Tăng giá bán lẻ điện: Hộ nghèo, hộ chính sách bị ảnh hưởng không đáng kể
Những chính sách hỗ trợ hiện hành vẫn tiếp tục được thực hiện, do đó việc điều chỉnh giá bán lẻ điện gần như sẽ không tác động hoặc tác động rất ít đến nhóm khách hàng sử dụng ít điện, nhóm khách hàng yếu thế trong xã hội.
Chiều 9/11/2023, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã tổ chức buổi trao đổi thông tin về việc điều chỉnh giá bán lẻ điện.
Tại đây, EVN đã công bố toàn văn Quyết định số 1416/QĐ-EVN ngày 8/11/2023 của Tập đoàn Điện lực Việt Nam về việc điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân. Theo đó, mức giá bán lẻ điện bình quân sẽ là 2.006,79 đồng/kWh (chưa bao gồm thuế GTGT) từ ngày 9/11/2023, tăng thêm 86,42 đồng/kWh so với mức giá hiện hành.
Cũng trong ngày 8/11/2023, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 2941/QĐ-BCT quy định về giá bán điện, trong đó quy định giá bán lẻ điện cho các nhóm khách hàng sử dụng điện và giá bán điện cho các đơn vị bán lẻ điện.
Sau khi điều chỉnh tăng, mức giá điện mới theo bậc 1 là 1.806 đồng/kWh; bậc 2 là 1.866 đồng/kWh; bậc 3 là 2.167 đồng/kWh; bậc 4 là 2.729 đồng/kWh; bậc 5 là 3.050 đồng/kWh; bậc 6 là 3.151 đồng/kWh.
Xem thêm: "Điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân từ 9/11/2023" trên Tạp chí Công Thương tại đây.
Giảm bớt khó khăn cho EVN
Tại cuộc họp báo chiều 9/11, đại diện EVN cho biết, việc điều chỉnh tăng giá bán lẻ điện bình quân được thực hiện đúng theo quy định tại Quyết định số 24/2017/QĐ-TTg ngày 30/6/2017 của Thủ tướng Chính phủ quy định về cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện.
Đặc biệt, việc tăng giá bán lẻ điện đặt trong bối cảnh năm 2023 EVN đối diện nhiều khó khăn đến từ sụt giảm sản lượng và chi phí đầu vào tăng cao.
Cơ cấu nguồn điện giảm mạnh so với thực hiện năm 2022, riêng sản lượng thủy điện giảm gần 17 tỷ kWh do hạn hán và El Nino kéo dài.
Giá nguyên liệu đầu vào cho sản xuất điện duy trì ở mức cao: giá than nhập khẩu tăng 86% so với năm 2020 và tăng 25% so với năm 2021; giá than pha trộn trong nước tăng 29,6 - 40% so với năm 2021; giá dầu tăng 18% so với năm 2021, đặc biệt tỷ giá ngoại tệ tăng mạnh 4%.
Trong chi phí giá thành ngành điện hiện nay, chi phí mua điện và sản xuất điện chiếm khoảng 83%; chi phí truyền tải, phân phối, phụ trợ chiếm 17% còn lại. Thời gian qua, EVN đã tích cực triển khai các giải pháp cắt giảm, tiết kiệm chi phí để phần nào tháo gỡ khó khăn, trong đó cắt giảm tối ưu chi phí thường xuyên, chi phí sửa chữa lớn,... song, khó khăn đến từ chi phí đầu vào neo cao vẫn là quá lớn.
Việc tăng giá điện sẽ làm tăng doanh thu của EVN khoảng 3.200 tỷ đồng, giúp phần nào giảm bớt khó khăn của Tập đoàn. Dù sau khi điều chỉnh, giá bán lẻ điện vẫn thấp hơn giá thành, "tuy nhiên để đảm bảo tình hình kinh tế vĩ mô và an sinh xã hội, Tập đoàn đã đề xuất tăng giá điện thấp hơn mức tăng chi phí thực tế”, đại diện EVN cho biết.
Tác động không đáng kể đến hộ nghèo, hộ chính sách
Cũng theo đại diện EVN, tại Quyết định số 28/2014/QĐ-TTg ngày 7/4/2014 của Thủ tướng Chính phủ quy định về cơ cấu biểu giá bán lẻ điện đã quy định rõ hộ nghèo theo tiêu chí do Thủ tướng Chính phủ quy định được hỗ trợ tiền điện cho mục đích sinh hoạt, mức hỗ trợ hàng tháng tương đương tiền điện sử dụng 30 kWh tính theo mức giá bán lẻ điện sinh hoạt bậc 1 hiện hành.
Hộ chính sách xã hội theo tiêu chí do Thủ tướng Chính phủ quy định và có lượng điện sử dụng cho mục đích sinh hoạt trong tháng không quá 50 kWh được hỗ trợ tiền điện tương đương tiền điện sử dụng 30 kWh tính theo mức giá bán lẻ điện sinh hoạt bậc 1 hiện hành.
Những chính sách hỗ trợ này vẫn tiếp tục được thực hiện, do đó việc điều chỉnh giá bán lẻ điện gần như sẽ không tác động hoặc tác động rất ít đến nhóm khách hàng sử dụng ít điện, nhóm khách hàng yếu thế trong xã hội.
Ngược lại, đối với nhóm khách hàng sử dụng nhiều điện (từ 400 kWh trở lên), mức tăng thêm tối đa chỉ là 55.600 đồng/kWh, dự báo tác động cũng là không lớn so với thu nhập và điều kiện chi trả của nhóm khách hàng này.
Theo tính toán của EVN, đối với khách hàng sử dụng điện sinh hoạt, sau khi điều chỉnh giá điện, ở bậc 1 (0-50 kWh), khách hàng sẽ thanh toán tiền điện tăng thêm tối đa 3.900 đồng/kWh; bậc 2 (51-100 kWh) tăng thêm tối đa 7.900 đồng/kWh; bậc 3 (101-200 kWh) tăng thêm tối đa 17.200 đồng/kWh; bậc 4 (201-300 kWh) tăng thêm tối đa 28.900 đồng/kWh; bậc 5 (301-400 kWh) tăng thêm tối đa 42.000 đồng/kWh; bậc 6 (từ 401 kWh trở lên) tăng thêm tối đa 55.600 đồng/kWh.
Đối với khách hàng kinh doanh dịch vụ (có 547.000 khách hàng), trung bình mỗi tháng sẽ trả thêm 230.000 đồng/tháng; khách hàng sản xuất (có khoảng 1,9 triệu khách hàng) bình quân mỗi tháng trả thêm 423.000 đồng/tháng; khách hàng hành chính sự nghiệp (có 681.000 khách hàng) sẽ trả thêm 90.000 đồng/tháng.
Đề xuất rút ngắn chu kỳ điều chỉnh giá điện nhằm phản ánh đúng "hơi thở" thị trường
Trả lời câu hỏi của phóng viên về việc sửa đổi chu kỳ điều chỉnh giá điện, ông Trần Việt Hòa - Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương) cho biết, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, thời gian qua Bộ Công Thương đã xây dựng và lấy ý kiến đối với Dự thảo Quyết định thay thế Quyết định số 24/2017/QĐ-TTg.
Trong đó, nhằm đảm bảo giá điện phản ánh kịp thời biến động của các thông số đầu vào tác động tới chi phí sản xuất kinh doanh điện, tránh trường hợp để treo chưa thanh toán các chi phí phát sinh thực tế, dẫn tới trường hợp giá điện tăng đột biến trong một lần điều chỉnh giá điện, Dự thảo đề xuất chu kỳ điều chỉnh giá điện tối thiểu là 3 tháng, thay vì 6 tháng như quy định hiện hành. Việc này cũng nhằm thực hiện chỉ đạo của Chính phủ về việc điều chỉnh giá điện theo lộ trình, tránh giật cục.
Dự thảo Quyết định cũng quy định về điều chỉnh giảm giá điện. Dự thảo kế thừa và làm rõ quy định khi thông số đầu vào biến động làm giá bán lẻ điện bình quân tính toán giảm từ 1% trở lên thì thực hiện giảm giá điện, tránh gây lãng phí nguồn lực khi mức giảm nhỏ cũng thực hiện điều chỉnh giá theo ý kiến góp ý của một số đơn vị.
Đồng thời, Dự thảo Quyết định quy định rõ mức điều chỉnh tăng/giảm giá điện, cụ thể khi giá bán điện bình quân tính toán giảm từ 1% trở lên so với giá hiện hành thì thực hiện giảm giá điện ở mức tương ứng, còn điều chỉnh tăng giá chỉ được thực hiện khi mức tăng từ 3% trở lên, việc này đảm bảo sự minh bạch trong thực hiện cơ chế điều chỉnh giá.
“Tuy nhiên, việc điều chỉnh giá điện lần này của Tập đoàn Điện lực Việt Nam vẫn căn cứ theo Quyết định số 24/2017/QĐ-TTg đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và ban hành”, ông Trần Việt Hòa nhấn mạnh.