Tăng hiệu quả quản lý vận tải nhờ công nghệ số

Để kịp thời phát hiện các sai phạm trong hoạt động vận tải, từ đó chấn chỉnh, xử lý các vi phạm, Sở Giao thông Vận tải Thái Nguyên đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin về vận tải qua thiết bị giám sát hành trình.

Thông qua thiết bị giám sát hành trình, phòng chuyên môn của Sở Giao thông Vận tải quản lý, chấn chỉnh, xử lý các trường hợp vi phạm theo quy định.

Thông qua thiết bị giám sát hành trình, phòng chuyên môn của Sở Giao thông Vận tải quản lý, chấn chỉnh, xử lý các trường hợp vi phạm theo quy định.

Theo số liệu thống kê của Phòng Quản lý vận tải, phương tiện và người lái thuộc Sở GTVT: Toàn tỉnh có 29 đơn vị đơn vị KDVT bằng xe taxi; 5 đơn vị KDVT bằng xe buýt; 17 đơn vị KDVT theo tuyến cố định; 46 đơn vị và 476 hộ KDVT hành khách theo hợp đồng. Vận tải hàng hóa có 178 đơn vị, doanh nghiệp, hợp tác xã và 490 hộ kinh doanh.

Theo quy định của Bộ GTVT, tất cả xe khách bắt buộc phải lắp thiết bị giám sát hành trình, camera ghi hình buồng lái và truyền dữ liệu trực tuyến về cơ quan quản lý nhà nước. Để nâng cao chất lượng công tác quản lý các đơn vị KDVT nói chung, đặc biệt là vận tải hành khách, Sở GTVT đã đẩy mạnh khai thác và sử dụng hiệu quả “Hệ thống dịch vụ công trực tuyến vận tải đường bộ” của Bộ GTVT, nhằm giảm thời gian, chi phí trong giải quyết thủ tục hành chính, góp phần cải cách hành chính phục vụ người dân, doanh nghiệp.

Thông qua “Hệ thống dịch vụ công trực tuyến vận tải đường bộ”, dữ liệu thông tin về các đơn vị KDVT bao gồm: Số lượng các phương tiện, giấy phép kinh doanh vận tải, phù hiệu phương tiện KDVT… đã được số hóa tạo thuận tiện cho việc theo dõi và quản lý. Đến nay, toàn tỉnh có gần 6.000 phương tiện giao thông được lắp thiết bị giám sát hành trình.

Cùng với việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý hoạt động KDVT, lực lượng Thanh tra Sở GTVT thường xuyên kiểm tra và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về lắp đặt, cung cấp, cập nhật, truyền thông tin từ thiết bị giám sát hành trình; các hành vi sử dụng các biện pháp kỹ thuật, trang thiết bị ngoại vi, biện pháp khác để can thiệp vào quá trình hoạt động, phá hoặc làm nhiễu sóng GPS, GSM hoặc làm sai lệch dữ liệu của thiết bị và các hành vi vi phạm khác.

Bên cạnh việc tăng cường kiểm tra của lực lượng Thanh tra, Phòng Quản lý vận tải, phương tiện và người lái thường xuyên kiểm tra, khai thác và trích xuất dữ liệu trên “Hệ thống xử lý và khai thác sử dụng dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình” để phục vụ công tác quản lý, chấn chỉnh, xử lý các trường hợp vi phạm. Tập trung xử lý các trường hợp vi phạm quá tốc độ, quá thời gian lái xe liên tục và không truyền dữ liệu khi xe tham gia giao thông, theo quy định tại Nghị định số 10/2020/NĐ-CP và Nghị định số 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ.

Cùng với việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, lực lượng Thanh tra Sở Giao thông Vận tải thường xuyên kiểm tra và xử lý nghiêm vi phạm về kinh doanh vận tải.

Cùng với việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, lực lượng Thanh tra Sở Giao thông Vận tải thường xuyên kiểm tra và xử lý nghiêm vi phạm về kinh doanh vận tải.

Tính riêng trong năm 2022, Sở GTVT đã ban hành văn bản cảnh báo, chấn chỉnh gần 11.000 lượt đơn vị với trên 26.000 lượt phương tiện; ban hành 8 quyết định thu hồi phù hiệu đối với 112 phương tiện của các đơn vị KDVT do vi phạm thông qua dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình.

Qua kiểm tra đã đình chỉ khai thác tuyến vận tải hành khách cố định đối với 17 phương tiện thuộc các đơn vị vận tải trên địa bàn tỉnh. Sở GTVT cũng đề nghị sở GTVT các tỉnh, thành phố xử lý vi phạm 28 phương tiện của các đơn vị vận tải ngoại tỉnh do vi phạm quy định về quản lý hoạt động vận tải.

10 tháng năm 2023, Sở GTVT đã ban hành 8 văn bản chấn chỉnh, nhắc nhở trên 3.000 lượt đơn vị và gần 7.500 lượt phương tiện; ban hành 3 quyết định thu hồi phù hiệu đối với 44 phương tiện của các đơn vị KDVT do vi phạm thông qua dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình; xử lý vi phạm hành chính 4 đơn vị vi phạm thông qua dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình, tổng số tiền xử phạt 44 triệu đồng.

Đồng thời, Sở GTVT ban hành quyết định đình chỉ khai thác tuyến vận tải hành khách cố định đối với 51 phương tiện thuộc các đơn vị vận tải trên địa bàn tỉnh; đề nghị sở GTVT các tỉnh, thành phố xử lý vi phạm đối với 144 phương tiện của các đơn vị vận tải ngoại tỉnh do vi phạm quy định về hoạt động vận tải.

Việc phát hiện, xử lý các vi phạm đã chấn chỉnh các doanh nghiệp KDVT trong việc thực hiện nghiêm túc quy định về lĩnh vực này. Mới đây, ngày 29/9/2023, Thanh tra Sở GTVT đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty TNHH Anh Tuấn Thái Nguyên, trụ sở tại tổ 19, phường Phan Đình Phùng, TP. Thái Nguyên, 7 triệu đồng. Hình thức phạt bổ sung là tước quyền sử dụng 2 phù hiệu xe hợp đồng trong 2 tháng, từ ngày 29/9/2023.

Ông Phạm Thanh Tuấn, Giám đốc Công ty TNHH Anh Tuấn Thái Nguyên, cho biết: Lỗi vi phạm của doanh nghiệp là không thông báo nội dung hợp đồng vận chuyển hành khách tới Sở GTVT trước khi thực hiện hợp đồng vận chuyển hành khách theo quy định. Qua đây, chúng tôi đã chấn chỉnh bộ phận Văn phòng Công ty thực hiện nghiêm các quy định về KDVT. Đối với việc lắp thiết bị giám sát hành trình, chúng tôi luôn có ý thức thực hiện nghiêm túc theo hướng dẫn của Sở GTVT.

Ngoài cài đặt thiết bị thông minh giám sát hành trình, dưới sự hướng dẫn của các đơn vị chuyên môn Sở GTVT, nhiều doanh nghiệp KDVT trên địa bàn tỉnh đã triển khai nhiều phần mềm quản lý ở mức cao hơn, đa dạng hơn như app công nghệ để ký hợp đồng, bán vé, thanh toán, thu phí điện tử...

Để thiết bị giám sát hành trình phát huy hiệu quả, Sở GTVT cũng thường xuyên kiểm tra, theo dõi, chấn chỉnh và kiến nghị xử lý các hành vi vi phạm giao thông.Trong điều kiện số lượng cán bộ không nhiều, việc số hóa hành trình các phương tiện giao thông và quản lý trên phần mềm chuyên dụng đã góp phần nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước của Sở đối với lĩnh vực vận tải.

Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/giao-thong/202311/tang-hieu-qua-quan-ly-van-tai-nho-cong-ngheso-bb917fd/