Tăng kỹ năng số cho phụ nữ trẻ khởi nghiệp
Chương trình góp phần xây dựng một cộng đồng phụ nữ trẻ khởi nghiệp; đồng thời truyền cảm hứng học tập về kỹ năng số cho những thanh niên khởi nghiệp khác
Tại Lễ tổng kết Chương trình đào tạo Empower Her Tech - Nâng cao kỹ năng số cho phụ nữ trẻ khởi nghiệp do Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) tổ chức mới đây, nhiều dự án cá nhân, dự án nhóm và tổ chức xuất sắc nhất đã giành được giải thưởng. Sự kiện góp phần xây dựng một cộng đồng phụ nữ trẻ khởi nghiệp; đồng thời truyền cảm hứng học tập về kỹ năng số cho những thanh niên khởi nghiệp khác.
Với cam kết thúc đẩy chuyển đổi số, Việt Nam triển khai “Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” được Thủ tướng phê duyệt năm 2020. Theo đó, tập trung vào ba trụ cột là Chính phủ số, kinh tế số, và xã hội số.
Song song với cam kết và hỗ trợ mạnh mẽ từ các cơ quan Nhà nước cùng các thành phần trong hệ sinh thái, quá trình chuyển đổi số và nâng cao năng lực số cho nguồn nhân lực tại Việt Nam vẫn tồn tại nhiều thách thức như sự phức tạp của các công nghệ mới nổi như Trí tuệ Nhân tạo (AI) và đặc biệt khoảng cách về giới trong lĩnh vực công nghệ số còn khá lớn.
Theo nghiên cứu của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, phụ nữ Việt Nam có ít cơ hội tiếp cận và sử dụng nguồn lực số hơn so với nam giới. Điều này cản trở việc phụ nữ tận dụng các nguồn lực số cho mục đích học tập và công việc.
Nhận thức được thực trạng trên, Chương trình đào tạo “Empower Her Tech - Nâng cao kỹ năng số cho phụ nữ trẻ khởi nghiệp” do Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) phối hợp cùng Alobase tổ chức nhằm mục đích nâng cao kỹ năng số cho nữ doanh nhân trẻ và phụ nữ có độ tuổi 18-35 có ý tưởng khởi nghiệp phi công nghệ. Chương trình đem lại những kiến thức cơ bản về Trí tuệ nhân tạo (AI) và các công nghệ kỹ thuật số 4.0 cần thiết để phụ nữ trẻ có thể cải thiện hiệu suất công việc và mang lại lợi ích cho doanh nghiệp của mình.
Chương trình chính thức phát động vào ngày 15/12/2023 và đã nhận được nhiều sự quan tâm phụ nữ trẻ, thu hút gần 300 đơn đăng ký tham gia từ khắp các tỉnh thành trên cả nước. Sau vòng tuyển chọn hồ sơ, 60 học viên được lựa chọn, bao gồm phụ nữ trẻ từ các cộng đồng yếu thế như người khuyết tật, người dân tộc thiểu số, cộng đồng LGBTIQ+.
Các học viên đã trải qua 10 buổi học về các học phần nâng cao kỹ năng số gồm ứng dụng Wix hay còn gọi là công cụ khởi tạo website không cần lập trình, công nghệ trí tuệ nhân tạo khởi sinh và Canva - công cụ thiết kế dành cho dân không chuyên. Xuyên suốt khóa học, chương trình đã nhận về nhiều phản hồi tích cực từ phía học viên, giảng viên và giúp ích cho công việc kinh doanh của phụ nữ trẻ khởi nghiệp tại Việt Nam.
Chị Lê Thị Hà Giang, một học viên tham gia chương trình chia sẻ, chương trình này đã giúp cho các học viên có một cách tiếp cận hoàn toàn mới, với sự chỉn chu cũng như đặt người học ở trung tâm để thiết kế những nội dung học phù hợp, đi từ cơ bản đến hỗ trợ nâng cao kỹ năng cho người tham gia.
Bà Ramla Khalidi, Trưởng đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam, cho biết, Chương trình đào tạo ‘Empower Her Tech’ là một đóng góp nhỏ nhằm thu hẹp khoảng cách giới trong lĩnh vực công nghệ số. Chúc mừng các nữ doanh nhân trẻ đầy triển vọng đã tham gia chương trình này. Đây là những bước thiết thực trong nỗ lực xây dựng kỹ năng kỹ thuật số và nâng cao năng lực lãnh đạo, đồng thời là bước đột phá để đưa doanh nghiệp lên một tầm cao mới, thúc đẩy sự phát triển bền vững cho tất cả mọi người.
Được biết, trong thời gian tới, Chương trình đào tạo Empower Her Tech sẽ tiếp tục và hướng đến xây dựng cộng đồng doanh nhân trẻ là phụ nữ, hỗ trợ lan tỏa và thúc đẩy phong trào áp dụng công nghệ để nâng cao hiệu quả kinh doanh của mình.
Cuốn cẩm nang hướng dẫn về các học phần Canva, trí tuệ nhân tạo tạo sinh và công cụ khởi tạo website Wix sẽ được phát hành nhằm nhân rộng kết quả của chương trình đào tạo này tại các cơ sở giáo dục ở Việt Nam, tạo điều kiện cho tất cả thanh niên, bất kể giới tính, có thể tận dụng các cơ hội của thời đại kỹ thuật số.
Nguồn Bnews: https://bnews.vn/tang-ky-nang-so-cho-phu-nu-tre-khoi-nghiep/322489.html