Tăng giám sát để phòng, chống bệnh Dịch tả lợn châu Phi
Vừa qua, trên địa bàn thành phố Hà Nội tiếp tục xảy ra ổ bệnh Dịch tả lợn châu Phi nhỏ lẻ tại một số địa phương. Đến nay, các ổ dịch cơ bản được kiểm soát, song theo dự báo từ nay đến cuối năm 2020, thời tiết thay đổi, nhu cầu tiêu dùng thực phẩm tăng cao nên nguy cơ bùng phát dịch bệnh rất lớn. Để ngăn ngừa, các địa phương cần giám sát chặt chẽ từ cơ sở và tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin theo quy định.
Cán bộ thú y kiểm tra công tác phòng, chống bệnh Dịch tả lợn châu Phi tại xã Đông Phương Yên, huyện Chương Mỹ. Ảnh: Ngọc Sơn
Theo Sở NN&PTNT Hà Nội, vừa qua, bệnh Dịch tả lợn châu Phi xảy ra tại một hộ chăn nuôi ở thôn Võng La (xã Võng La, huyện Đông Anh), làm chết và tiêu hủy 31 con lợn thương phẩm với trọng lượng 1.522kg. Hiện nay, hộ chăn nuôi này vẫn còn 14 con lợn thương phẩm khỏe mạnh, tiếp tục được theo dõi, giám sát chặt chẽ.
Còn đối với ổ bệnh Dịch tả lợn châu Phi tại xã Đông Phương Yên (huyện Chương Mỹ) xảy ra từ đầu tháng 9-2020 đến nay cũng cơ bản được kiểm soát. Lũy kế, đến nay trên địa bàn thành phố, bệnh Dịch tả lợn châu Phi đã xảy ra tại 2 hộ chăn nuôi của 2 xã, thuộc 2 huyện, làm chết và tiêu hủy 95 con lợn với tổng trọng lượng 6.396kg.
Để bảo đảm công tác phòng, chống bệnh Dịch tả lợn châu Phi hiệu quả, theo ông Phạm Hồng Thái, Trạm trưởng Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Đông Anh, ngay sau khi phát hiện có ổ bệnh Dịch tả lợn châu Phi ở xã Võng La, huyện đã chỉ đạo, hướng dẫn xã thực hiện các biện pháp tiêu hủy, phòng dịch theo quy định; đồng thời đã tiêu hủy số lợn mắc bệnh, tiêu độc toàn bộ trang trại chăn nuôi và đường làng ngõ xóm thôn Võng La; thiết lập chốt khoanh vùng ổ dịch.
Còn theo bà Phạm Thị Mai, hộ có lợn mắc bệnh tại xã Võng La, gia đình đã có văn bản cam kết không bán chạy, không giết mổ đàn lợn khi chưa được lấy mẫu xét nghiệm và khi chưa có chỉ đạo của cơ quan chuyên môn thú y.
Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội Nguyễn Ngọc Sơn cho biết: Từ nay đến cuối năm 2020, nguy cơ bùng phát dịch bệnh vẫn rất cao do bệnh Dịch tả lợn châu Phi chưa có thuốc điều trị, chưa có vắc xin phòng bệnh; vi rút bệnh Dịch tả lợn châu Phi có sức đề kháng cao, có thể tồn tại lâu tại môi trường; việc nhập đàn (do cung - cầu và giá lợn cao) nhiều hộ chăn nuôi nhập đàn nhưng chưa thực hiện tốt việc khai báo với chính quyền địa phương. Chưa kể, trên địa bàn thành phố có 749 cơ sở giết mổ thì có tới 696 cơ sở giết mổ nhỏ lẻ chưa được quản lý; 60% số hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, sử dụng thức ăn dư thừa... Trong khi đó, người chăn nuôi còn chủ quan trong công tác phòng, chống dịch bệnh do bệnh Dịch tả lợn châu Phi có chiều hướng không bùng phát mạnh như năm 2019...
Trước diễn biến khó lường của bệnh Dịch tả lợn châu Phi, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Huy Đăng cho biết: Sở tiếp tục chỉ đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh tại cơ sở; kịp thời phát hiện và tiêu hủy lợn bệnh đúng quy định. Cùng với đó, tăng cường kiểm tra các cơ sở về tái đàn lợn, bảo đảm đúng hướng dẫn của cơ quan chuyên môn; duy trì hoạt động các chốt kiểm dịch động vật tại các đầu mối giao thông; kiểm tra, rà soát, chuẩn bị đầy đủ vật tư, hóa chất phục vụ kịp thời công tác phòng, chống dịch trên địa bàn thành phố.
Bên cạnh đó, Sở NN&PTNT đề nghị các quận, huyện, thị xã chỉ đạo các ban, ngành, cấp xã thực hiện nghiêm Quyết định số 972/QĐ-TTg ngày 7-7-2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt “Kế hoạch quốc gia phòng, chống bệnh Dịch tả lợn châu Phi, giai đoạn 2020-2025”; đồng thời, tăng cường giám sát các biện pháp phòng, chống dịch bệnh; kiểm tra và xử lý nghiêm các trường hợp giấu dịch; giết mổ, bán chạy lợn mắc bệnh. Các địa phương tăng cường thông tin, tập huấn cho các trang trại, người chăn nuôi cách nhận biết bệnh, chủ động thực hiện tốt các giải pháp phòng bệnh; hướng dẫn người chăn nuôi áp dụng biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học… nhằm ngăn chặn bệnh Dịch tả lợn châu Phi, đáp ứng nhu cầu thực phẩm cho người tiêu dùng Thủ đô dịp cuối năm 2020.