Tăng cường ý thức tiết kiệm, chống lãng phí trong mua sách giáo khoa
Trong phiên thảo luận toàn thể chiều nay, đóng góp vào nội dung quyết toán ngân sách nhà nước, ĐBQH Nguyễn Thị Mai Hoa (Đồng Tháp) nêu vấn đề, mức chi cho hoạt động giáo dục tối thiểu 20% so với tổng chi ngân sách theo quy định của Luật Giáo dục chưa bao giờ đạt. Do đó, với quan điểm đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho phát triển và là yếu tố then chốt thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững, đại biểu đề nghị, Quốc hội và Chính phủ cần cân đối, bảo đảm thực hiện dự toán ngân sách nhà nước hàng năm cho giáo dục đào tạo không dưới 20% theo đúng quy định của Luật Giáo dục.
Mức chi cho giáo dục hàng năm chưa bao giờ đạt
Theo đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa, sự quyết liệt trong công tác điều hành của Chính phủ và sự đồng thuận của Nhân dân là những nguyên nhân quan trọng để phục hồi nhanh và phát triển kinh tế, đặc biệt là tác động lớn tới việc thu, chi ngân sách nhà nước năm 2021, khá hơn rất nhiều so với con số báo cáo tại Kỳ họp thứ Hai, Quốc hội Khóa XV.
Quan tâm đến vấn đề ngân sách đầu tư cho giáo dục, đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa nêu rõ, đây không phải vấn đề mới, thậm chí rất cũ. Với quan điểm giáo dục là quốc sách hàng đầu, đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho phát triển và là yếu tố then chốt thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững, Luật Giáo dục năm 2019 đã quy định Nhà nước ưu tiên hàng đầu cho việc bố trí ngân sách giáo dục và bảo đảm ngân sách nhà nước chi cho giáo dục đào tạo tối thiểu 20% tổng ngân sách nhà nước. Trong khi đó, cuối năm 2021, tại Quyết định số 30 về tiêu chí và định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên ngân sách nhà nước năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ cũng đã quy định mức phân bổ chi sự nghiệp giáo dục, trong đó yêu cầu tỷ lệ tối thiểu chi thường xuyên cho giáo dục, các hoạt động giảng dạy học tập là 19% so với tổng chi sự nghiệp giáo dục. Do đó, đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa đề nghị, cần bổ sung để bảo đảm tỷ lệ chi tiền lương, phụ cấp các khoản có tính chất tối đa phải là 81%. Như vậy, đối với các địa phương có tỷ lệ dân số thuộc vùng đặc biệt khó khăn và vùng khó khăn cao hơn mức bình quân chung của cả nước thì chi thường xuyên cho hoạt động giảng dạy và học tập phải bảo đảm tỷ lệ tối thiểu là 20%.
Qua giám sát của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, đại biểu nhận thấy, còn một số vấn đề cần quan tâm. Đó là mức chi cho hoạt động giáo dục tối thiểu 20% so với tổng chi ngân sách nhà nước theo quy định của Luật Giáo dục chưa bao giờ đạt, như năm 2021 chỉ đạt 17,3% và giai đoạn 2016 - 2020 chỉ đạt 17,4 - 18,5%. Về lộ trình giảm chi thường xuyên, ngành giáo dục có đặc thù phần lớn kinh phí dùng để chi tiền lương. Nếu giảm chi thường xuyên theo lộ trình tại Nghị quyết số 19 của Trung ương sẽ không bảo đảm kinh phí chi lương cũng như chi cho chuyên môn. Đồng thời, sẽ thiếu nguồn lực để giải quyết các vấn đề như biên chế giáo viên thiếu; nhu cầu đào tạo bồi dưỡng giáo viên cũng như là các điều kiện cơ sở vật chất để phục vụ triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới.
Về lộ trình tính giá dịch vụ giáo dục đào tạo, đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa nêu rõ, đây là lĩnh vực ảnh hưởng đến an sinh xã hội; nếu thực hiện theo đúng lộ trình đến năm 2021 phải tính đủ chi phí theo tinh thần Nghị quyết 19 của Trung ương thì học phí chắc chắn sẽ tăng cao và sẽ gây áp lực cho học sinh, gia đình. "Vấn đề này cứ trước thềm mỗi năm học mới thì đều nghe ý kiến từ cử tri", đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa nói.
Theo quy định về phân cấp ngân sách, việc bố trí ngân sách cho giáo dục đào tạo ở các địa phương hiện nay không giống nhau. Qua giám sát thấy rằng, có nhiều tỉnh tỷ lệ chi cho hoạt động giảng dạy, học tập chiếm tỷ lệ rất thấp, thậm chí dưới 10%, nhưng cũng có những địa phương trong tổng chi thường xuyên, chi cho chuyên môn, cho giáo dục là trên dưới 30%. Những sự khác nhau trong chi cho hoạt động giáo dục ở các địa phương cho thấy rằng, chất lượng giáo dục sẽ không bảo đảm công bằng giữa các địa phương. Từ thực tế này, đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa đề xuất, Quốc hội và Chính phủ cần có sự cân đối, bảo đảm thực hiện dự toán ngân sách nhà nước hàng năm cho giáo dục và đào tạo không dưới 20% theo đúng quy định của Luật Giáo dục. Ưu tiên bố trí sắp xếp các chương trình, đề án, dự án của ngành giáo dục vào kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 cũng như các Chương trình mục tiêu quốc gia để bảo đảm ưu tiên bố trí kinh phí thường xuyên phục vụ cho triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới. Đối với kinh phí thường xuyên cho giáo dục đào tạo ở những địa bàn vùng khó khăn, cần có hỗ trợ từ Trung ương để bảo đảm cho các địa phương có thể là bố trí tối thiểu 19 - 20% chi cho hoạt động chuyên môn giảng dạy theo đúng tinh thần Nghị quyết 30 của Chính phủ.
Quy định rõ sách giáo khoa nào là bắt buộc, sách nào là tham khảo
Liên quan đến việc chống lãng phí qua câu chuyện về sách giáo khoa, đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa cho rằng, bên cạnh những lí giải liên quan tới câu chuyện xã hội hóa việc biên soạn sách giáo khoa, hay vấn đề giấy mực đã đẩy giá sách giáo khoa lên, thì còn có một nguyên nhân nữa là số đầu sách trong từng bộ sách tăng hơn rất nhiều so với sách cũ. Đối với các gia đình có nguồn thu nhập thấp, thì việc mỗi năm học đến cần chi phí cho con em đi học là một gánh nặng. Thực tế này đã được phản ánh rất nhiều trên nghị trường cũng như dư luận xã hội.
Do đó, đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa đề nghị, trong công tác tuyên truyền cần có những giải pháp để tăng cường ý thức tiết kiệm, chống lãng phí trong việc mua sách giáo khoa. Bộ Giáo dục và Đào tạo cần có quy định sách nào là sách giáo khoa bắt buộc phải mua và những sách nào là sách tham khảo; đồng thời, cho phụ huynh quyền được lựa chọn mua những sách bắt buộc và không mua những sách khác. Đối với các trường miền núi, cần có ngân sách để đầu tư cho sách giáo khoa trong các thư viện, giúp cho các em học sinh gia đình nghèo và dân tộc thiểu số có thể mượn, không phải đi mua.