừng không ngừng tăng qua các năm, toàn tỉnh hiện có hơn 357.000 ha rừng, tỷ lệ tán che phủ rừng đạt 55,63%. Có được kết quả trên là do các ngành, địa phương, đơn vị, chủ rừng trên địa bàn tỉnh đã nỗ lực triển khai thực hiện Luật Lâm nghiệp và các văn bản chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh về quản lý, bảo vệ, phát triển rừng.

Tuy nhiên, thời gian gần đây, tình trạng vi phạm Luật Lâm nghiệp có diễn biến phức tạp. Tính đến hết tháng 4/2020, trên địa bàn tỉnh xảy ra 58 vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp, tăng 25 vụ so với cùng kỳ năm 2019. Đáng chú ý là số vụ vi phạm về phá rừng trái phép tăng mạnh: Năm 2018 có 29 vụ, năm 2019 có 31 vụ, tính riêng 4 tháng đầu năm 2020 đã có 40 vụ.

Theo đánh giá của ngành chức năng, nguyên nhân chủ quan là khi thấy được hiệu quả trong phát triển kinh tế lâm nghiệp, nhiều hộ đã cố ý lấn chiếm đất rừng phòng hộ để trồng rừng kinh tế. Bên cạnh đó, tại một số địa phương có tiềm năng phát triển du lịch như thị xã Sa Pa, xã Ý Tý (Bát Xát), người dân lấn chiếm đất rừng phòng hộ, rừng tự nhiên để mua bán hoặc chờ đền bù giải phóng mặt bằng khi mở rộng đô thị khu, điểm du lịch. Đây là những hành vi trục lợi bất chính cần được cần xử lý nghiêm minh.

Bên cạnh những nguyên nhân chủ quan nêu trên thì hiện tượng vi phạm Luật Lâm nghiệp thời gian gần đây còn xuất phát từ nguyên nhân khách quan, như do ảnh hưởng của dịch Covid-19, từ đầu năm đến nay, phần lớn lực lượng lao động tại khu vực nông thôn, miền núi không đi làm ăn xa, thiếu việc làm nên vào rừng kiếm sinh kế (phát luỗng rừng để trồng sa nhân, thảo quả, săn bắt động vật…); tình trạng gia tăng dân số, thiếu đất sản xuất; tập quán canh tác lạc hậu, thói quen sống dựa vào sản phẩm sẵn có từ rừng...

Cán bộ kiểm lâm Bát Xát hướng dẫn người dân đốt nương an toàn.

Cán bộ kiểm lâm Bát Xát hướng dẫn người dân đốt nương an toàn.

Thực hiện giải pháp tăng cường xử lý, từ đầu năm đến nay, lực lượng chức năng tỉnh đã ra quyết định khởi tố hình sự 7 vụ vi phạm pháp luật về lâm nghiệp (tăng 5 vụ so với năm 2019). Các vụ án trên sẽ được đưa ra xét xử công khai nhằm răn đe, giáo dục, nâng cao ý thức, trách nhiệm của toàn xã hội trong công tác bảo vệ rừng.

Ông Nguyễn Xuân Sâm, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh nhấn mạnh: Thời gian tới, các địa phương và các ngành chức năng cần nghiêm khắc xử lý vi phạm trong lĩnh vực lâm nghiệp; tiếp tục đẩy mạnh triển khai Luật Lâm nghiệp năm 2017, Chỉ thị số 13 ngày 12/4/2016 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng; thực hiện nghiêm văn bản số 5792 ngày 9/12/2019 của UBND tỉnh về việc triển khai thực hiện công tác bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng mùa khô năm 2019 - 2020; triển khai thực hiện Chỉ thị số 06 ngày 21/4/2020 của UBND tỉnh về việc tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng tự nhiên, thực vật, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm trên địa bàn tỉnh.

Cùng với đó, rất cần có những giải pháp khả thi để thực hiện công tác giảm nghèo, giải quyết việc làm, tạo sinh kế bền vững cho người dân đang sống gần rừng, qua đó góp phần giảm số vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp.

Kim Thoa

Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/phap-luat/tang-cuong-xu-ly-vi-pham-phap-luat-ve-lam-nghiep-z7n20200510104750793.htm