Tang lễ Thiền sư Thích Nhất Hạnh theo hình thức khóa tu im lặng

Thiền sư Thích Nhất Hạnh, người được Phật tử toàn cầu tín nhiệm với thuật ngữ 'Phật giáo dấn thân' đã viên tịch sáng ngày 22/1 tại chùa Từ Hiếu (TP Huế) trước sự đau buồn, tiếc thương của Phật tử và cộng đồng chúng sinh.

XEM CLIP:

Từ rạng sáng nay, sau khi hay tin Thiền sư Thích Nhất Hạnh viên tịch, rất nhiều người dân, Phật tử đã có mặt tại chùa Từ Hiếu (phường Thủy Xuân, TP Huế, tỉnh TT-Huế).

Bên trong chùa, nơi Thiền sư sống những năm tháng cuối đời đến ngày viên tịch, các Phật tử tất bật dọn dẹp, chuẩn bị tang lễ cho Thiền sư Thích Nhất Hạnh.

Chùa Từ Hiếu, nơi Thiền sư Thích Nhất Hạnh sống những ngày tháng cuối đời.

Chùa Từ Hiếu, nơi Thiền sư Thích Nhất Hạnh sống những ngày tháng cuối đời.

Thông tin từ trang chủ Cộng đồng Làng Mai cho biết, sau những năm tháng an dưỡng tại Tổ đình Từ Hiếu, vào lúc 0h ngày 22/1, Thiền sư pháp hiệu trước Nhất sau Hạnh, Niên trưởng Trụ trì Tổ đình Từ Hiếu đã thâu thần thị tịch tại Tổ đình, nơi Ngài đã xuất gia cách đây 80 năm, trụ thế 96 tuổi và 70 hạ lạp.

Thiền sư Thích Nhất Hạnh - Sư ông Làng Mai là bậc thầy hướng dẫn tâm linh có công hạnh hoằng hóa rộng rãi và ảnh hưởng sâu dày trên khắp thế giới.

Phật tử tĩnh lặng, chuẩn bị tang lễ Thiền sư Thích Nhất Hạnh

Phật tử tĩnh lặng, chuẩn bị tang lễ Thiền sư Thích Nhất Hạnh

Thiền sư đồng thời là một nhà văn hóa, một nhà văn, một nhà thơ, một học giả, một sử gia và một nhà hoạt động hòa bình. Thiền Sư được biết đến qua những buổi thuyết giảng công cộng cho cả hàng chục ngàn người và hơn 120 tác phẩm xuất bản giá trị.

Thiền sư Thích Nhất Hạnh đã mở ra hướng đi và phát triển những pháp môn thực tập với nhiều khóa tu dành cho các nhà giáo dục, thanh thiếu niên, nghệ sĩ, doanh nhân, các nhà lãnh đạo, y bác sĩ…

Chư tăng, phật tử soạn sửa chuẩn bị tang lễ Thiền sư Thích Nhất Hạnh.

Chư tăng, phật tử soạn sửa chuẩn bị tang lễ Thiền sư Thích Nhất Hạnh.

Bên cạnh sự nghiệp hoằng pháp, Thiền sư cũng đã tổ chức nhiều Đại Giới Đàn và lễ Truyền Đăng, Việt hóa Nghi lễ và tân tu Giới bản để tiếp dẫn hậu lai.

Mục sư Martin Luther King vinh danh Thiền sư như là “một Thánh tông đồ của hòa bình và bất bạo động” khi đề cử ông cho giải Nobel Hòa bình vào năm 1967.

Trong gần 40 năm sống xa quê hương, Thiền sư là một trong những người tiên phong mang đạo Bụt, đặc biệt là pháp môn chánh niệm đến xã hội phương Tây và góp phần xây dựng một cộng đồng Phật giáo Dấn thân cho thế kỷ XXI với gần 1250 đệ tử xuất gia, hàng triệu đệ tử tại gia và hàng trăm triệu độc giả trên khắp năm châu.

Rất nhiều học trò của Thiền sư đã gặt hái được nhiều hoa trái trong sự thực tập và tiếp nối được sự nghiệp hoằng hóa mà Thiền sư trao truyền suốt những thập kỷ qua.

Chư tăng, Phật tử chuẩn bị mọi thứ cho lễ tang Thiền sư.

Chư tăng, Phật tử chuẩn bị mọi thứ cho lễ tang Thiền sư.

Theo dự kiến, lễ nhập Kim quan Thiền sư Thích Nhất Hạnh sẽ được diễn ra vào lúc 8h sáng ngày 23/1 (nhằm ngày 21/12 Âm lịch). Tang lễ kéo dài 7 ngày theo hình thức của một khóa tu im lặng.

“Trong suốt thời gian đó, người dân đến thăm viếng cùng thực tập tâm niệm cúng dường để cho toàn tang lễ được diễn ra trong sự im lặng, trang nghiêm, thanh tịnh, tĩnh lặng và nhẹ nhàng.

Sau lễ Trà Tỳ, Xá Lợi sẽ được an vị tại Tổ đình Từ Hiếu và các trung tâm khác của Làng Mai khắp nơi trên thế giới mà không cần phải xây tháp”, cáo phó trên trang Làng Mai cho biết.

Quang Thành

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/vn/thoi-su/tang-le-thien-su-thich-nhat-hanh-theo-hinh-thuc-khoa-tu-im-lang-810877.html