Tăng lãi suất ngân hàng: Người mừng, người lo
ĐBP - Từ ngày 25/10, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam đã nâng lãi suất điều hành thêm 1%/năm. Trước động thái này, nhiều người dân trên địa bàn tỉnh cảm thấy vui khi có thêm kênh đầu tư mới trong khi không ít khách hàng, nhất là các doanh nghiệp, hợp tác xã tỏ ra lo lắng về lãi suất vay vốn đầu tư sản xuất, kinh doanh những tháng cuối năm.
Người dân làm thủ tục gửi tiết kiệm tại Agribank, chi nhánh tỉnh Điện Biên.
Tối 24/10, NHNN Việt Nam đã phát đi thông cáo báo chí, quyết định tăng thêm 1% đối với lãi suất tái cấp vốn, lãi suất tái chiết khấu, trần lãi suất huy động dưới 6 tháng, lãi suất cho vay các lĩnh vực ưu tiên, kể từ ngày 25/10/2022... Đây là lần nâng lãi suất điều hành thứ hai của NHNN Việt Nam trong vòng 2 tháng qua. Cụ thể, tăng lãi suất tái cấp vốn từ 5%/năm lên 6%/năm; lãi suất tái chiết khấu từ 3,5%/năm lên 4,5%/năm; lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của NHNN đối với tổ chức tín dụng từ 6%/năm lên 7%/năm. NHNN cũng nâng lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng từ mức 0,5%/năm lên 1%/năm; lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 - dưới 6 tháng từ 5%/năm lên 6%/năm. Riêng lãi suất tối đa đối với tiền gửi bằng VND tại quỹ tín dụng nhân dân, tổ chức tài chính vi mô từ 5,5%/năm lên 6,5%/năm...
Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, việc điều chỉnh tăng các mức lãi suất điều hành là giải pháp kịp thời, phù hợp với xu hướng chung trên toàn thế giới và điều kiện thị trường trong nước; cho thấy phản ứng chủ động, nhạy bén của NHNN trong việc kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ nền kinh tế phục hồi.
Triển khai thực hiện, NHNN chi nhánh tỉnh Điện Biên đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng thực hiện nghiêm túc các quy định về lãi suất; tăng cường công tác truyền thông về việc thay đổi lãi suất để khách hàng biết và tiếp cận. Đồng thời xây dựng kế hoạch kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định về lãi suất mới đối với các tổ chức tín dụng trên địa bàn. Sau gần 1 tháng triển khai, việc ngân hàng tăng lãi suất huy động vốn không chỉ giúp các ngân hàng thương mại thu hút nguồn tiền nhàn rỗi trong nhân dân mà nhiều người dân coi đây là một kênh đầu tư mới hiệu quả, an toàn trong dịp cuối năm.
Chị Nguyễn Thị Huyền, phường Mường Thanh, TP. Điện Biên Phủ cho biết: Đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 - dưới 6 tháng tăng từ 5% lên 6%/năm là mức tăng khá cao, do vậy gia đình tôi đã lựa chọn gửi tiền tiết kiệm ở ngân hàng thay vì đầu tư vào lĩnh vực khác. Tôi đã lựa chọn gửi tiền tiết kiệm ở Vietinbank Chi nhánh tỉnh Điện Biên. Nhân viên giao dịch đã tư vấn, hướng dẫn tôi lựa chọn hình thức gửi tiết kiệm online để được hưởng lãi suất cao hơn so với hình thức gửi tiết kiệm tại quầy. Với dịch vụ gửi tiết kiệm kỳ hạn 4 - 5 tháng hưởng lãi suất 6%/năm (cao hơn 0,6%/năm so với gửi tại quầy); kỳ hạn 6 tháng lãi suất 7,8%/năm (cao hơn 1,8%/năm). Với những chính sách, dịch vụ này thì người gửi tiền đang được hưởng lợi tăng 2 lần lãi suất so với trước đây.
Tương tự, anh Nguyễn Văn Bắc, xã Pom Lót, huyện Điện Biên cho biết: Hàng năm, vợ chồng tôi cố gắng tiết kiệm một khoản tiền để đầu tư, chi tiêu dịp cuối năm. Tháng 9 vừa qua đã hết kỳ hạn gửi. Đúng dịp các ngân hàng đồng loạt tăng lãi suất huy động vốn, qua cân nhắc, tính toán, với quan điểm coi trọng tính an toàn đồng vốn, tôi tiếp tục lựa chọn gửi tiết kiệm ngân hàng với kỳ hạn 3 tháng.
Trong khi nhiều người gửi phấn khởi khi lãi suất huy động tăng thì ở chiều tăng lãi suất cho vay khiến không ít khách hàng lo lắng, nhất là các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất. Khảo sát một số doanh nghiệp trên nhiều lĩnh vực tại TP. Điện Biên Phủ và huyện Điện Biên, đa phần tỏ ra lo lắng về nhu cầu vốn phục vụ sản xuất cuối năm. Các chủ doanh nghiệp đều cho rằng: Năm 2022 hoạt động doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn bởi tác động của dịch bệnh, giá cả nguyên vật liệu tăng cao, khan hiếm nguồn cung xăng dầu. Đến cuối năm, doanh nghiệp tiếp tục chịu nhiều áp lực khi các ngân hàng tăng lãi suất cho vay. Doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn giá rẻ như trước đây dẫn đến tăng chi phí đầu vào, làm giá bán của sản phẩm tăng lên. Ngoài ra, khi lãi suất cho vay tăng lên, các doanh nghiệp có thể trì hoãn kế hoạch mở rộng sản xuất kinh doanh, gây ảnh hưởng đến doanh thu và lợi nhuận.
Từ đầu năm đến nay, công tác huy động vốn của Agribank chi nhánh tỉnh Điện Biên gặp nhiều khó khăn. Đến hết tháng 10/2022, tổng nguồn vốn huy động đạt trên 4.970 tỷ đồng, giảm 150 tỷ đồng so với đầu năm, giảm 36 tỷ so với cùng kỳ năm 2021.
Ông Nguyễn Trung Kiên, Giám đốc Agribank chi nhánh tỉnh Điện Biên cho biết: Việc NHNN tăng lãi suất điều hành buộc các ngân hàng thương mại phải nâng lãi suất huy động để đảm bảo khả năng cạnh tranh trong ngành ngân hàng. Bên cạnh đó, việc nâng trần lãi suất huy động có thể khiến chi phí đầu vào của các ngân hàng thương mại gia tăng, khiến lãi suất cho vay tăng theo. Từ đó, ảnh hưởng đến nhu cầu vốn sản xuất, kinh doanh của người dân, doanh nghiệp, hợp tác xã trong dịp cuối năm. Agribank chi nhánh Điện Biên tiếp tục cố gắng tiết giảm các khoản chi phí, chấp nhận giảm biên lãi ròng, giảm lợi nhuận để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp có thể tiếp cận nguồn vốn vay với mức lãi suất hợp lý.