Tăng đãi ngộ cho nhà giáo

Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT), kết thúc năm học 2022-2023, cả nước còn thiếu 118.253 giáo viên. Con số đó tiếp tục tăng lên trong năm học 2023-2024. Từ tháng 8-2020 đến tháng 8-2023, cả nước có khoảng 40.000 giáo viên nghỉ việc, bỏ việc (trung bình mỗi năm có hơn 13.000 giáo viên nghỉ việc, bỏ việc). Mấu chốt của vấn đề là thu nhập thấp, chính sách đãi ngộ chưa thỏa đáng, trong lúc áp lực công việc cao.

Nhìn lại 10 năm thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 4-11-2013, Hội nghị Trung ương 8 (khóa XI) về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT, Đảng, Nhà nước đã có nhiều chính sách quan tâm đến giáo dục và lực lượng nhà giáo. Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng xác định GD-ĐT là giải pháp quan trọng để thực hiện đột phá chiến lược về nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao để phát triển đất nước.

Cần có giải pháp thu hút giáo viên, giữ chân các nhà giáo giỏi. Ảnh minh họa: TTXVN

Cần có giải pháp thu hút giáo viên, giữ chân các nhà giáo giỏi. Ảnh minh họa: TTXVN

Trong bối cảnh nền kinh tế đất nước còn khó khăn, một số địa phương đã xây dựng, triển khai thực hiện đề án, giải pháp thu hút giáo viên, giữ chân các nhà giáo giỏi. Chẳng hạn, Sở GD-ĐT tỉnh Đồng Nai đang lấy ý kiến góp ý dự thảo chính sách hỗ trợ, đãi ngộ đối với giáo viên tại các cơ sở giáo dục công lập trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2023-2025. Theo đó, dự kiến thu hút tuyển mới giáo viên một lần với mức thấp nhất là 120 triệu đồng/người và cao nhất là 200 triệu đồng/người; hỗ trợ giáo viên hằng tháng, thấp nhất là 1,5 triệu đồng/người và cao nhất là 2,5 triệu đồng/người. Trong khi đó, các tỉnh Bình Dương, Bà Rịa-Vũng Tàu, Long An... quyết định hỗ trợ giáo viên mầm non làm việc tại cơ sở dân lập, tư thục ở địa bàn có khu công nghiệp, cụm công nghiệp là 800 nghìn đồng/người/tháng...

Tại TP Hồ Chí Minh, trong Kỳ họp lần thứ 11 vừa qua, HĐND thành phố đã thống nhất tiếp tục chi thu nhập tăng thêm để kịp thời cụ thể hóa Nghị quyết số 98/2023/QH15 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Hồ Chí Minh; tạo động lực đối với đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, trong đó có giáo viên các cấp. UBND thành phố cũng xác định tăng cường tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng giáo viên; tạo thuận lợi về nhà ở và năng lực công tác... Đặc biệt, lần đầu tiên UBND thành phố chỉ đạo sở GD-ĐT xét tuyển giáo viên từ nguồn sinh viên tốt nghiệp xuất sắc và cán bộ khoa học trẻ ở các lĩnh vực nhằm tạo nguồn giáo viên phục vụ giảng dạy, bồi dưỡng học sinh giỏi...

Về định hướng lâu dài, cần có giải pháp tổng thể, khả thi, mang tính bền vững nhằm tăng thu nhập cho giáo viên thông qua cải cách tiền lương theo hướng ưu tiên tính chất đặc thù của nghề dạy học; có chính sách hỗ trợ, thu hút học sinh giỏi vào học ngành sư phạm... Tại cuộc gặp mặt đại diện các nhà giáo tiêu biểu diễn ra chiều 17-11, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu tập trung rà soát, hoàn thiện cơ chế, chính sách tuyển dụng, sử dụng, đãi ngộ để giáo viên được thụ hưởng mức lương tương xứng với công sức của mình, nhất là giáo viên mầm non, những người đang công tác ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn... Với sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Đảng, Chính phủ và sự đồng lòng vào cuộc của các bộ, ngành, địa phương... thu nhập và chế độ đãi ngộ đối với giáo viên kỳ vọng sẽ sớm được cải thiện để thầy, cô giáo yên tâm công tác, tận tâm cống hiến cho sự nghiệp “trồng người”.

CHÂU GIANG

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Cùng bàn luận xem các tin, bài liên quan.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/cung-ban-luan/tang-dai-ngo-cho-nha-giao-752074