Tăng khả năng hấp thụ vốn cho doanh nghiệp nhỏ Thành phố Hồ Chí Minh
Dù khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp vẫn còn nhiều vấn đề cần tháo gỡ, tuy nhiên điểm tích cực là dòng tín dụng có xu hướng chảy mạnh vào các lĩnh vực sản xuất-kinh doanh.

Ngân hàng triển khai nhiều giải pháp tín dụng đồng hành với doanh nghiệp. (Ảnh: Vietnam+)
Sau 2 tháng ghi nhận tăng trưởng âm, tín dụng trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh có xu hướng phục hồi trở lại trong tháng 3/2025. Dù khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp vẫn còn nhiều vấn đề cần tháo gỡ, tuy nhiên điểm tích cực là dòng tín dụng có xu hướng chảy mạnh vào các lĩnh vực sản xuất - kinh doanh.
Vốn vẫn chảy vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh
Theo dữ liệu thống kê của Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, tổng dư nợ tín dụng trên địa bàn ước đến cuối tháng 3/2025 đạt gần 3.976 nghìn tỷ đồng, tăng 0,83% so với cuối năm 2024 và tăng 11,2% so với cùng kỳ.
Riêng trong tháng 3, dư nợ tín dụng ghi nhận tăng khoảng 1%, phục hồi mạnh trở lại so với mức giảm 0,17% vào cuối tháng 2/2025. Tín dụng vào một số lĩnh vực trọng yếu của Thành phố Hồ Chí Minh tăng mạnh hơn so với mặt bằng chung.
Trong đó, cho vay theo chương trình bình ổn thị trường lũy kế từ đầu năm 2025 đạt 3.521 tỷ cho 39 doanh nghiệp (gồm 16 doanh nghiệp bình ổn, 23 doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng); cho vay nông nghiệp nông thôn theo Nghị định 116/2018/NĐ-CP và Nghị định 55/2015/NĐ-CP của Chính phủ tính đến cuối tháng 3/2025 ước đạt 364.783 tỷ đồng, tăng 1,6% so với cuối năm 2024 và tăng 6,2% so với cùng kỳ.
Dư nợ tín dụng đối với 5 ngành, lĩnh vực ưu tiên như cho vay phát triển nông nghiệp nông thôn, xuất khẩu, doanh nghiệp nhỏ và vừa, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao đạt 1.870 nghìn tỷ đồng, trong đó dư nợ cho vay doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm tỷ trọng chủ yếu khoảng 82,85%...
Đáng chú ý, dù chỉ chiếm tỷ trọng 1,5% trong tổng dư nợ tín dụng, nhưng tín dụng đối với lĩnh vực lưu trú và ăn uống gần đây luôn duy trì mức tăng trưởng cao. Riêng 2 tháng đầu năm 2025, tín dụng đối với lĩnh vực này tăng trưởng 10%, trong khi đó tín dụng chung trên địa bàn giảm 0,17%.
Theo ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Khu vực 2, tín dụng đối với lĩnh vực du lịch trên địa bàn tăng trưởng trở lại, sau khi các hoạt động du lịch dịch vụ phục hồi sau dịch và luôn có mức tăng trưởng cao hơn mức tăng trưởng tín dụng chung trên địa bàn trong 2 năm trở lại đây.
Từ đầu năm đến nay, nhiều sự kiện văn hóa văn nghệ, các hoạt động ấn tượng được tổ chức để chào mừng kỷ niệm những ngày lễ lớn của đất nước, của Thành phố đã thu hút nhiều khách tham quan. Đây là yếu tố thuận lợi để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng lĩnh vực này.
Trong đó, doanh thu các hoạt động du lịch tăng, doanh nghiệp hoạt động hiệu quả, tạo dòng tiền tốt, yếu tố góp phần mở rộng tăng trưởng tín dụng của các tổ chức tín dụng trên địa bàn.
“Với mặt bằng lãi suất thấp, tỷ giá ổn định và hệ thống cung cấp dịch vụ ngân hàng về thanh toán, thu đổi ngoại tệ… rất tiện ích, tiện lợi cũng là động lực góp phần thúc đẩy hoạt động du lịch trên địa bàn tăng trưởng. Trong quá trình này, tăng trưởng lĩnh vực du lịch dịch vụ có tác động tích cực trở lại đối với sự phát triển hoạt động dịch vụ ngân hàng và mở rộng tăng trưởng tín dụng,” ông Lệnh cho biết.
Dòng tín dụng trên địa bàn đang tập trung cho lĩnh vực hoạt động sản xuất kinh doanh thương mại, dịch vụ và tiêu dùng. Tổng dư nợ cho vay lĩnh vực này, chiếm khoảng 75% và chủ yếu là nhu cầu vốn ngắn hạn.
Việc giải ngân và doanh số cho vay tăng là yếu tố phản ánh tín dụng vẫn đáp ứng tốt nhu cầu vốn cho doanh nghiệp, hộ kinh doanh trên địa bàn.
Bài toán vốn cho doanh nghiệp nhỏ và vừa
Dù ghi nhận sự phục hồi, tuy nhiên theo bà Lê Thị Huỳnh Mai, Giám đốc Sở Tài chính Thành phố Hồ Chí Minh, với mức tăng trưởng tín dụng chỉ đạt khoảng 0,83% tính đến cuối tháng 3/2025 cho thấy khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp trên địa bàn, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn chưa có nhiều cải thiện.
Thực tế với mức tăng 0,83%, tăng trưởng tín dụng Thành phố Hồ Chí Minh thấp hơn nhiều so với mặt bằng chung khi tính đến ngày 20/3/2025, dư nợ tín dụng cả nền kinh tế đã tăng 1,98% so với cuối năm 2024.
Tại nhiều tọa đàm, hội thảo tổ chức gần đây, nhiều doanh nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh cũng phản ánh rõ có nhiều lý do khiến cung cầu tín dụng vẫn chưa gặp nhau.
Theo ông Trần Như Tùng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam, ngành dệt may đang gặp áp lực rất lớn về chuyển đổi xanh, do đó đòi hỏi vốn lớn. Tuy nhiên, doanh nghiệp rất khó tiếp cận vốn, do thiếu tài sản đảm bảo, báo cáo tài chính không đạt chuẩn…
Ngay cả nguồn vốn ưu đãi hỗ trợ cho các doanh nghiệp thành phố theo Nghị quyết 98 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh thực hiện thông qua Công ty Đầu tư tài chính nhà nước Thành phố Hồ Chí Minh (HFIC) cũng khó tiếp cận.
Kết quả khảo sát quý I/2025 của Hiệp hội Doanh nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh (HUBA) cũng cho thấy, có tới 37% doanh nghiệp thiếu vốn kinh doanh và 59,8% số doanh nghiệp đề nghị được hỗ trợ vốn tín dụng, giảm lãi suất.
Theo ông Nguyễn Phước Hưng, Phó Chủ tịch thường trực HUBA, Chính phủ và Ngân hàng nhà nước đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, gần đây là Chỉ thị 10/CT-TTg về thúc đẩy phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa. Tuy nhiên, hiệu quả được đánh giá là chưa cao, do điều kiện hưởng hỗ trợ khắt khe, thủ tục phức tạp nên số doanh nghiệp tiếp cận được chưa nhiều.
Đại diện HUBA cho biết, hiện các doanh nghiệp nhỏ và vừa đang loay hoay tìm kiếm nguồn vốn để đầu tư vào các lĩnh vực thiết yếu như máy móc, thiết bị hiện đại, nhà xưởng, lĩnh vực nghiên cứu và phát triển (R&D), chuyển đổi xanh, chuyển đổi số.
Những khoản đầu tư này là yếu tố quan trọng để duy trì và nâng cao năng lực cạnh tranh, đảm bảo sự bền vững của chuỗi cung ứng và sự phát triển lâu dài của các doanh nghiệp.
Cộng đồng doanh nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh kiến nghị ngành ngân hàng gia hạn lâu dài chính sách giảm lãi suất và cơ cấu lại nợ theo Thông tư số 02/2023/TT-NHNN quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách gặp khó khăn để giúp doanh nghiệp trả nợ cũ và bổ sung vốn lưu động.
Đồng thời, cần có chính sách cho vay mở rộng, ưu đãi cho doanh nghiệp gia đình, hoặc đơn giản hóa thủ tục vay vốn, điều kiện vay, mục đích vay, tạo điều kiện cho các chủ doanh nghiệp sử dụng tài sản cá nhân để phục vụ đầu tư…
Trước những khó khăn của doanh nghiệp, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Khu vực 2 cho biết, ngành ngân hàng sẽ tiếp tục sử dụng các nguồn lực chính sách để hỗ trợ cho doanh nghiệp phục hồi phát triển, nhất là các chính sách về tín dụng, lãi suất.
Thời gian tới, ngành ngân hàng thành phố sẽ tiếp tục đẩy mạnh thực hiện chương trình kết nối ngân hàng-doanh nghiệp; trong đó, tập trung vào hai nhiệm vụ trọng tâm là giải ngân gói tín dụng ưu đãi và đối thoại ngân hàng doanh nghiệp nhằm tháo gỡ vướng mắc của doanh nghiệp./.