Tăng giá trần vé máy bay nội địa, hạng phổ thông cao nhất tới 4 triệu/chiều
Từ 1/3/2024, giá vé máy bay phổ thông nội địa sẽ tăng trung bình từ 3,75-6,67%, trong đó có đường bay tăng lên 4 triệu đồng/vé một chiều.
Bộ trưởng GTVT vừa ban hành Thông tư số 34 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 17/2019 về khung giá dịch vụ vận chuyển hành khách trên các đường bay nội địa. Thông tư số 34 có hiệu lực kể từ ngày 1/3/2024.
Theo đó, giá vé máy bay hạng phổ thông trên 4 đường bay nội địa sẽ tăng từ 2,27% đến 6,67%, tăng trung bình 3,75% (bằng mức giá trần của năm 2014).
Cụ thể: Nhóm đường bay có khoảng cách dưới 500km giữ nguyên mức giá trần 1,6 triệu đồng/vé một chiều với đường bay phát triển kinh tế - xã hội và 1,7 triệu đồng/vé một chiều với nhóm đường bay khác dưới 500km như hiện nay.
Nhóm đường bay từ 500km đến dưới 850km, giá trần hiện tại 2,2 triệu sẽ tăng lên 2,25 triệu, tăng 2,27%.
Nhóm đường bay từ 850km đến dưới 1.000km, giá trần hiện tại 2,79 triệu sẽ tăng lên 2,89 triệu, tăng 3,85%
Nhóm đường bay từ 1.000km đến dưới 1.280km, giá trần hiện tại 3,2 triệu đồng sẽ lên 3,4 triệu, tăng 6,25%.
Đường bay từ 1.280km trở lên, giá trần hiện tại 3,75 triệu lên 4 triệu, tăng 6,67%.
Như vậy, đường bay từ 1.280km trở lên có mức tăng mạnh nhất, với 6,25% và 6,67%. Đó là các đường bay như Hà Nội - TP.HCM, Hà Nội - Phú Quốc. Nhóm đường bay dưới 500km như TP.HCM - Đà Lạt, Hà Nội - Vinh giữ nguyên.
Mức giá tối đa nói trên đã bao gồm toàn bộ chi phí hành khách phải trả cho một vé máy bay, trừ các khoản thu: thuế giá trị gia tăng; các khoản thu hộ cho cảng hàng không gồm giá phục vụ hành khách và giá đảm bảo an ninh hành khách, hành lý; khoản giá dịch vụ với các hạng mục tăng thêm.
Lý giải việc tăng giá vé máy bay trước đó, Cục Hàng không Việt Nam cho rằng, trần giá vé máy bay vẫn được giữ ổn định từ năm 2019. Nhưng chi phí nhiên liệu tại thời điểm tháng 12/2022 của các hãng hàng không tăng gần 62,4% so với tháng 12/2014 và tăng xấp xỉ 81% so với tháng 9/2015.
Trong khi đó, chi phí nhiên liệu thường chiếm khoảng 39,5% tổng chi phí của các hãng bay. Theo tính toán của cơ quan này, với giả định tỷ trọng chi phí nhiên liệu chiếm 39,5% tổng chi phí, các yếu tố chi phí khác không có biến động thì với biến động của giá Jet A1 và tỷ giá USD/VND, chi phí nhiên liệu tháng 6/2023 của các hãng hàng không tăng 23,14% so với tháng 9/2015. Tác động của giá nhiên liệu làm tổng chi phí tăng 10,92% so với tháng 8/2015.
Các mức giá trần vé máy bay thời gian qua được thực hiện theo Thông tư 53 ban hành năm 2019 của Bộ Giao thông Vận tải. Lần gần nhất khung trần này được điều chỉnh tăng là năm 2015.