Tăng khả năng hấp thụ vốn trong nền kinh tế

Tính đến cuối tháng 6, tăng trưởng tín dụng mới tăng 4,73%, trong khi mục tiêu cho cả năm được đề ra là 14%.

Như vậy, dù đã hết nửa năm nhưng tín dụng mới chỉ đi được chưa đến 1/4 chặng đường, cho thấy khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế đang yếu. Rõ ràng, trong giai đoạn kinh tế gặp khó khăn, cần nhiều giải pháp để tháo gỡ.

Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) Nguyễn Hoài Nam cho rằng, DN "cần trụ qua giai đoạn này", đợi tới cuối năm xuất hàng. Vì vậy, cần có giải pháp đột phá về vốn, tín dụng.

Còn theo bà Phạm Thị Ngọc Thủy - Giám đốc Ban IV thuộc Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ, NHNN và các ngân hàng thương mại cần nhìn vào từng nhóm vấn đề để nghiên cứu cơ cấu lại điều kiện vay, lãi vay cho phù hợp.

Tính đến cuối tháng 6/2023, theo phân tích của các chuyên gia, khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế đang yếu. Ảnh: Phạm Hùng

Tính đến cuối tháng 6/2023, theo phân tích của các chuyên gia, khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế đang yếu. Ảnh: Phạm Hùng

Các ngân hàng khẳng định, việc cho vay tín chấp với DN hiện nay chiếm tỷ lệ chưa nhiều. Nguyên nhân một phần là nền tảng thông tin, dữ liệu của khách hàng vẫn rất sơ khai, chưa được đồng nhất. Hơn nữa, tuy khẩu vị rủi ro của các ngân hàng là khác nhau, song cơ bản, việc cho vay phải tuân theo quy định pháp luật.

Lãnh đạo OCB cho biết, khi cho vay tín chấp, tức ngân hàng phải có niềm tin tuyệt đối với DN. Ngân hàng phải xác định được đó là DN hoạt động hiệu quả, xếp hạng tín dụng tốt, báo cáo tài chính minh bạch.

Để được vay tín chấp, DN cũng cần nâng cao trình độ quản lý, công khai, minh bạch sổ sách kế toán. Dựa trên cơ sở đó, ngân hàng thương mại mới có thể thẩm định, đánh giá xem DN hoạt động hiệu quả ra sao, kết quả kinh doanh thế nào để kiểm soát dòng tiền và quyết định cho vay.

Lãnh đạo các ngân hàng cũng kiến nghị loạt giải pháp nhằm đẩy nhanh tốc độ giải ngân vốn ra nền kinh tế trong 6 tháng cuối năm.

Cụ thể, hiến kế tháo van tín dụng cho ngành bất động sản, Tổng Giám đốc Ngân hàng MB Phạm Như Ánh, đề xuất một loạt giải pháp, như: Chính phủ luật hóa các quy định về xử lý nợ xấu, xử lý tài sản đảm bảo để tạo hành lang pháp lý cho các nhà băng triển khai thu hồi nợ an toàn, hiệu quả; xem xét cơ chế cho phép "chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần dự án khi đã có giấy chứng nhận hoặc có quyết định giao đất, cho thuê đất" tạo điều kiện để ngân hàng xử lý nợ xấu đối với các dự án đang triển khai dang dở, giúp tăng nguồn cung nhà ở; NHNN phân nhóm bất động sản để có chính sách quản lý và phát triển phù hợp, ưu tiên nhà ở thu nhập thấp, bất động sản khu công nghiệp... xem xét có chính sách ưu tiên...

Tổng giám đốc VPBank Nguyễn Đức Vinh đề xuất, hãy để các ngân hàng được cân đối những rủi ro trong phạm vi cho phép, khi khách hàng đang gặp khó khăn, không thể đáp ứng đầy đủ 100% điều kiện vay thì ngân hàng có thể chấp nhận nếu nhìn thấy tiềm năng trong tương lai.

Chủ tịch BIDV Phan Đức Tú đề xuất Chính phủ, các Bộ, ngành chỉ đạo có hiệu quả chương trình phục hồi phát triển kinh tế, tháo gỡ khó khăn, phát triển thị trường vốn.

Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng khẳng định, sẽ tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng triển khai thiết thực, hiệu quả các giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho người dân và DN; khuyến khích các TCTD tiết giảm chi phí hoạt động để tiếp tục giảm lãi suất cho vay, đảm bảo cung ứng đầy đủ, kịp thời vốn phục vụ sản xuất - kinh doanh.

Các TCTD tiếp tục rà soát cơ chế, thủ tục cho vay phù hợp hơn với thực tiễn thị trường và tình hình mới, nhưng vẫn đảm bảo chất lượng tín dụng, an toàn hệ thống để hỗ trợ các DN được vay vốn ngân hàng thuận lợi.

Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cũng đã nhắc đến ngày càng nhiều hơn về nhu cầu cấp thiết cần đến các giải pháp tháo gỡ khó khăn khác của thị trường, trong thời điểm hiện tại, việc cải thiện đầu ra cho DN cũng như triển khai thực tế các chương trình hỗ trợ, các chính sách tài khóa, an sinh phải vào cuộc đồng bộ với chính sách tiền tệ.

Trong chỉ đạo điều hành 6 tháng cuối năm của ngành ngân hàng, Thủ tướng Chính phủ đặc biệt lưu ý, NHNN phối hợp đồng bộ, chặt chẽ, hài hoàvới chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm, hiệu quả, nhanh chóng, dứt khoát. Thủ tướng cũng lưu ý, thực hiện chính sách tiền tệ linh hoạt, nới lỏng hơn cần có trọng tâm, trọng điểm và có kiểm soát.

Thảo Nguyên

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/tang-kha-nang-hap-thu-von-trong-nen-kinh-te.html