Tăng giá trị nông sản từ thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp ở Đồng Tháp

Đồng Tháp là địa phương đầu tiên của cả nước được chọn thí điểm thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp (TCCNN) theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.

Kết thúc giai đoạn 5 năm (2015-2020) triển khai thực hiện, Đồng Tháp không chỉ quan tâm đến trồng cây gì, nuôi con gì, mà chú trọng thay đổi tư duy sản xuất của nông dân, từ đó nâng cao hiệu quả sản xuất.

Từ tư duy đổi mới

Đến huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp những ngày này, đi đâu cũng nghe bà con nông dân râm ran kể chuyện trúng mùa lúa-cá. Trò chuyện với chúng tôi, ông Huỳnh Trung Tính, ngụ xã Thường Lạc, huyện Hồng Ngự cho biết: "Như nhiều hộ dân, trước đây, phần lớn diện tích đất của gia đình tôi đều tập trung vào cây lúa, tuy nhiên năng suất và lợi nhuận mang lại không cao.

Năm 2012, khi được địa phương tuyên truyền chuyển đổi mô hình canh tác theo đề án TCCNN, tôi đã chuyển sang canh tác theo mô hình hai vụ lúa, một vụ cá với diện tích 5ha để nâng cao thu nhập. Điều quan trọng là sản phẩm làm ra đã có sự liên kết bao tiêu giúp tôi yên tâm sản xuất. Tôi canh tác lúa hữu cơ bao tiêu với công ty, đồng thời nuôi cá và dự trữ cá đồng từ tự nhiên. Theo đó, mỗi vụ, gia đình tôi thu lợi khoảng 200 triệu đồng”.

 Du khách tham quan làng hoa Sa Đéc.

Du khách tham quan làng hoa Sa Đéc.

Tương tự, để tăng hiệu quả kinh tế trên cùng diện tích canh tác, thay vì chỉ trồng hoa kiểng thì những năm gần đây, ông Nguyễn Phước Lộc ở xã Tân Khánh Đông, TP Sa Đéc đã đầu tư, mở rộng và sắp xếp lại khu vườn với diện tích 25.000m2 trồng hơn 130 giống hoa hồng các loại. Ngoài việc bán cây con, cơ sở của ông còn phục vụ khách đến tham quan du lịch.

Ông Lộc chia sẻ: “Đến đây, du khách sẽ được ngắm những cây hoa kiểng đặc thù chỉ có ở Sa Đéc, được phục vụ các món ăn đặc trưng và mua những món quà lưu niệm, đặc sản của Đồng Tháp. Từ lúc triển khai mô hình, lượng khách tham quan và hoa kiểng bán chạy hơn nhiều, thu nhập của gia đình từ đó cũng nâng lên”.

Triển khai thực hiện TCCNN, từ câu chuyện thay đổi của thị trường cũng như mong muốn nông dân tập hợp lại cùng sản xuất sạch theo chuỗi giá trị, quy mô lớn, nâng cao giá trị sản phẩm, Đồng Tháp đã cho ra đời nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo...

Cùng với đó, lãnh đạo địa phương nhận định, ngoài thị trường xuất khẩu, thị trường nội địa là kênh tiêu thụ nông sản đầy tiềm năng. Do đó, Đồng Tháp từng bước xây dựng được niềm tin với khách hàng từ các nông sản có chất lượng, minh bạch trong sản xuất thông qua mô hình “vườn tôi, nhà mình” như: “Ruộng nhà mình”; “Cây xoài nhà tôi”...

Nguyên tắc chính của việc tạo ra mối liên kết “vườn tôi, nhà mình” là ứng dụng khoa học-công nghệ; phát triển thị trường trong nước, đặc biệt là tập trung vào lợi ích người sản xuất và người tiêu dùng, bỏ bớt khâu trung gian; chia sẻ lợi ích, rủi ro và xây dựng niềm tin với khách hàng.

Ông Nguyễn Phước Thiện, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNN) tỉnh Đồng Tháp cho biết: “Sau nhiều năm thực hiện TCCNN, điểm sáng của Đồng Tháp là thay đổi tư duy sản xuất của nông dân từ “tư duy sản xuất nông nghiệp” sang “tư duy kinh tế nông nghiệp”, góp phần mang lại hiệu quả kinh tế rất cao.

Qua quá trình TCCNN, nông dân Đồng Tháp ngày nay đã không còn sản xuất chạy theo số lượng mà chú trọng chất lượng, ứng dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất để giảm chi phí, tăng lợi nhuận trên cùng một đơn vị diện tích. Cùng với đó, người dân còn chú trọng liên kết, hợp tác hình thành vùng sản xuất lớn, tạo ra sản phẩm an toàn, có chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu thị trường xuất khẩu”.

Đến những con số ấn tượng

Thực hiện đề án TCCNN, Đồng Tháp xác định 5 ngành hàng chủ lực: Lúa gạo, xoài, hoa kiểng, cá tra và vịt để tập trung phát triển. Sau nhiều năm triển khai, giá trị sản xuất của các ngành hàng chủ lực được tăng lên đáng kể.

Thống kê của Sở NN&PTNT tỉnh Đồng Tháp cho thấy, giá trị sản xuất của ngành hàng lúa gạo đến năm 2020 đạt 15.724 tỷ đồng (tăng 1,77% so với năm 2015). Việc đổi mới phương thức canh tác theo hướng bền vững và giảm chi phí đã giúp lợi nhuận tăng từ 12,9-28,6 triệu đồng/héc-ta.

Tỉnh chú trọng phát triển chế biến sâu các sản phẩm sau gạo mang lại giá trị gia tăng cao; đồng thời xây dựng thương hiệu, kết nối và phân phối vào các hệ thống bán lẻ lớn trong cả nước. Đối với mặt hàng xoài, đến năm 2020 đạt 2.009 tỷ đồng (tăng 28,2% so với 2015); các hợp tác xã và nông dân áp dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất, xử lý sau thu hoạch và chế biến, nâng cao năng suất, chất lượng xoài tươi; sản phẩm giá trị gia tăng từ xoài giúp lợi nhuận tăng 30-40%.

Với mặt hàng cá tra, đến năm 2020 đạt 7.419 tỷ đồng (tăng 13,8% so với 2015). Đến nay, địa phương đã cấp 368 mã số nhận diện ao nuôi cá tra thương phẩm (1.509ha) để truy xuất nguồn gốc. Các sản phẩm cá tra của tỉnh đã có mặt trên thị trường của hơn 130 quốc gia và vùng lãnh thổ... Tỉnh Đồng Tháp đã thành lập 4 hợp tác xã, 27 tổ hợp tác, 8 hội quán... nhằm tạo sự kết nối giữa nông dân và doanh nghiệp, gắn với phát triển du lịch, đặc biệt các mô hình du lịch trải nghiệm tại làng hoa Sa Đéc.

Phấn khởi trước những kết quả đạt được, ông Huỳnh Minh Tuấn, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp cho biết: “Đến nay có thể khẳng định, Đồng Tháp bước đầu đã tạo ra sự tăng trưởng mạnh mẽ cho ngành kinh tế mũi nhọn vốn còn nhiều tiềm năng. Quá trình tái cơ cấu còn dài, tuy nhiên những kết quả bước đầu này sẽ là động lực lớn để Đồng Tháp bước tiếp chặng đường TCCNN trong thời gian tới...”.

Bài và ảnh: NGỌC THẢO

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/tang-gia-tri-nong-san-tu-thuc-hien-tai-co-cau-nong-nghiep-o-dong-thap-692513