Tăng giá bằng lần, tiền ảo sẽ ra sao?
Tiền ảo trở thành kênh đầu tư mang lại lợi nhuận cao nhất năm 2024, vượt xa các kênh đầu tư truyền thống khác…
Bitcoin tăng giá 130%
Năm 2024 đánh dấu kỷ lục lịch sử của bitcoin khi đồng tiền ảo có giá trị vốn hóa lớn nhất thế giới này vượt qua mốc 100.000 USD/BTC - cột mốc mang biểu tượng. Năm 2024 cũng đánh dấu bước ngoặt lịch sử với bitcoin khi các quỹ ETF bitcoin và Ethereum xuất hiện, ghi dấu sự tham gia bài bản của các nhà đầu tư tổ chức, các nhà quản lý tài sản chuyên nghiệp hàng đầu thế giới vào thị trường tiền số.
Bitcoin đã đạt đỉnh 108.000 USD/BTC ngày 17/12, sau đó quay đầu giảm về mức 92.000 USD/BTC ngày 20/12 sau khi ông Jerome Powell, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cho biết, cơ quan này không được phép sở hữu bitcoin và không muốn sửa luật để làm điều này. Trước đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump nhiều lần nhắc đến việc sẽ lập kho dự trữ bitcoin khi ông nhậm chức.
Dù vậy, bitcoin đã nhanh chóng hồi phục sát ngưỡng 99.000 USD/BTC trong những ngày cuối cùng của năm 2024, khi các nhà đầu tư “tay to” vẫn liên tục mua gom và nắm giữ.
Nhà đầu tư được tiếp thêm niềm tin khi BlackRock - công ty quản lý tài sản lớn nhất thế giới - cho rằng, bitcoin không còn là “ý tưởng cấp tiến” nữa, mà là một tài sản hợp pháp. Thậm chí, nhiều chuyên gia tài chính toàn cầu cho rằng, vàng số bitcoin có thể là tài sản thay thế vàng, USD trong tương lai.
Tính từ đầu năm 2024 đến nay, bitcoin đã tăng giá 130%, các đồng tiền ảo có giá trị vốn hóa lớn khác cũng có mức tăng trưởng đáng ngưỡng mộ: Ethereum tăng 52%, BNB tăng 124%, Dogecoin tăng hơn 300%... PGS-TS. Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế cho rằng, trong các kênh đầu tư năm 2024, tiền ảo là kênh đầu tư mang lại hiệu quả sinh lời tốt nhất.
“Tôi cho rằng, triển vọng tăng giá của tiền ảo trong năm 2025 còn rất lớn. Đây là kênh đầu tư không chính thống tại Việt Nam, song thực tế rất nhiều người Việt tham gia đầu tư, nắm giữ tiền ảo. Chính phủ cần sớm ban hành hành lang pháp lý về tài sản số, tiền số để vừa bảo vệ nhà đầu tư, vừa chống thất thu thuế”, ông Đinh Trọng Thịnh kiến nghị.
Mặc dù tiền ảo là kênh đầu tư hấp dẫn, song việc lợi dụng kênh đầu tư này để lừa đảo rất phổ biến ở Việt Nam. Việc triệt phá nhóm lừa đảo của TikToker Phó Đức Nam (Mr Pips) với tổng số tiền bị phong tỏa là 5.200 tỷ đồng, hay Hồ Thị Bích Ngọc với số tiền gần 500 tỷ đồng là những ví dụ điển hình.
Ngoài nguy cơ bị lừa đảo, rủi ro thị trường tiền ảo bị thao túng là rất lớn. Hiện nay, các nhà đầu tư tổ chức nắm giữ tới gần 1/3 lượng bitcoin trên toàn cầu, tăng mạnh so với mức 14% năm 2023. Như vậy, cuộc chơi tiền ảo đang nằm trong tay các “cá mập”.
Cần sớm ban hành khung pháp lý cho tài sản số
Những tuần cuối năm 2024, các “tay to” vẫn liên tục mua vào bitcoin. Giới đầu tư vẫn lạc quan về triển vọng của ngành công nghiệp tài sản do sự xuất hiện của nhiều người ủng hộ tiền điện tử trong chính quyền sắp tới của Tổng thống Donald Trump.
Forbes dự báo, năm 2025, rất có thể các nền kinh tế lớn trong G7 hoặc BRICS sẽ công bố chiến lược dự trữ bitcoin. Thế giới đang bước vào cuộc đua xem quốc gia lớn nào có thể dẫn đầu trong việc đưa bitcoin vào dự trữ quốc gia của mình, bên cạnh các tài sản truyền thống như vàng, ngoại tệ.
Luật hóa tài sản số.
- Ông Phan Đức Trung, Phó chủ tịch thường trực Hiệp hội Blockchain Việt Nam
Luật hóa tài sản số sẽ giúp Việt Nam tăng cường thu hút vốn đầu tư nước ngoài, cũng như kéo các doanh nghiệp Việt phải sang nước khác để đăng ký kinh doanh trở về Việt Nam. Tất nhiên, các cơ quan chức năng cũng cần có giải pháp để thu hút, sàng lọc dòng vốn tốt trong lĩnh vực này, ngăn chặn các sàn giao dịch lừa đảo.
Động thái này không chỉ củng cố hơn nữa vị thế của bitcoin như một tài sản dự trữ toàn cầu, mà còn có thể định hình lại bối cảnh tài chính quốc tế và có tác động sâu sắc đến nền kinh tế toàn cầu và địa chính trị. Nếu một nền kinh tế lớn đi đầu trong việc thành lập quỹ dự trữ bitcoin chiến lược, thì đồng nghĩa với kỷ nguyên mới về quản lý tài sản số có chủ quyền bắt đầu.
Forbes cũng dự báo, năm 2025, các quỹ ETF bitcoin sẽ tiếp tục phát triển và các quỹ ETF tập trung vào tiền điện tử mới, sau thành công của các quỹ Bitcoin ETF, Ethereum ETF.
Ngoài ra, từ năm 2025, việc các chuẩn mực kế toán mới được áp dụng có thể khiến các gã khổng lồ trong Big seven (Apple, Microsoft, Google, Amazon, Nvidia, Tesla và Meta) đầu tư vào tiền số. Bảy ông lớn này đang nắm giữ hơn 600 tỷ USD tiền mặt và không loại trừ khả năng sẽ phân bổ một phần cho bitcoin (hiện mới chỉ Tesla đầu tư tiền số).
Tại Việt Nam, cộng đồng đầu tư tiền số đang tăng nhanh. Ông Trịnh Hà, chuyên gia chiến lược Exness Investment Bank cho rằng, giới trẻ ngày nay dễ dàng tiếp cận hơn các công nghệ mới và có nhiều kiến thức hơn về đầu tư. Với những biến động gần đây của thị trường tiền số, nhiều người sở hữu tiền số đã tăng tài sản nhanh chóng.
“Tiền số thời gian qua tăng mạnh và trong tương lai còn hấp dẫn bởi nguồn cung hạn chế (bitcoin bị hạn chế nguồn cung). Bên cạnh đó, thời gian gần đây, bitcoin được thế giới công nhận là một tài sản”, ông Trịnh Hà nhận định.
Theo chuyên gia này, có khoảng 45% người nắm giữ bitcoin muốn nắm giữ dài hạn. Điều này cho thấy hành vi của nhà đầu tư chủ yếu là nhà đầu tư dài hạn, kỳ vọng tài sản đó có tiềm năng gia tăng trong tương lai.
Hiện Việt Nam chưa có khung pháp lý cho tài sản số. Tuy nhiên, vấn đề tài sản số đã được đề cập trong Dự thảo Luật Công nghiệp công nghệ số. Bên cạnh đó, Bộ Chính trị đã đồng ý chủ trương đối với Đề án Xây dựng trung tâm tài chính khu vực và quốc tế tại Việt Nam. Cụ thể, sẽ thành lập trung tâm tài chính quốc tế toàn diện tại TP.HCM và trung tâm tài chính khu vực tại Đà Nẵng.
Nhiều ý kiến cho rằng, đây là cơ hội để Việt Nam thí điểm cho phép thành lập sàn giao dịch tài sản số (có thể trước mắt lập ở quy mô nhỏ). Việc lập sàn giao dịch sẽ giúp các cơ quan chức năng quản lý và thu thuế dễ dàng hơn. Đồng thời, đưa các giao dịch tài sản số lên sàn cũng là cách để sàng lọc các tài sản số xấu độc, ngăn chặn hành vi lừa đảo.
Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/tang-gia-bang-lan-tien-ao-se-ra-sao-d235824.html