'Tăng huyết áp là yếu tố nguy cơ hàng đầu gây tử vong'
HNN - Thông tin này được GS.TS Huỳnh Văn Minh - Chủ tịch Phân hội Tăng huyết áp Việt Nam, Hội Tim mạch học Việt Nam chia sẻ với Báo Huế ngày nay trong câu chuyện được kết nối nhân Ngày Thế giới phòng, chống tăng huyết áp (17/5). GS.TS Huỳnh Văn Minh là người vừa được Liên đoàn Tăng Huyết áp Thế giới ( WHF) trao Giải thưởng xuất sắc Claude Lenfant vì những đóng góp lớn cho nghiên cứu về đào tạo và tuyên truyền phòng, chống tăng huyết áp (THA) trong khu vực.

Khám sàng lọc tăng huyết áp trong cộng đồng
Trước tiên, xin chúc mừng Giáo sư - thành viên đầu tiên của Hội Tim mạch Việt Nam được nhận giải thưởng xuất sắc Claude Lenfant. Giáo sư có thể chia sẻ một vài thông tin về tiêu chí của giải thưởng này?
Giải thưởng dành cho cá nhân nhưng đây là nỗ lực hoạt động của tập thể Phân hội THA Việt Nam cũng như các cộng tác viên nhiều năm qua. Tiêu chí giải thưởng dựa vào sự tham gia các hoạt động cộng đồng mà Việt Nam liên tục thực hiện, như chương trình tầm soát Tháng 5 đo huyết áp từ 2017 đến nay, thực hiện hiệu quả các khuyến cáo về THA, việc tuyên truyền và đặc biệt là đã tổ chức thành công Trường Hè về THA châu Á - Thái Bình Dương 2024 (APSC Summer School) lần đầu Việt Nam đăng cai tại Huế cũng như số lượng các công bố quốc tế cá nhân về THA.
Giáo sư đánh giá thế nào về tình hình THA đang diễn ra rất phức tạp tại Việt Nam và trên thế giới hiện nay?
THA là một vấn đề sức khỏe cộng đồng nghiêm trọng trên toàn cầu, ảnh hưởng đến hơn 1,3 tỷ người trưởng thành, đặc biệt là ở các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình. THA cũng được gọi là huyết áp cao. Một người khỏe mạnh có huyết áp ở mức khoảng 120/80mmHg. Khi mức huyết áp tăng cao hơn mức này, thì tình trạng này được gọi là THA. Tại khu vực châu Á, tỷ lệ THA tăng từ 24% lên 28% ở khu vực Tây Thái Bình Dương (bao gồm Việt Nam) và từ 29% lên 32% ở khu vực. Tại Việt Nam, qua Chương trình tầm soát Tháng 5 đo huyết áp do Tổ Chức THA thế giới (ISH) phát động và Việt Nam đã tham gia từ 2017 đến nay, cho thấy tần suất THA Việt Nam là 31,2%; trong đó, có 57,7% không biết mình bị THA và chỉ có 53,8% đạt mục tiêu điều trị.
THA là yếu tố nguy cơ hàng đầu gây tử vong toàn cầu, chiếm khoảng một nửa số ca tử vong do bệnh tim mạch và đột quỵ. Khoảng 10,8 triệu ca tử vong mỗi năm có thể phòng ngừa được liên quan đến THA. Theo dự báo, nếu kiểm soát huyết áp toàn cầu đạt 50%, có thể ngăn chặn được 76 triệu ca tử vong từ năm 2023 đến 2050.
Ngày Thế giới phòng, chống THA được khởi xướng trong hoàn cảnh nào và mục tiêu hướng đến là gì, thưa Giáo sư?
Ngày Thế giới phòng, chống tăng huyết áp là sáng kiến của Liên đoàn THA Thế giới (WHL) - một tổ chức y tế bao gồm 85 liên đoàn và hiệp hội phòng chống THA quốc gia, một thành viên của Hiệp hội THA Quốc tế (ISH), được khởi xướng vào ngày 14/5/2005. Sau đó, Ngày Thế giới phòng, chống THA được chọn tổ chức vào ngày 17/5 hàng năm.
THA là “kẻ giết người thầm lặng” nhưng có thể phòng ngừa và kiểm soát được. Tăng cường nhận thức, sàng lọc định kỳ và tuân thủ điều trị là những yếu tố then chốt để giảm gánh nặng bệnh tật và tử vong toàn cầu. Mục tiêu ngày 17/5 là nâng cao nhận thức về bệnh THA và nguy cơ biến chứng, tử vong cao của THA. Ngoài ra, thiếu thông tin về THA là một trong những yếu tố chính dẫn đến tần suất cao của THA.
Ngày Thế giới phòng, chống THA còn hướng đến mục tiêu thu hẹp khoảng cách về việc thiếu hoặc ít tiếp cận thông tin liên quan đến bệnh THA của người dân trên toàn thế giới và cả những bệnh nhân mắc bệnh THA.
Giáo sư có thể chia sẻ thêm thông tin về chủ đề và thông điệp của Ngày 17/5 năm nay?
Các lễ kỷ niệm Ngày Thế giới phòng, chống THA thường xoay quanh một chủ đề độc đáo do Liên đoàn THA Thế giới khuyến nghị hàng năm. Các chủ đề trong mỗi năm làm cho lễ kỷ niệm đáng nhớ hơn và làm cho chiến dịch THA hiệu quả hơn ở mọi cấp độ. Mỗi năm, một chủ đề cụ thể được chọn phù hợp với thông điệp của chiến dịch.
Năm 2025, chủ đề của Ngày THA Thế giới đó là "Đo huyết áp chính xác, kiểm soát tốt huyết áp, để sống dài lâu".
Ngày Thế giới phòng, chống tăng huyết áp trên thế giới và tại Việt Nam năm 2025 được tổ chức như thế nào, thưa Giáo sư?
Các hoạt động trong Ngày Thế giới phòng, chống THA, gồm kiểm tra huyết áp miễn phí, tổ chức cho người dân tham gia các cuộc chạy bộ để quyên góp tiền giúp đỡ những bệnh nhân THA, tiến hành các hội thảo và diễn đàn công cộng về chủ đề THA. Đồng thời, tuyên truyền về nguy cơ và biện pháp dự phòng THA bằng tất cả các phương tiện truyền thông đại chúng, cũng như tổ chức việc sàng lọc THA toàn dân theo chương trình Tháng 5 đo huyết áp để phát hiện những người THA. Qua các sự kiện này, người dân được cảnh báo về các lối sống không lành mạnh như hút thuốc lá, ăn mặn… có thể góp phần gây THA.
Đặc biệt, với chủ đề ngày THA thế giới 2025 là "Đo huyết áp chính xác, kiểm soát tốt huyết áp, để sống dài lâu", Phân hội Tăng huyết áp Việt Nam, Hội Tim mạch học Việt Nam sẽ tập trung vào chiến lược 5Đ lấy bệnh nhân làm trung tâm qua sự phối hợp chặt chẽ giữa bác sĩ, các tổ chức đa ngành, thông điệp này bao gồm: Thứ nhất là đo huyết áp và chẩn đoán huyết áp chính xác là yếu tố quan trọng. Thứ hai là đánh giá toàn diện tình trạng sức khỏe của bệnh nhân, xem xét các yếu tố nguy cơ. Thứ ba là điều trị cá thể hóa linh hoạt theo tình trạng của từng bệnh nhân. Thứ tư là đánh giá đáp ứng điều trị, nghĩa là theo dõi hiệu quả điều trị bao gồm tác dụng phụ thuốc điều trị THA. Và thứ năm là đầy đủ sự tuân thủ của bệnh nhân điều trị THA cũng như thay đổi lối sống để có cuộc sống lâu dài bền vững.
Ngày THA Thế giới được tổ chức ở khắp mọi nơi trên thế giới. Chiến dịch này đã chứng minh được hiệu quả trong việc nâng cao nhận thức của người dân trên toàn cầu về THA. Tuy nhiên, chiến dịch đã phải đối mặt với một số thách thức, bao gồm cả hạn chế về tài chính cũng như việc tiếp cận người dân còn hạn chế, đặc biệt là ở vùng sâu, vùng xa do khó khăn tiếp cận thông tin. Nhưng trong tương lai, Ngày Thế giới phòng, chống THA hy vọng sẽ dần khắc phục để giúp nâng cao nhận thức cho mọi người nhiều hơn nữa.