Tăng khả năng thích ứng của HTX trong sự thay đổi của thế giới

Môi trường sản xuất kinh doanh hiện đang ở trong trạng thái liên tục thay đổi. Sự khắc nghiệt của thiên nhiên và biến đổi khí hậu, cùng với yêu cầu về sản xuất bền vững, sẽ khiến các hợp tác xã (HTX) ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương phải đối mặt với nhiều rủi ro hơn. Do đó, việc nâng cao khả năng thích ứng của các HTX sẽ không chỉ giúp mô hình này phát triển mà còn thu hút thêm nhiều phụ nữ tham gia vào công tác lãnh đạo và quản lý.

Trong khuôn khổ Hội nghị Thượng đỉnh Nữ lãnh đạo HTX khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, được tổ chức bởi Liên minh HTX quốc tế khu vực Châu Á - Thái Bình Dương phối hợp với Liên minh HTX Việt Nam, vào sáng ngày 30/7, đã diễn ra tọa đàm với chủ đề “Xây dựng khả năng phục hồi và thích ứng của HTX trong thế giới đang thay đổi”.

Tổng Giám đốc ICA-AP, ông Balu Iyer, cho rằng HTX đã và đang gặp phải những thách thức do những thay đổi trên quy mô toàn cầu.

Tại tọa đàm, nhiều vấn đề quan trọng như dịch bệnh, biến đổi khí hậu và cạnh tranh trong kinh doanh đã được thảo luận, đồng thời chỉ ra những thách thức lớn mà các HTX đang phải đối mặt.

Khó khăn bủa vây

Chị Vũ Thị Lệ Thủy, Giám đốc HTX 3T nông sản Cao Phong (Hòa Bình) cho biết rào cản với chị và các thành viên nữ của HTX hiện nay là hạn chế về khả năng giao tiếp với người nước ngoài nên phải dùng google hỗ trợ. Điều này có thể khiến HTX đánh mất nhiều cơ hội trong sản xuất kinh doanh.

Phó Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam, Nguyễn Thị Hoài Linh (áo trắng) trao đổi với các tổ chức, HTX quốc tế.

Bà Ruchi Agarwal, Giám đốc công ty bảo hiểm quốc gia Sewa (Ấn Độ), đơn vị liên kết và phát triển mạng lưới HTX, cho biết ở Ấn Độ có môi trường địa chính trị phức tạp, nhiều sắc tộc, tôn giáo, nhiều ngôn ngữ địa phương... Điều này cũng là rào cản đối với HTX trong kết nối, mở rộng thành viên.

Môi trường kinh doanh ở Ấn Độ ngày càng phức tạp khiến các HTX phải cạnh tranh trực tiếp với các doanh nghiệp, tập đoàn lớn. Cũng từ đây, các HTX đang bị thu hẹp không gian phát triển. Việc tiếp cận các nguồn tài chính cũng là điểm khó đối với HTX so với các doanh nghiệp.

Giáo sư Vasanthi Srinivasan, chuyên gia về Hành vi Tổ chức và Quản trị Nguồn nhân lực tại Viện Quản lý Ấn Độ Bangalore (IIM-B), Ấn Độ, điều hành tọa đàm.

Nếu như khoa học công nghệ đang phát triển nhanh chóng giúp doanh nghiệp ở Ấn Độ tận dụng được nguồn lực vô tận từ trí tuệ nhân tạo thì các HTX lại không hề dễ dàng như vậy. “Những khó khăn trong tiếp cận nguồn vốn, năng lực, mối quan hệ chính là rào cản đối với các HTX ở Ấn Độ hiện nay”, bà Ruchi Agarwal chỉ ra.

Bên cạnh đó, thế hệ trẻ ở Ấn Độ cũng đang bị thu hút bởi nhiều ngành nghề mới năng động hơn. Trong khi các HTX ở Ấn Độ hiện chỉ tập trung vào ngành nghề truyền thống, nông nghiệp.

Bà Helma Vermue, Hiệp hội Nông nghiệp và Làm vườn Hà Lan, chia sẻ kinh nghiệm giúp HTX thích ứng trước sự thay đổi của thị trường.

Bà Helma Vermue, Hiệp hội Nông nghiệp và Làm vườn Hà Lan, chia sẻ kinh nghiệm giúp HTX thích ứng trước sự thay đổi của thị trường.

Trước sự thay đổi không ngừng của thị trường, bà Elenita V. San Roque, Tổng giám đốc điều hành, Hiệp hội các Liên đoàn Quỹ tín dụng Châu Á (ACCU), cho rằng các HTX thành viên của Hiệp hội Liên đoàn Quỹ tín dụng đang gặp khó khăn về biến đổi khí hậu. Vấn nạn già hóa đội ngũ lãnh đạo cũng là lực cản của các HTX thành viên.

Có thể thấy, rất nhiều khó khăn đối với các HTX và cả đối với các nữ lãnh đạo HTX ở nhiều quốc gia ở khu vực Châu Á-Thái Bình Dương. Nếu không thể vượt qua và có giải pháp phù hợp, nhiều HTX khó có thể phát triển hiệu quả.

Bà Donna Dizon, Giám đốc điều hành, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng HTX Philippines cho rằng "nâng cấp" thành viên sẽ giúp HTX vượt qua được khó khăn.

Bà Donna Dizon, Giám đốc điều hành, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng HTX Philippines cho rằng "nâng cấp" thành viên sẽ giúp HTX vượt qua được khó khăn.

Trong khi môi trường sản xuất kinh doanh được đánh giá luôn luôn biến động. Sự khắc nghiệt của thiên nhiên, biến đổi khí hậu đi liền với yêu cầu sản xuất bền vững khiến các HTX ở Châu Á-Thái Bình Dương sẽ phải đối mặt với nhiều rủi ro hơn.

Theo Ủy ban Kinh tế - Xã hội châu Á và Thái Bình Dương (ESCAP), biến đổi khí hậu, thiên tai, sóng thần… gây thiệt hại khoảng 924 tỷ USD, tương đương 2,9% GDP mỗi năm cho khu vực.

Nâng khả năng tự cường để thích ứng

Trước những thách thức và khó khăn cả trong nội tại và yếu tố khách quan mà HTX đang phải đối mặt, ông Balu Iyer, Tổng Giám đốc Liên minh HTX quốc tế khu vực châu Á -Thái Bình Dương, cho rằng việc tăng khả năng tự cường cho các HTX, nhất là những HTX có nữ lãnh đạo sẽ giúp những mô hình này phát triển thuận lợi hơn.

Bà Elenita V. San Roque (bên trái), Tổng giám đốc điều hành, Hiệp hội các Liên đoàn Quỹ tín dụng Châu Á (ACCU) cho rằng xây dựng kế hoạch quản lý tài chính rõ ràng là rất cần thiết với HTX.

Bà Elenita V. San Roque (bên trái), Tổng giám đốc điều hành, Hiệp hội các Liên đoàn Quỹ tín dụng Châu Á (ACCU) cho rằng xây dựng kế hoạch quản lý tài chính rõ ràng là rất cần thiết với HTX.

Để tăng khả năng tự cường cho HTX, hàng loạt gợi mở được các chuyên gia đặt ra. Bà Donna Dizon, Giám đốc điều hành, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng HTX Philippines, cho biết muốn tăng năng lực chống chịu của HTX cần tập trung vào hỗ trợ thành viên để giúp họ thích ứng, sáng tạo trong sản xuất kinh doanh.

Còn bà Ruchi Agarwal cho rằng, HTX cần tăng cường mối quan hệ HTX với HTX (B2B), HTX với doanh nghiệp, với tổ chức xã hội, với doanh nghiệp công nghệ và với chính phủ. Điều này sẽ mở ra nhiều cơ hội và hạn chế những rủi ro cho HTX. Ngay như việc xây dựng mối quan hệ với ngân hàng, hiệp hội công nghệ cũng là cách hiệu quả để các HTX có thể mở rộng nguồn vốn cho thành viên, dễ dàng ứng dụng AI, từ đó hạn chế được những thách thức trong thời đại công nghệ số.

Nhiều nữ lãnh đạo HTX trong và ngoài nước chia sẻ rằng cần áp dụng các chính sách một cách linh hoạt trong điều hành HTX.

HTX cũng nên tận dụng thuận lợi về địa lý, nguồn lực lao động nông thôn để thúc đẩy mở rộng thành viên, mở rộng quy mô sản xuất kinh doanh.

Bà Elenita V. San Roque cho rằng một trong những cách hay mà Hiệp hội các Liên đoàn Quỹ tín dụng Châu Á đang thực hiện là hướng đến xây dựng mạng lưới các HTX tín dụng bền vững nhằm hỗ trợ các HTX thành viên bằng các dịch vụ phù hợp hơn như: tăng cường quản lý, marketing bằng công nghệ. ACCU cũng đã tăng sự gắn kết thành viên bằng cách thiết lập các quy tắc, hệ thống quản lý để các tổ chức tín dụng thúc đẩy tốt hoạt động của HTX thành viên.

Tuy nhiên, HTX cần xác định rằng rủi ro luôn bất ngờ nhất là đối với biến đổi khí hậu, thiên tai. Do đó, cần xây dựng một quỹ riêng biệt để HTX có thể kịp thời hỗ trợ thành viên những lúc gặp rủi ro, khó khăn.

Đại diện HTX ở Philippines cho biết tọa đàm giúp các HTX hiểu được những thách thức ngày càng gia tăng và có hướng đi phù hợp.

Đại diện HTX ở Philippines cho biết tọa đàm giúp các HTX hiểu được những thách thức ngày càng gia tăng và có hướng đi phù hợp.

“Cần có các hỗ trợ, khoản vay cho những thành viên có mong muốn, kế hoạch phát triển sản xuất kinh doanh theo hướng bền vững. Các hoạt động hỗ trợ về bảo hiểm cũng giúp HTX giảm bớt rủi ro, khó khăn”, bà Elenita V. San Roque, chia sẻ .

Như vậy, muốn HTX thích ứng với sự biến đổi của thị trường, lãnh đạo HTX cần kết hợp các chiến lược khác nhau một cách linh hoạt.

Giám đốc HTX 3T nông sản Cao Phong, Vũ Thị Thủy cho rằng đầu tư cho tiếng Anh sẽ giúp tăng cơ hội cho HTX.

Giám đốc HTX 3T nông sản Cao Phong, Vũ Thị Thủy cho rằng đầu tư cho tiếng Anh sẽ giúp tăng cơ hội cho HTX.

Ngay như vấn đề quản lý tài chính, theo cách chuyên gia, HTX cần quan tâm giám sát các dòng tiền, xây dựng các quỹ rủi ro một cách phù hợp, thực hiện kiểm toán thường xuyên để đảm bảo doanh số, lợi nhuận, hạn chế tối đa rủi ro rủi ro trong sự biến đổi mạnh mẽ của thị trường.

Rất nhiều nữ lãnh đạo trong hệ thống Liên minh HTX Việt Nam tham gia trao đổi ý kiến.

Rất nhiều nữ lãnh đạo trong hệ thống Liên minh HTX Việt Nam tham gia trao đổi ý kiến.

“Các chính sách có thể là lực cản đối với HTX nhưng nó vẫn có thể thay đổi theo hướng tích cực nếu như các HTX có thể thay đổi quy trình sản xuất kinh doanh một cách phù hợp, kịp thời”, bà Helma Vermue, Hiệp hội Nông nghiệp và Làm vườn Hà Lan nhấn mạnh.

Chị Phạm Thị Minh Hải, Giám đốc HTX lụa Cổ Chất (Nam Định) gặp gỡ và trao đổi kinh nghiệm phát triển HTX với đại diện các HTX, tổ chức các nước.

Chị Phạm Thị Minh Hải, Giám đốc HTX lụa Cổ Chất (Nam Định) gặp gỡ và trao đổi kinh nghiệm phát triển HTX với đại diện các HTX, tổ chức các nước.

Với mong muốn tăng khả năng thích ứng và tiếp cận cơ hội trước sự biến động của thị trường, chị Vũ Thị Lệ Thủy, Giám đốc HTX 3T nông sản Cao Phong, cho rằng việc nhanh chóng nâng cấp bản thân, trong đó có tiếp cận các lớp đào tạo về tiếng Anh là điều cần thiết không chỉ với HTX 3T nông sản Cao Phong mà còn đối với nhiều HTX ở Việt Nam hiện nay.

Huyền Trang-Mạnh Hòa

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//hop-tac-xa/tang-kha-nang-thich-ung-cua-htx-trong-su-thay-doi-cua-the-gioi-1101357.html