Đổi mới công nghệ: 'Chìa khóa' giữ vững thị trường xuất khẩu

Thay vì cạnh tranh bằng giá, doanh nghiệp cần chủ động nâng cao chất lượng sản phẩm bằng việc đầu tư, đổi mới công nghệ.

Đây chính là giải pháp căn cơ để giữ vững ổn định xuất khẩu trước hàng rào phòng vệ của thị trường.

 Ngành thép không ngừng cải thiện năng lực sản xuất, ứng phó hiệu quả từ các vụ điều tra phòng vệ thương mại. Ảnh: Hòa Phát

Ngành thép không ngừng cải thiện năng lực sản xuất, ứng phó hiệu quả từ các vụ điều tra phòng vệ thương mại. Ảnh: Hòa Phát

Tiêu chuẩn thị trường ngày càng khắt khe

Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng, các doanh nghiệp Việt Nam không chỉ đứng trước cơ hội mở rộng thị trường mà còn phải đối mặt với những rào cản kỹ thuật và chính sách bảo hộ từ các nước nhập khẩu. Một trong những thách thức lớn nhất là các vụ điều tra và áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại.

Theo Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương), đến nay, không chỉ các mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn như: Gỗ, thủy sản, dệt may, thép... mà nhiều sản phẩm xuất khẩu có kim ngạch nhỏ như: Mật ong, gạch men, giấy bọc thuốc lá cũng đã bị các quốc gia nhập khẩu điều tra phòng vệ thương mại. Điều này cho thấy, bất kỳ sản phẩm nào nếu không tuân thủ đầy đủ tiêu chuẩn, quy định kỹ thuật quốc tế đều có nguy cơ trở thành mục tiêu của các biện pháp phòng vệ từ thị trường.

Ông Chu Thắng Trung - Phó Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại cho biết, việc áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại được xem là một phần quan trọng trong chính sách thương mại quốc tế của mỗi quốc gia, bởi mục đích là bảo vệ hoặc hỗ trợ ngành sản xuất trong nước trong quá trình hội nhập, tự do hóa.

Ngoài ra, các nước phát triển càng ngày càng quan tâm nhiều đến các vấn đề an toàn cho người tiêu dùng, phát triển bền vững, chống biến đổi khí hậu. Từ đó, dựng lên những tiêu chuẩn và quy định mới liên quan đến chuỗi cung ứng, nguyên liệu, lao động, môi trường đối với các sản phẩm nhập khẩu.

Vì vậy, một trong những giải pháp quan trọng hàng đầu để nâng cấp năng lực cạnh tranh xuất khẩu của hàng hóa Việt Nam, giảm thiểu các nguy cơ từ các vụ điều tra của thị trường là nâng cao chất lượng sản phẩm. Bởi, thời gian qua, các vụ điều tra được khởi xướng là do doanh nghiệp thay vì đầu tư đổi mới công nghệ, cải tiến mẫu mã lại chỉ tập trung vào hạ giá thành để giành thị phần, dẫn đến nguy cơ bị cáo buộc bán phá giá, trợ cấp hoặc lẩn tránh thuế.

Theo luật sư Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch Công ty Luật SB Law, các doanh nghiệp cần xác định rõ rằng, khi tham gia vào "sân chơi" kinh tế toàn cầu, yếu tố sống còn không phải là cạnh tranh bằng giá, mà là cạnh tranh bằng chất lượng sản phẩm và uy tín thương hiệu. Đây chính là "chìa khóa" để tránh rơi vào danh sách bị điều tra phòng vệ thương mại, đồng thời giúp hàng hóa Việt Nam duy trì được lợi thế ổn định và nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường quốc tế.

Đồng quan điểm, chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong cho rằng, trong bối cảnh xuất khẩu đối mặt ngày càng nhiều với nguy cơ áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại từ nước ngoài, doanh nghiệp Việt cần chủ động xây dựng chiến lược đa dạng hóa thị trường và mặt hàng xuất khẩu. Bên cạnh đó, doanh nghiệp phải nỗ lực nâng cao chất lượng, tăng tỷ lệ giá trị gia tăng nội địa, cải thiện năng lực truy xuất nguồn gốc nguyên liệu và tuân thủ các tiêu chuẩn kỹ thuật quốc tế để đáp ứng yêu cầu ngày càng khắt khe từ thị trường nhập khẩu.

 Hàng hóa xuất khẩu cần đáp ứng tiêu chuẩn phát triển bền vững. Ảnh: TTXVN

Hàng hóa xuất khẩu cần đáp ứng tiêu chuẩn phát triển bền vững. Ảnh: TTXVN

Đầu tư công nghệ sản xuất

Như vậy, việc thúc đẩy nâng cao chất lượng sản xuất thông qua nâng cấp công nghệ, đổi mới sáng tạo, xây dựng được một chuỗi giá trị khép kín, kiểm soát được đầu vào, đầu ra, nguồn gốc nguyên liệu, các công đoạn chế biến, đóng gói, bảo quản… sẽ giúp doanh nghiệp giảm thiểu rủi ro khi bị điều tra. Đồng thời sẽ vượt qua được hàng rào quy định ngày càng chặt chẽ từ các quốc gia, nhất là tại các thị trường lớn như: Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc…

Bên cạnh đó, trong bối cảnh tiêu dùng toàn cầu ngày càng hướng đến các tiêu chí xanh - sạch - bền vững, các doanh nghiệp cũng cần nhanh chóng thích ứng với xu hướng này. Từ sử dụng bao bì thân thiện môi trường, giảm phát thải khí nhà kính trong quá trình sản xuất đến minh bạch hóa toàn bộ quy trình vận hành... đều là những “điểm cộng” để hàng hóa Việt Nam dễ dàng tiếp cận thị trường khó tính.

Thời gian qua, nhiều mặt hàng đã rất thành công trong ứng phó phòng vệ nhờ sự chủ động trong việc nâng cao chất lượng sản xuất hàng hóa. Đơn cử như thép, đây vốn là mặt hàng thường xuyên bị điều tra phòng vệ thương mại, chiếm khoảng 30% số lượng các vụ liên quan đến hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam ra thị trường nước ngoài. Tuy nhiên, gần đây ngành thép đã liên tiếp có sự ứng phó rất hiệu quả đối với các vụ việc.

Một trong những yếu tố giúp cho thép đứng vững trước "bão" phòng vệ, theo ông Đinh Quốc Thái - Tổng Thư ký Hiệp hội Thép Việt Nam - là do ngành thép đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ sản xuất, đáp ứng xu hướng tiêu dùng xanh, phát triển bền vững ngày càng phổ biến tại nhiều quốc gia. Ngoài ra, ngành này không ngừng cải tiến hệ thống quản trị, chuẩn hóa hệ thống thông tin của mình, nhằm giúp cho việc truy xuất thông tin phục vụ cho các vụ việc phòng vệ thương mại được nhanh chóng và chính xác, đảm bảo tuân thủ các quy định về thời hạn trả lời Cơ quan điều tra.

Như vậy, bên cạnh nỗ lực tăng chất cho sản phẩm, hàng hóa xuất khẩu của doanh nghiệp, theo các chuyên gia, vai trò hỗ trợ từ phía cơ quan quản lý cũng vô cùng quan trọng. Theo đó, các cơ quan chức năng cần triển khai đồng bộ nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu về đào tạo nhân lực, cập nhật thông tin, cảnh báo sớm các nguy cơ từ thị trường. Đồng thời, ban hành các chính sách hỗ trợ về tài chính nhằm khuyến khích các doanh nghiệp tham gia xây dựng và thực hiện chiến lược truy xuất nguồn gốc bằng công nghệ số, ứng dụng mã QR, blockchain…

Việc cải thiện chất lượng hàng hóa sẽ giúp cho doanh nghiệp hạn chế rủi ro và tác động tiêu cực từ thị trường nhập khẩu.

Bảo Thoa

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/doi-moi-cong-nghe-chia-khoa-giu-vung-thi-truong-xuat-khau-388068.html