Tăng độ bao phủ vắc xin
Ngay khi được phân bổ lượng vắc xin đảm bảo nhu cầu, ngành y tế đang nỗ lực tuyên truyền giúp người dân tiêm chủng đúng lịch; quyết tâm hoàn thành mục tiêu quốc gia về tiêm chủng đã đề ra.
Sau đợt phân bổ 500 ngàn liều vắc xin tới các địa phương vào ngày 16/4, Bộ Y tế đã liên tục cung ứng vắc xin trong các đợt tiếp theo. Riêng tỉnh Cà Mau đã được phân bổ hơn 22 ngàn liều vắc xin 5 trong 1, hơn 20 ngàn liều vắc xin phòng bệnh bại liệt và các loại vắc xin phòng bệnh sởi - Rubella, viêm não Nhật Bản... Ngay lập tức, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã thực hiện kế hoạch phân bổ vắc xin về các huyện và thành phố. Ở thời điểm đầu tháng 5, toàn tỉnh đã triển khai tiêm bù và tiêm vét cho người dân, đặc biệt là đối tượng trẻ em. Các trạm y tế, phòng khám đa khoa khu vực cũng phối hợp, đẩy mạnh tuyên truyền cho người dân đến tiêm chủng.
Bác sĩ Ðoàn Văn Nam, Phó trưởng khoa Phòng chống bệnh truyền nhiễm - Kiểm dịch y tế quốc tế - Ký sinh trùng côn trùng, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, cho biết: "Tình trạng thiếu vắc xin ở giai đoạn trước vì yếu tố khách quan, nay đã được giải quyết, đảm bảo tiêm bù lại cho các nhóm trước kia còn thiếu. Về tình hình cung ứng vắc xin, Trung tâm đã tham mưu Sở Y tế và trình UBND tỉnh, đảm bảo số lượng vắc xin luôn luôn được gối đầu trước 3 tháng và xây dựng kế hoạch đăng ký lượng vắc xin về Trung ương, đảm bảo thực hiện cho 6 tháng cuối năm 2024 và năm 2025. Hiện tại, chúng tôi đã đảm bảo đủ vắc xin để người dân được tiêm đầy đủ theo tỷ lệ đề ra”.
Việc tỉnh được cung cấp đủ vắc xin khiến các bậc phụ huynh và người dân phấn khởi khi thời điểm giao mùa nhiều dịch bệnh có nguy cơ bùng phát. Theo ngành y tế, dự kiến đến hết năm 2024, ngành tiếp tục thực hiện Chương trình Tiêm chủng mở rộng quốc gia, đó là triển khai tiêm tại trường học nhằm tiêm vét, bù mũi cho các cháu bị hoãn hoặc bỏ lỡ các mũi tiêm chủng đầu đời. Từ đó, sẽ giúp thu hẹp khoảng trống miễn dịch, chủ động phòng dịch, tiết kiệm nguồn nhân lực so với triển khai chiến dịch tiêm chủng bổ sung đồng loạt.
Dịch sởi trên toàn quốc vẫn diễn ra theo chu kỳ 3-4 năm với hàng chục ngàn ca mắc gây nguy hiểm diện rộng. Ðối với bệnh bại liệt, nguy cơ virus hoang dại xâm nhập vào Việt Nam trong bối cảnh căn bệnh này chưa được thanh toán trên toàn cầu, đồng thời với nguy cơ virus vắc xin biến đổi di truyền quay trở lại độc tố là hiện hữu. Các dịch bệnh khác như: bạch hầu, ho gà, viêm não Nhật Bản B... có nguy cơ tái diễn. Vì vậy, cần có các biện pháp can thiệp nhằm làm giảm số trẻ cảm nhiễm trước khi dịch bùng phát để chủ động phòng chống dịch, bảo vệ sức khỏe trẻ em.
Trong tình hình này, việc nỗ lực để đảm bảo nguồn cung vắc xin tiêm chủng mở rộng, tiêm miễn phí cho trẻ nhỏ đang là trọng tâm. Bác sĩ Ðoàn Văn Nam thông tin: "Hiện tại, để có độ bao phủ vắc xin, cần tăng cường các biện pháp truyền thông hướng dẫn người dân đưa con em đến để tiêm bù và tiêm vét lại cho những nhóm đối tượng do khoảng trống thời gian thiếu vắc xin, đồng thời tiêm cho nhóm đối tượng đến tuổi tiêm chủng. Ngành y tế tỉnh đã quản lý chặt chẽ số lượng trẻ tiêm chưa đầy đủ để tiếp tục tuyên truyền, vận động người dân đưa con em đi tiêm vắc xin đầy đủ, nhằm tạo miễn dịch bệnh trong cộng đồng bền vững".
Cùng với nỗ lực của ngành chức năng để đảm bảo lượng cung vắc xin, điều quan trọng là các bậc phụ huynh phải theo dõi sát sao lịch tiêm chủng mở rộng cho trẻ. Vì nếu nhỡ lịch, trẻ sẽ không được vắc xin bảo vệ tối ưu trong những năm tháng đầu đời và có nguy cơ cao đối mặt với nhiều bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, đặc biệt là vào mùa cao điểm dịch bệnh.
Chị Ðoàn Thị Thúy, ngụ Khóm 4, Phường 4, TP Cà Mau, chia sẻ: "Thời gian thiếu vắc xin làm tôi khá lo lắng về vấn đề phòng chống miễn dịch cho bé. Tôi có theo dõi kỹ lịch tiêm và được bác sĩ tư vấn dựa trên từng loại vắc-xin để được chỉ định các mũi tiêm bù, tiêm vét theo đúng lịch tiêm chủng mở rộng quy định để phòng ngừa các bệnh truyền nhiễm hiệu quả".
"Khi đưa con đến cơ sở y tế tiêm, tôi nhờ tư vấn trước về các loại vắc xin và thời gian tiêm, loại nào đã tiêm và bị gián đoạn thì nên làm gì? Tuân thủ lịch tiêm chủng là điều quan trọng để con có sức khỏe tốt", anh Lý Thanh Thành, ngụ Khóm 3, Phường 6, TP Cà Mau, bày tỏ quan tâm.
Theo ngành y tế, 12 loại vắc xin được sử dụng trong lịch tiêm chủng mở rộng cho trẻ rất an toàn. Ðể vắc xin phát huy tác dụng tốt nhất và đảm bảo sức khỏe trẻ, khi đi tiêm chủng, bố mẹ cần lưu ý một số vấn đề sau: Thứ nhất, thông báo với bác sĩ các thông tin về tình trạng sức khỏe của con như: chiều cao, cân nặng, con sinh đủ tháng hay thiếu tháng, con có mắc bệnh bẩm sinh, con có đang ốm hay sốt hoặc có tiền sử dị ứng với các thành phần của vắc xin... hay không? Thứ hai là, trẻ cần được theo dõi ít nhất 30 phút tại điểm tiêm chủng và tiếp tục theo dõi tại nhà trong vòng 24 giờ. Trẻ thường gặp một số phản ứng sau tiêm như: sốt, vết tiêm sưng tấy, đau, nhức, quấy khóc, biếng ăn, bỏ bú..., cần bổ sung nhiều nước và có chế độ dinh dưỡng khoa học, hợp lý cho hệ miễn dịch như cung cấp thực phẩm giàu vitamin A, C, D, E, B2, B6, B12, folic acid và các khoáng chất như sắt, kẽm... Khi trẻ xuất hiện các dấu hiện bất thường và kéo dài như sốt cao, quấy khóc liên tục, co giật, khó thở, toàn thân tím tái..., phụ huynh cần khẩn trương đưa trẻ tới cơ sở y tế để được cấp cứu kịp thời./.
Nguồn Cà Mau: https://baocamau.vn/tang-do-bao-phu-vac-xin-a32740.html