Tăng lãi suất - vì sao và ứng phó thế nào?
Việc điều chỉnh tăng lãi suất theo Ngân hàng Nhà nước nhằm đón đầu định hướng tăng lãi suất của Fed trong thời gian tới, qua đó góp phần giải tỏa bớt áp lực lên tỷ giá và thị trường ngoại hối, ổn định kinh tế vĩ mô và kiểm chế lạm phát.
Tối 25/10, Ngân hàng Nhà nước đồng loạt nâng một loạt các mức lãi suất điều hành gồm lãi suất tái cấp vốn, lãi suất tái chiết khấu, lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng... thêm 1%.
Ba mục đích chính của lần tăng lãi suất lần này gồm: Kiểm soát kỳ vọng lạm phát (khi lãi suất tăng, giảm tổng cầu, giảm áp lực giá cả, lạm phát sau đó); lường đón các đợt tăng lãi suất tiếp theo của FED và giảm áp lực tỷ giá vì khi lãi suất đồng nội tệ tăng, chính là tăng hấp dẫn của đồng nội tệ, thu hẹp chênh lệch lãi suất USD - VND, qua đó, giảm áp lực tỷ giá.
Theo Ngân hàng Nhà nước, kinh tế thế giới tăng trưởng chậm lại, đặc biệt là các thị trường lớn như Mỹ, châu Âu, Trung Quốc… Nguy cơ suy thoái, lạm phát tăng cao tại nhiều nước. USD lên giá mạnh, có thời điểm tăng tới hơn 19% so với cuối năm 2021 và tăng 23% so với cùng kỳ năm 2021 - mức tăng hằng năm lớn nhất kể từ năm 1981. Nhiều đồng tiền trên thế giới đều chịu áp lực giảm mạnh so với USD. Ngân hàng trung ương các nước trên thế giới tiếp tục thu hẹp việc nới lỏng chính sách tiền tệ và điều chỉnh tăng lãi suất.
Từ đầu năm 2022 đến nay, đã có 289 lượt tăng lãi suất, trong đó, một số nước lớn đã điều chỉnh tăng lãi suất như Mỹ, Anh, Hàn Quốc, New Zealand, Canada, Úc, ECB; Fed đã 5 lần điều chỉnh tăng lãi suất điều hành với tổng mức tăng là 3%/năm, hiện ở mức 3 - 3,25%/năm. Dự báo, Fed sẽ tăng lãi suất trong các tháng cuối năm lên mức khoảng 4,5 - 4,75%/năm và tiếp tục tăng trong năm 2023.
Trong bối cảnh đó, việc điều chỉnh tăng lãi suất theo Ngân hàng Nhà nước nhằm đón đầu định hướng tăng lãi suất của Fed trong thời gian tới, qua đó góp phần giải tỏa bớt áp lực lên tỷ giá và thị trường ngoại hối, ổn định kinh tế vĩ mô và kiểm chế lạm phát. Đây là giải pháp kịp thời, phù hợp với xu hướng chung trên toàn thế giới và điều kiện thị trường trong nước; góp phần định hình và neo giữ kỳ vọng lạm phát
Tăng lãi suất, như thường lệ cũng khiến “người buồn, kẻ vui”. Lãi suất điều hành tăng, kéo lãi suất huy động tăng. Việc này có lợi cho người gửi tiền, qua đó giúp hệ thống ngân hàng tiếp tục huy động được nguồn vốn, cải thiện thanh khoản, góp phần nâng cao an toàn hệ thống, hệ thống ngân hàng có đủ nguồn vốn để hỗ trợ quá trình phục hồi kinh tế.
Lãi suất đầu vào tăng, chắc chắn lãi suất cho vay sẽ đi lên, tác động tới khả năng tiếp cận vốn của DN. Tuy nhiên, trong bối cảnh sức ép tỷ giá và lạm phát lớn như hiện nay, việc giữ ổn định lãi suất không hề đơn giản. Vì vậy, bài toán làm sao hài hòa bài toán đảm bảo hỗ trợ DN là câu chuyện cần bàn đến thời điểm này. Theo các chuyên gia, ngân hàng trung ương phải cân đối, tính toán đa chiều, tổng hòa các mặt để đưa ra quyết định tăng hay giảm lãi suất, rồi mức độ và tần suất như thế nào.
Về phía DN, bản thân DN cũng cần quyết liệt tái cấu trúc, đa dạng hóa nguồn vốn, quan tâm hơn đến quản lý rủi ro, nhất là rủi ro tài chính (dòng tiền), lãi suất và tỷ giá (có thể phối hợp với tổ chức tài chính trong nước để kiểm soát rủi ro.
Ngoài ra, các chuyên gia cũng đề xuất, cần triển khai nhanh hơn gói hỗ trợ lãi suất 2%/năm cho DN để góp phần kìm đà tăng của lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ cho DN. Điều này rất cần thiết trong bối cảnh lãi suất điều hành và lãi suất tiền gửi có thể tiếp tục tăng cao hơn trong những tháng tới, gây sức ép lên mặt bằng lãi suất cho vay.
Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/tang-lai-suat-vi-sao-va-ung-pho-the-nao.html