Lý do Thái Lan vội thúc Trung Quốc việc kiểm tra sầu riêng
Bộ Thương mại Thái Lan đã yêu cầu các quan chức hải quan Trung Quốc kéo dài giờ hoạt động và tăng cường nguồn lực để kiểm tra sầu riêng tại các trạm kiểm soát để kịp thời đẩy nhanh tiến độ xuất khẩu sầu riêng vào quốc gia tỷ dân này.
Trung Quốc chấp thuận đề nghị của Thái Lan
Theo Bangkok Post đưa tin ngày 3/4, ông Napintorn Srisunpang - Thứ trưởng Bộ Thương mại Thái Lan - cho biết đã chủ động yêu cầu kéo dài giờ làm việc tại trạm kiểm soát Mohan trên biên giới với Lào, thay đổi thời gian đóng cửa từ 17h30 thành 20h30 (giờ địa phương). Yêu cầu này đã được hải quan Trung Quốc chấp thuận. Chính quyền Trung Quốc cũng sẽ tăng số lượng phòng kiểm tra từ 3 lên 5 phòng, bổ sung thêm cán bộ để đơn giản hóa quy trình tại trạm kiểm soát này.
Ông Napintorn cho biết, theo tình hình thực tế được báo cáo tại các cuộc thảo luận với viên chức hải quan Trung Quốc nhiều trạm kiểm soát cho thấy, sầu riêng Thái Lan không bị nhiễm thuốc nhuộm Basic Yellow 2 (BY2) hoặc cadmium.
Ông Napintorn chia sẻ: "Thái Lan đã kêu gọi nhân viên hải quan Trung Quốc thông báo những phát hiện này cho chính quyền trung ương ở Bắc Kinh và yêu cầu giảm yêu cầu kiểm tra nghiêm ngặt 100% xuống còn 30%".
Bộ Thương mại Thái Lan cũng giao cho Cục Xúc tiến thương mại quốc tế và Văn phòng thương mại Thái Lan tại Bắc Kinh tiếp tục theo dõi tình hình xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc để kịp thời xử lý.

Trung Quốc hiện là nước nhập khẩu sầu riêng lớn nhất thế giới, trong đó Thái Lan cung cấp hơn một nửa tổng lượng sầu riêng nhập khẩu vào năm ngoái. Ảnh: Xinhua.
Trước đây, chỉ có 30% lượng sầu riêng Thái Lan nhập khẩu vào Trung Quốc được thử nghiệm, nhưng kể từ tháng 1, tất cả các container phải được các phòng thí nghiệm được chứng nhận tại Thái Lan kiểm tra xem có nhiễm BY2 và cadmium hay không, đồng thời phải trải qua quá trình kiểm tra toàn diện khi đến biên giới Trung Quốc.
Ông Napintorn cho biết việc kiểm tra chặt chẽ này đã dẫn đến sự chậm trễ, với thời gian vận chuyển kéo dài tới 8 ngày. Người ta lo ngại rằng trong mùa cao điểm, quá trình kiểm tra có thể kéo dài tới 10 ngày, có khả năng dẫn đến thời gian giao hàng lên tới 20 ngày, điều này có thể làm giảm chất lượng và tác động tiêu cực đến doanh số bán sầu riêng Thái Lan.
Lo ngại đánh mất thị trường
Động thái trên của Bộ Thương mại Thái Lan được đưa ra trong bối cảnh một số nước cũng đẩy mạnh nhập khẩu sầu riêng vào Trung Quốc, dẫn đến ngành nông nghiệp nước này lo ngại đánh mất thị trường giàu tiềm năng. Thái Lan từ lâu đã thống trị thị trường sầu riêng của Trung Quốc, cung cấp 57% trong tổng số 6,99 tỷ USD trái cây mà Trung Quốc nhập khẩu vào năm ngoái.
Cũng theo Bangkok Post, chính quyền Thái Lan tỏ ra lo ngại khi Indonesia đang mở rộng canh tác và hoàn tất các thủ tục pháp lý để chuẩn bị bắt đầu xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc.
Bộ Nông nghiệp Indonesia được cho là đã chỉ định 422 ngôi làng trên quần đảo tập trung vào việc trồng sầu riêng.
Cuối tháng 3, Việt Nam đã xuất khẩu 24 tấn sầu riêng đông lạnh đầu tiên sang Trung Quốc. Điều này cũng gây nên áp lực không nhỏ lên thị trường xuất khẩu sầu riêng của Thái Lan.
Dữ liệu hải quan Trung Quốc cho thấy, Việt Nam là nhà cung cấp lớn thứ hai, chiếm 38%; Philippines và Malaysia đứng thứ ba và thứ tư, với tổng giá trị bán ra là 38,2 triệu USD.
Sầu riêng tươi được bán ở Trung Quốc - thị trường trái cây lớn nhất thế giới - với giá lên tới 200 Nhân dân tệ (27,66 USD) cho một quả 6 kg (13 pound).
Năm nay, sản lượng sầu riêng Thái Lan dự kiến sẽ tăng 37% so với cùng kỳ năm trước, đạt hơn 1,7 triệu tấn, tăng so với mức 1,2 triệu tấn vào năm 2024 do diện tích canh tác được mở rộng và năng suất được cải thiện.
Năm ngoái, tiêu thụ trong nước đạt 280.000 tấn với 800.000 tấn xuất khẩu, 97% trong số đó là sang Trung Quốc. Năm nay, xuất khẩu dự kiến sẽ tăng lên 1,3 triệu tấn, trong khi tiêu thụ trong nước dự kiến sẽ tăng lên 400.000 tấn.
Bộ Thương mại Thái Lan đã tổ chức nhiều sáng kiến tiếp thị và hoạt động kết nối kinh doanh nhằm thúc đẩy mở rộng thị trường tại Trung Quốc.