Tăng giá dịch vụ tại bệnh viện công: Có tương xứng với chất lượng?
Thông tư Hướng dẫn xây dựng giá dịch vụ chăm sóc sức khỏe khám, chữa bệnh theo yêu cầu sẽ có hiệu lực vào tháng 10/2019. Tuy nhiên, việc tăng giá dịch vụ có tương xứng với chất lượng khám chữa bệnh? Liệu người có thu nhập thấp có bị ảnh hưởng khi đi khám và điều trị bệnh tại các bệnh viện công?
Giá cả có đi đôi với chất lượng?
Theo Bộ Y tế, thông tư này nhằm hướng tới việc giảm bớt gánh nặng từ ngân sách Nhà nước. Nhà nước không phải đầu tư, nhưng vẫn có được các cơ sở y tế khang trang, hiện đại để đáp ứng nhu cầu chăm sóc, bảo vệ sức khỏe của nhân dân. Song song với đó, Bộ Y tế đã ban hành văn bản thống nhất giá trần các dịch vụ theo Thông tư Hướng dẫn xây dựng giá dịch vụ chăm sóc sức khỏe khám, chữa bệnh theo yêu cầu. Tuy nhiên, không ít người dân băn khoăn khi giá dịch vụ khám chữa bệnh sắp tới sẽ tăng không hề ít.
Chị Mai Hà, ở tại khu Tô Hiệu (Hà Đông Hà Nội), bày tỏ: Gia đình chị hai bên bố mẹ đều già yếu, mắc các chứng bệnh mãn tính, thường xuyên phải vào điều trị tại bệnh viện. Gia đình chị có nhu cầu lựa chọn dịch vụ khám chữa bệnh tốt. Tuy nhiên, nhìn các mức giá sắp tới mà các bệnh viện có thể áp dụng như: Giá giường dịch vụ theo yêu cầu tối đa có thể lên đến 4 triệu đồng/ngày (với bệnh viện hạng đặc biệt), hoặc có các mức 1,3 - 1,5 - 2,5 triệu đồng/ngày, tương ứng với các loại bốn giường - ba giường - hai giường/phòng, chị thấy quá cao. Bởi đó chỉ đơn thuần là tiền giường nằm. Trong quá trình khám chữa bệnh, còn phải chi trả thêm các khoản xét nghiệm, phẫu thuật, tiền thuốc… như vậy gánh nặng với người dân là không hề nhỏ.
Trước việc tăng giá viện phí dư luận cũng cho rằng: Đối tượng có nhu cầu được khám với dịch vụ chất lượng cao thì nên đến những bệnh viện tư. Bệnh viện công cần giành sự đầu tư khám chữa bệnh cho đa số người dân, vì vậy việc tăng giá dịch vụ cũng phải được cân nhắc, tính toán kỹ. Đồng thời không ít người dân bày tỏ việc họ đến bệnh viện khám theo chế độ BHYT ngày càng ít có cơ hội được khám bệnh với các giáo sư đầu ngành, các bác sĩ giỏi. Vì các y bác sĩ này thường được tập trung cho việc khám chữa bệnh ở các khu dịch vụ chất lượng cao. Như vậy, rõ ràng đã có sự ảnh hưởng tới việc khám chữa bệnh của đối tượng người dân bình thường.
Mới điều trị bệnh về cột sống cách đây 3 tháng, anh Trần Văn Hùng sống tại quận Hai Bà Trưng tâm sự: Mấy năm bị thoát vị đĩa đệm, nên khi không thể trì hoãn được nữa anh phải đăng ký vào Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức để làm phẫu thuật. Cộng tất cả các dịch vụ từ phẫu thuật, thuốc men, tới giường nằm, hậu phẫu cũng lên tới vài trăm triệu đồng.
“Mức chi phí đó là rất lớn. Nếu sắp tới tăng thêm tiền giường với mức giá từ trên 1 triệu đồng tới 4 triệu đồng thì sẽ rất khó khăn đối người dân. Với những bệnh nhân phải điều trị tại chỗ sau thời gian hậu phẫu, ngoài chi phí tiền giường còn có công trả dịch vụ cho người chăm sóc. Hiện giờ giá một ngày ở bệnh viện nếu phải thuê người ngoài vào chăm sóc từ 200.000 - 400.000 đồng, tùy mức độ tình trạng người bệnh”, anh Hùng chia sẻ.
Ngoài tiền giường nằm tăng khá cao, tiền công khám bệnh theo yêu cầu với bệnh viện hạng đặc biệt và hạng 1 sẽ ở mức 500.000 đồng/lần khám; bệnh viện hạng 2 không quá 400.000 đồng/lần khám. Mới cho con đi khám bệnh tại Viện Da liễu Trung ương 2 tháng trước, bản thân người nhà phóng viên cũng đã chi trả mức giá khám bệnh vào ngày thứ 7 là 200.000 đồng một lượt khám.
Trao đổi về việc tăng giá dịch vụ tại các bệnh viện công, không ít người dân băn khoăn: Liệu việc tăng giá viện phí cao như vậy cơ sở vật chất tại các cơ sở y tế liệu có đáp ứng tương xứng? Bên cạnh đó, người dân cũng bày tỏ thắc mắc, nếu vẫn các y bác sĩ đó thăm khám cho người bệnh, thì việc tăng chi phí khám bệnh có thực sự hợp lý.
Theo họ, các bệnh viện công nên thực hiện tốt việc khám chữa bệnh cho người dân có BHYT chứ không nên quá chạy theo tính chất thương mại hóa. Còn nếu các bệnh viện công có đề án phát triển theo hướng tự chủ tài chính thì cần có sự phân định rõ và các chế tài quản lý, tránh tình trạng lấy cơ sở vật chất công phục vụ cho việc khám chữa bệnh dịch vụ để thu tiền.
Bảo đảm công bằng trong chữa bệnh
Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Nam Liên, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính (Bộ Y tế) cho biết: Mức giá do Bộ Y tế ban hành là tối đa, phù hợp các loại bệnh viện, dịch vụ đơn vị có khả năng cung cấp. Các bệnh viện không được áp dụng ngay giá này mà phải xây dựng mức giá cụ thể dựa trên cơ sở chất lượng dịch vụ cho phù hợp. Giá dịch vụ giường sẽ dùng chi cho các vật tư, hóa chất, công cụ phục vụ cho người bệnh... Tiền lương chi trả cho các nhân viên y tế cũng phải phù hợp với từng loại giường có sự phục vụ 24/24h đối với người bệnh, đối với 1 nhân viên y tế với một bệnh nhân hoặc một nhân viên y tế với hai ba bệnh nhân…
Giải thích về vấn đề làm thế nào để hạn chế sự tận thu về dịch vụ tại các bệnh viện công, ông Nguyễn Nam Liên giải thích: “Các bệnh viện phải bảo đảm vấn đề khám chữa bệnh theo BHYT. Trường hợp bệnh viện vẫn còn có hiện tượng người dân nằm ghép thì không được sử dụng tài sản Nhà nước đã đầu tư để phục vụ cho việc khám chữa bệnh dịch vụ, mà phải đầu tư mới. Bên cạnh đó cũng khuyến khích các bệnh viện tự vay vốn đầu tư cơ sở vật chất để phục vụ vấn đề KCB theo dịch vụ.
Hiện nay gần 90% người dân đã tham gia bảo hiểm y tế. Tại các bệnh viện, nguồn thu từ bảo hiểm y tế cũng chiếm tới 80 - 90%, thậm chí 95% nguồn thu. Vì vậy, nếu bệnh viện nào không nâng cao chất lượng, không tập trung nguồn nhân lực cho khám, chữa bệnh theo BHYT thì người dân không đăng ký, không đến khám, chữa bệnh. Như vậy bệnh viện đó sẽ không có nguồn thu, không có kinh phí để hoạt động.
Trao đổi về quyền lợi bình đẳng được khám chữa bệnh, ông Trịnh Ngọc Hải, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương chia sẻ: Tại Bệnh viện Nhi Trung ương cũng như nhiều bệnh viện trên cả nước đều theo tinh thần: Khám, chữa bệnh không phân biệt giàu nghèo. Với những ca bệnh khó thì tất cả tập thể các giáo sư, bác sĩ giỏi đều tập trung chữa trị. Thậm chí, với những bệnh nhân nghèo vùng sâu, vùng xa, không có kinh phí, không có BHYT còn có cơ chế miễn phí.
Đối với vấn đề KCB theo yêu cầu, trên cơ sở về nguồn lực cơ sở vật chất, vật tư hiện có bằng những nguồn quỹ của bệnh viện và huy động xã hội hóa, chúng tôi tập trung đầu tư cho khu vực này. Trên cơ tất cả nhiệm vụ chính trị mà Bộ Y tế giao cho tất cả các giáo sư, bác sĩ sau khi đã thực hiện hoàn thành nhiệm vụ nếu còn nguồn lực chúng tôi sẽ tiếp tục phục vụ tại khu vực theo yêu cầu. Bên cạnh đó chúng tôi sẽ huy động thêm các nguồn lực giáo sư thầy thuốc giỏi đã hết tuổi làm việc trong biên chế để làm việc tại các khu dịch vụ này.