Tăng Duy Tân: 'Tôi không phục vụ người mắc hội chứng thượng đẳng âm nhạc'

Tăng Duy Tân thẳng thắn phản hồi anti fan về chuyện đâu là giá trị đích thực của âm nhạc!

(Âm nhạc của Tăng Duy Tân được đông đảo khán giả hưởng ứng - Nguồn: Tiến Đạt Vivu)

Phản ứng của Tăng Duy Tân khi nhạc bị chê

Trong một bài viết gần đây, một cư dân mạng đã gây tranh cãi khi nhận xét: "Mình vẫn thấy nhạc Tăng Duy Tân nói chung là quê và sến rện đấy. Bạn có cần nghe người học nhạc viện top 5 trên thế giới thông cho bạn hiểu không?".

Bài đăng chê nhạc của Tăng Duy Tân. (Ảnh: Threads)

Bài đăng chê nhạc của Tăng Duy Tân. (Ảnh: Threads)

Không chọn cách phớt lờ, Tăng Duy Tân đã có màn phản hồi cực thẳng thắn trên mạng xã hội.

Anh viết trên Threads: "Mình bản chất nông thôn, tâm hồn cây lúa, nên mình làm nhạc phục vụ nhân dân, khán giả đại chúng, không làm nhạc phục vụ những người mắc hội chứng thượng đẳng âm nhạc".

Anh nói rõ thêm về khái niệm "thượng đẳng âm nhạc": "Thứ âm nhạc mà những người bị mắc hội chứng nêu trên hay nghe là thứ mình cùng các anh trong nhạc viện đánh mỗi cuối tuần suốt thời sinh viên mà sao mình lại không bị mắc bệnh ta? Chắc tại vì mình không đem nó ra lòe thiên hạ.

Hồi đó thích nhất chơi hòa tấu bài Casablanca, Bésame MuchoHotel California. Buổi chiều ngồi tập cùng các anh ở nhà cũ bác Trịnh Công Sơn, tối đến lại đi đánh hòa tấu kiếm sống. Rất chill".

Nội dung Tăng Duy Tân đáp trả trên mạng xã hội. (Ảnh: Threads)

Nội dung Tăng Duy Tân đáp trả trên mạng xã hội. (Ảnh: Threads)

Dù có nền tảng học thuật, Tăng Duy Tân không xem đó là đặc quyền để tự đặt mình ở vị trí cao hơn. Anh từng chơi nhạc hàn lâm suốt thời sinh viên nhưng "không mắc bệnh" bởi anh không xem âm nhạc là vỏ bọc để thể hiện đẳng cấp.

Bài viết của anh lập tức gây chú ý trên mạng xã hội. Nhiều khán giả và người làm nghề đồng tình với quan điểm rằng nghệ sĩ không cần phải làm hài lòng tất cả, đặc biệt là những người chỉ đánh giá sản phẩm âm nhạc bằng lăng kính “thượng đẳng”.

"Một số người có sở thích hơi khác so với số đông xong lại tự cho là gu mình đẳng cấp. Chê tất cả nhạc viral mà họ xem là 'tầm thường' so với họ".

Có khán giả cho rằng âm nhạc là để chạm vào cảm xúc chứ không phải để phân chia đẳng cấp và cần tôn trọng sở thích cá nhân mỗi người.

Khi âm nhạc chỉ cần “chạm”

Bài đăng của anti fan dù mang tính cá nhân, nhưng cũng phản ánh một góc nhìn không hiếm trong thị trường nhạc Việt hiện nay, khi nhiều người vẫn cho rằng chỉ nhạc phức tạp, khó nghe mới được công nhận là đỉnh cao.

Tăng Duy Tân tự nhận bản thân là người "bản chất nông thôn, tâm hồn cây lúa". (Ảnh: FBNV)

Tăng Duy Tân tự nhận bản thân là người "bản chất nông thôn, tâm hồn cây lúa". (Ảnh: FBNV)

Không thể phủ nhận những giá trị của âm nhạc hàn lâm, nhưng không vì thế mà phủ nhận vai trò của nhạc thị trường. Tăng Duy Tân là một ví dụ rõ ràng cho kiểu nghệ sĩ dám đi giữa làn ranh, kết hợp yếu tố giải trí và cảm xúc một cách khéo léo để tạo nên các bản hit lan tỏa mạnh mẽ.

Một sản phẩm âm nhạc bị đánh giá thấp về học thuật nhưng chạm đến hàng triệu trái tim có thực sự vô giá trị? Câu trả lời có lẽ nằm ở chính phản ứng của khán giả. Hàng triệu lượt nghe, hàng ngàn bình luận, chia sẻ cảm xúc, hàng trăm người cover lại ca khúc chính là minh chứng rõ nhất cho giá trị của bài hát.

Tăng Duy Tân có thể không làm nhạc để phục vụ nhóm khán giả khắt khe về mặt kỹ thuật, nhưng anh hiểu rõ mình đang chạm đến đâu trong trái tim số đông. Bởi cuối cùng, nhạc dễ nghe không có nghĩa là nhạc dễ dãi và âm nhạc để chạm vào người thật mới là thứ nhạc sống lâu nhất. Ở một thời điểm mà mọi thứ đều dễ bị phán xét và phân loại, việc một nghệ sĩ dám lên tiếng, dám khẳng định giá trị cảm xúc của âm nhạc là điều đáng trân trọng.

Hồng Hạnh - CTV

Nguồn SaoStar: https://www.saostar.vn/am-nhac/tang-duy-tan-khong-phuc-vu-nguoi-mac-hoi-chung-thuong-dang-am-nhac-202507042024451667.html