Tăng khả năng hấp thụ vốn cho doanh nghiệp
Ngày 25-7, tại Hà Nội, Thời báo Ngân hàng tổ chức Hội thảo 'Tăng khả năng hấp thụ vốn cho doanh nghiệp' dưới sự chủ trì của Ngân hàng Nhà nước và Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam.
Theo đại diện nhiều doanh nghiệp, chính sách của ngành Ngân hàng đã nhắm “đúng và trúng” những điểm nghẽn, khó khăn của doanh nghiệp, sát sườn nhất là việc hỗ trợ nguồn vốn. Tính hiệu quả của hoạt động này rất cụ thể khi trong số hơn 6 triệu tỷ đồng cho vay toàn nền kinh tế, dư nợ cho vay doanh nghiệp nhỏ và vừa đạt khoảng 2,3 triệu tỷ đồng.
Tuy nhiên, hiện có một thực trạng là số lượng doanh nghiệp không vay được vốn tín dụng vẫn còn tương đối nhiều.
Theo ông Nguyễn Vân, Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Công nghiệp hỗ trợ Hà Nội (HANSIBA), thời gian tới, các doanh nghiệp mong muốn trong điều hành chính sách tài khóa, sẽ có thêm giải pháp trọng tâm, trọng điểm, bảo đảm hiệu quả, tiếp tục tập trung tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt là khối doanh nghiệp ngành sản xuất công nghiệp và công nghiệp hỗ trợ. Ngoài ra, chính sách tài khóa phối hợp với chính sách tiền tệ cần nhuần nhuyễn hơn để vừa kiểm soát lạm phát, vừa tạo thêm dư địa giảm lãi suất cho vay.
Ông Thân Đức Việt, Tổng Giám đốc Tổng công ty May 10, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho biết, ngành dệt may nói chung và Tổng công ty May 10 nói riêng đã bị ảnh hưởng do tổng cầu sụt giảm. Đối với May 10, các đơn hàng xuất khẩu cho các thị trường truyền thống sụt giảm khá lớn, từ 20-30% so với 6 tháng cùng kỳ năm 2022...
Đại diện các ngân hàng thương mại tham gia hội thảo cũng khẳng định sẽ tìm mọi giải pháp để gỡ khó cùng doanh nghiệp. Theo ông Phạm Đức Ấn, Chủ tịch Hội đồng thành viên Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank), Agribank tiếp tục bám sát diễn biến thị trường, điều hành linh hoạt lãi suất, chi phí điều vốn nội bộ... nhằm bảo đảm cân đối, tăng trưởng nguồn vốn phù hợp với tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả.
Ông Đinh Ngọc Dũng, Ngân hàng TMCP Sài Gòn – Hà Nội (SHB) cho biết, SHB triển khai nhiều chương trình tín dụng ưu đãi lãi suất ngắn và trung hạn dành cho doanh nghiệp. Đồng thời, ngân hàng đẩy mạnh cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ, tạo điều kiện cho khách hàng tiếp tục quay vòng vốn và tiếp cận vốn vay mới. Ngân hàng đang số hóa toàn bộ quy trình cho vay để rút giảm đáng kể thời gian xét duyệt và thẩm định cho vay, tạo điều kiện cho khách hàng có thể tiếp cận nhanh chóng, thuận lợi nhất với nguồn vốn tín dụng ngân hàng.
Đại diện Ngân hàng Nhà nước, bà Hà Thu Giang, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế khẳng định, thời gian qua công tác điều hành cũng như việc thực hiện các giải pháp của Ngân hàng Nhà nước được thực hiện theo hướng ngày càng tạo thuận lợi cho việc tiếp cận tín dụng và góp phần tăng khả năng hấp thụ vốn của người dân, doanh nghiệp. Mặc dù toàn ngành ngân hàng đã nỗ lực thực hiện các chủ trương, chính sách, giải pháp, trong đó nhiều giải pháp được thực hiện bằng chính nguồn lực của tổ chức tín dụng, song tín dụng nền kinh tế vẫn tăng thấp, phản ánh về khó khăn chung về sức hấp thụ vốn của nền kinh tế trong bối cảnh khách quan với nhiều yếu tố chi phối.
Những tháng còn lại của năm 2023, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn, tăng cường khả năng tiếp cận và hấp thụ vốn tín dụng của người dân, doanh nghiệp, đáp ứng yêu cầu phục hồi và phát triển kinh tế...
Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/tang-kha-nang-hap-thu-von-cho-doanh-nghiep-636280.html