Tăng đối thoại, kịp thời giải đáp kiến nghị

Ngày 10.1.2022, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 02/NQ-CP về những nhiệm vụ, giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2022. Đây là năm thứ 9 liên tiếp Chính phủ ban hành Nghị quyết chuyên đề về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Tuy vậy, theo ý kiến của nhiều chuyên gia việc thực hiện các nhiệm vụ đang có dấu hiệu chững lại.

Mới dừng lại ở… ghi nhận kiến nghị

Báo cáo về tình hình thực hiện Nghị quyết số 02/NQ-CP trong 6 tháng đầu năm 2022 vừa được Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình Chính phủ cho thấy, còn những hạn chế, khó khăn trong việc cải cách, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Trong đó, nổi lên những điểm nghẽn liên quan đến tính thống nhất và khả thi của hệ thống pháp luật; chậm giải đáp phản ánh, kiến nghị của cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt là chưa đưa ra được các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp…

Tăng cường đối thoại, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp

Tăng cường đối thoại, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp

Đến nay, Cổng Dịch vụ công quốc gia đã tích hợp đăng nhập một lần với tất cả các bộ, cơ quan ngang bộ, 63/63 địa phương và một số cơ quan cung cấp dịch vụ công trực tuyến; đã cung cấp 3.661 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4.

Nội dung phản ánh, kiến nghị của doanh nghiệp, đại diện hiệp hội doanh nghiệp chủ yếu là những vướng mắc trong các quy định hiện hành, góp ý vào các dự thảo cơ chế, chính sách đang được xây dựng. Thời gian phản hồi các phản ánh, kiến nghị thường chậm so với quy định của pháp luật. Chậm ở đây có thể do gửi chưa đúng chức năng của bộ, ngành quản lý, chẳng hạn gửi về Văn phòng Chính phủ nhưng vấn đề này lại thuộc chuyên môn của các bộ, ngành; hoặc chậm vì phải hỏi ý kiến của các bộ, ngành liên quan. Tuy nhiên, điều nhận thấy sau 6 tháng thực hiện Nghị quyết 02 là có không ít văn bản phải 2-3 tháng sau doanh nghiệp mới nhận được phản hồi, thậm chí có kiến nghị được doanh nghiệp, cộng đồng doanh nghiệp gửi từ tháng 1.2022 tới nay vẫn không thấy các cơ quan hồi âm.

Cũng không hiếm doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp kiên trì với những kiến nghị đã nhiều lần được các cơ quan chức năng trả lời. Điển hình, Hiệp hội Lương thực - Thực phẩm TP. Hồ Chí Minh kiến nghị bỏ quy định “muối dùng trong chế biến thực phẩm phải được tăng cường i-ốt”, “bột mỳ dùng trong chế biến thực phẩm phải được tăng cường sắt và kẽm” tại Nghị định số 09/2016/NĐ-CP về tăng cường vi chất dinh dưỡng vào thực phẩm. Được biết, kiến nghị này đã được gửi lên Bộ trưởng Bộ Y tế cuối năm ngoái, năm nay Hiệp hội lại kiến nghị… nhưng rồi lại chờ trả lời kiến nghị.

Như vậy vấn đề ở đây không chỉ là nhận và trả lời kiến nghị đúng hạn, mà trả lời phải tháo gỡ được khó khăn cho doanh nghiệp, từ đó góp phần giảm chi phí tuân thủ pháp luật, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, phù hợp với thông lệ quốc tế.

Kịp thời giải quyết vướng mắc

Tại Báo cáo 6 tháng triển khai Nghị quyết số 02/NQ-CP, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, các bộ, ngành, địa phương đã nhận thức được vai trò và ý nghĩa của cải cách môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, nhưng việc thực thi không đồng đều. Theo quy định tại Nghị quyết này, đến ngày 10.6 các bộ, ngành, địa phương phải gửi báo cáo 6 tháng thực hiện Nghị quyết 02, song đến ngày 22.6, Bộ này nhận được báo cáo 6 tháng của 10/27 bộ, ngành, cơ quan và 22/63 địa phương. Các bộ, ngành, địa phương chậm gửi báo cáo… thì cũng chưa có giải pháp gì để khắc phục.

Cũng tại Báo cáo này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất 6 nhóm giải pháp lớn, trong đó nhấn mạnh các bộ, ngành, địa phương cần coi trọng cải thiện môi trường kinh doanh để thúc đẩy sự phục hồi và phát triển của doanh nghiệp; thường xuyên kiểm tra, giám sát hoạt động thực thi chính sách; xử lý nghiêm cán bộ có hành vi nhũng nhiễu, gây phiền hà cho doanh nghiệp; kiên quyết cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, giảm chi phí tuân thủ trên mọi lĩnh vực, triển khai thực chất dịch vụ công trực tuyến, tạo cơ hội cho các dự án chuyển đổi số, chuyển đổi năng lượng…

Có thể thấy đây đều là giải pháp dài hơi, cần sự vào cuộc của các bộ, ngành, địa phương. Còn ở góc độ doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp thì cần phải thấy việc sớm trả lời các phản ánh, kiến nghị là giải pháp thiết thực nhất, gắn với hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, những vấn đề họ đang vướng. Trong đó, việc thường xuyên tổ chức đối thoại với người dân và doanh nghiệp, để kịp thời nắm bắt các phản hồi chính sách và giải quyết các khó khăn, vướng mắc cần được ưu tiên thực hiện.

Theo đó, những vấn đề thuộc thẩm quyền giải quyết của bộ, ngành, địa phương thì cần giải quyết ngay, giải quyết đến cùng và xác định thời gian giải quyết cụ thể, rõ ràng. Những vấn đề không thuộc thẩm quyền giải quyết thì kịp thời báo cáo và kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền liên quan; đồng thời theo dõi, đóng góp và cập nhật kịp thời khi văn bản chính sách được điều chỉnh.

Phạm Hải

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/kinh-te-phat-trien/tang-doi-thoai-kip-thoi-giai-dap-kien-nghi-i296641/