Tăng 'hậu kiểm', bảo vệ người tiêu dùng trước nạn sản xuất hàng giả

Ngày 17/5, tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa.

Lấy lại niềm tin của người tiêu dùng

Thảo luận tại phiên họp, đại biểu Quốc hội Dương Khắc Mai (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Nông) tán thành quan điểm việc công bố sản phẩm hàng hóa, dịch vụ phù hợp với quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật mà tổ chức cá nhân đó áp dụng dựa trên kết quả chứng nhận hợp quy do tổ chức đánh giá là phù hợp và hết sức cần thiết.

Đại biểu Quốc hội Dương Khắc Mai (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Nông) thảo luận tại kỳ họp. Ảnh: Quochoi.vn

Đại biểu Quốc hội Dương Khắc Mai (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Nông) thảo luận tại kỳ họp. Ảnh: Quochoi.vn

Song, đại biểu cho rằng, cũng cần quy định rõ trách nhiệm của bên thứ 3 - bên tổ chức chứng nhận hợp quy để đảm bảo chặt chẽ, đơn vị này cần chịu trách nhiệm trước kết quả chứng nhận của mình. Bài học từ một số vụ sản xuất hàng giả, hàng kém chất lượng với số lượng lớn tồn tại trong thời gian dài, đặc biệt là sữa giả, thuốc giả, mỳ chính giả bị phát hiện trong thời gian qua cho thấy rõ những bất cập cần khắc phục ngay tình trạng "tiền buông, hậu bỏ.

Theo đó, Luật cần có hàng rào, thậm chí hàng rào nhiều lớp để bảo vệ người tiêu dùng trước nạn sản xuất hàng giả, hàng kém chất lượng, cũng như nạn "xâm lăng" của hàng nhập khẩu kém chất lượng. Với đối tượng sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng lớn tác động đến sức khỏe của người tiêu dùng, chất lượng giống nòi, cần có chế tài nghiêm khắc, đủ sức răn đe chưa” - đại biểu Dương Khắc Mai kiến nghị.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Hà (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Ninh) cho rằng cần đẩy mạnh thực hiện chuyển từ “tiền kiểm” sang “hậu kiểm” gắn với kiểm tra, giám sát, quy định rõ lĩnh vực nào phải “tiền kiểm” và lĩnh vực nào phải “hậu kiểm”. Nguyên tắc quản lý trong dự thảo Luật vẫn thiên về biện pháp quản lý “tiền kiểm”. Đại biểu cho rằng thử nghiệm sản phẩm cuối cùng không phải là biện pháp quản lý có hiệu quả chất lượng sản phẩm, hàng hóa.

Nêu vụ việc 600 sản phẩm sữa giả vừa qua, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Hà cho hay, mặc dù đã được lấy mẫu thử nghiệm, đánh giá phù hợp với tiêu chuẩn và quy chuẩn trước khi lưu hành nhưng sau đó người sản xuất đã không sản xuất theo đúng như mẫu ban đầu, còn cơ quan quản lý nhà nước thì không kiểm tra, giám sát đầy đủ.

Đồng quan điểm, đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp) nêu quan điểm, thực tế có tình trạng “tiền kiểm không kiểm soát nổi mà hậu kiểm lại lơ là”, dẫn đến thời gian qua người tiêu dùng sử dụng các hàng hóa kém chất lượng. Nhiều bộ, ngành ngoài công tác quản lý nhà nước cũng phải chịu trách nhiệm kiểm tra chất lượng sản phẩm hàng hóa, đặc biệt xử lý nghiêm sai phạm trong hậu kiểm chất lượng sản phẩm, hàng hóa nhằm lấy lại niềm tin của người tiêu dùng.

Đại biểu Quốc hội Trần Thị Nhị Hà (Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội) đề nghị cần ban hành danh mục hàng hóa có mức độ rủi ro trung bình và cao ngay sau Luật có hiệu lực. Ảnh: Quochoi.vn

Đại biểu Quốc hội Trần Thị Nhị Hà (Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội) đề nghị cần ban hành danh mục hàng hóa có mức độ rủi ro trung bình và cao ngay sau Luật có hiệu lực. Ảnh: Quochoi.vn

Phân loại hàng hóa theo cấp độ rủi ro

Liên quan phân loại hàng hóa theo cấp độ rủi ro (thấp, trung bình, cao), đại biểu Quốc hội Nguyễn Duy Thanh (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Cà Mau) cho rằng, đây là căn cứ để người sản xuất lựa chọn biện pháp kiểm soát chất lượng và an toàn sản phẩm phù hợp và nhà nước đưa ra chế độ kiểm tra (tần suất kiểm tra) tương thích, chủ yếu trong khâu “hậu kiểm” là cần thiết. Tuy nhiên, đại biểu cho rằng dự thảo Luật lại quá tập trung ở khâu “tiền kiểm” bằng các biện pháp công bố hợp quy cho từng nhóm sản phẩm, vấn đề đang còn nhiều tranh cãi là không phù hợp và còn xem nhẹ các biện pháp “hậu kiểm”. “Công tác hậu kiểm mới là biện pháp quan trọng của nhà nước nhằm bảo đảm chỉ các sản phẩm có chất lượng và an toàn mới được phép lưu hành”, đại biểu nói.

Trong khi đó, đại biểu Quốc hội Trần Thị Nhị Hà (Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội) đề nghị cần ban hành danh mục hàng hóa có mức độ rủi ro trung bình và cao ngay sau Luật có hiệu lực, bảo đảm tính đồng bộ và khả thi. Đại biểu cho rằng, toàn bộ các quy định về kiểm tra, thanh tra, xử lý vi phạm lại chưa sửa đổi tương xứng với đòi hỏi cấp thiết của thực tế với cơ chế “hậu kiểm” chủ động, hiệu quả, khả thi.

Theo đại biểu, hiện nay số lượng sản phẩm, hàng hóa thực hiện công bố hoặc tự công bố hợp quy chất lượng ngày càng tăng, trong khi đội ngũ làm công tác hậu kiểm còn mỏng, phương tiện kỹ thuật hạn chế. Công tác hậu kiểm còn mang tính hình thức, bị động; thiếu cơ chế phân tích rủi ro, kết nối dữ liệu, giám sát cảnh báo; chưa có cơ chế huy động xã hội hóa vào công tác này.

Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Mạnh Hùng tiếp thu, giải trình một số vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm. Ảnh: Quochoi.vn

Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Mạnh Hùng tiếp thu, giải trình một số vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm. Ảnh: Quochoi.vn

Kiểm soát chặt chẽ hàng hóa nội địa

Quan tâm đến chất lượng hàng hóa lưu thông trên thị trường nội địa, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Sửu (Đoàn đại biểu Quốc hội TP Huế) cho rằng, quy định như dự thảo Luật tiềm ẩn nhiều rủi ro. Hàng hóa sản xuất để xuất khẩu có “vấn đề” bị trả về, họ chỉ cần thỏa mãn tiêu chuẩn kỹ thuật là được phép bán ra thị trường nội địa. Bên cạnh đó, việc lợi dụng các “lỗ hổng” trong hệ thống kiểm nghiệm, giám sát chất lượng chưa đồng bộ, nhà sản xuất đưa hàng xuất khẩu tồn, bị trả về, hàng kém chất lượng vào lưu thông nội địa.

“Những vấn đề này sẽ tác động xấu đến niềm tin và sức cạnh tranh của hàng hóa nội địa. Do đó, chỉ cho phép lưu thông trên thị trường nội địa nếu hàng hóa đáp ứng đủ quy chuẩn kỹ thuật tương ứng với các yêu cầu quản lý của pháp luật chuyên ngành và các quy định pháp luật có liên quan của Việt Nam đối với hàng hóa lưu thông trong nước” - đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Sửu đề xuất.

Trong khi đó, đại biểu Quốc hội Dương Tấn Quân (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu) đề nghị cần cân nhắc bổ sung quy định về hoạt động khảo sát chất lượng hàng hóa trên thị trường. Đây là một trong những cơ chế giám sát “mềm”, cho phép kịp thời phát hiện rủi ro, điều chỉnh các chính sách quản lý, đồng thời không tạo áp lực thanh tra diện rộng. Do đó, cần tăng cường chế tài xử lý các hành vi gian dối về chất lượng - cân nhắc đến các biện pháp mạnh hơn như thu hồi sản phẩm - đối với các hành vi làm giả chứng nhận, giả nhãn mác.

Tiếp thu, giải trình một số vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Mạnh Hùng cho hay, lần đầu tiên khái niệm hạ tầng chất lượng quốc gia được đề cập trong dự thảo Luật bao gồm hệ sinh thái tiêu chuẩn, quy chuẩn đo lường, thử nghiệm, chứng nhận và công nhận. Đây là nền tảng thiết yếu để bảo đảm chất lượng hàng hóa, bảo đảm an toàn cho người dân, nâng cao năng lực quản lý nhà nước.

Đây là một bước tiến lớn về quản lý chất lượng, coi quản lý chất lượng là hạ tầng quốc gia giống như hạ tầng giao thông, điện, nước. Nhà nước có trách nhiệm đầu tư xây dựng hạ tầng quản lý chất lượng sẽ làm nền tảng cho doanh nghiệp, tổ chức chủ động tham gia khai thác và phát triển sản phẩm.

Hồng Thái

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/tang-hau-kiem-bao-ve-nguoi-tieu-dung-truoc-nan-san-xuat-hang-gia.706647.html