Tăng liên kết giúp Triệu Sơn đẩy nhanh quá trình giảm nghèo
Vốn là một huyện nghèo của tỉnh Thanh Hóa, trong những năm qua, huyện Triệu Sơn đã huy động mọi nguồn lực hỗ trợ người dân phát triển kinh tế theo hướng quy mô lớn, có liên kết, từ đó đẩy nhanh quá trình giảm nghèo bền vững.
Thực hiện giảm nghèo thông qua chuyển đổi 40 ha đất lúa kém hiệu quả sang các mô hình khác cho giá trị kinh tế cao hơn, xã Tiến Nông đã phát triển khoảng 10ha trồng rau màu theo tiêu chuẩn hàng hóa. Trong đó, HTX sản xuất rau an toàn Tiến Nông đang thu hút 31 thành viên tham gia sản xuất theo quy trình VietGAP.
Giảm nghèo nhờ kinh tế hàng hóa
Từ khi chuyển đổi sang sản xuất rau an toàn, nhiều hộ từ không có nguồn thu ổn định, đời sống khó khăn nay đã có thu nhập từ 700 - 800 triệu đồng/ha/năm, cao hơn rất nhiều lần so với trồng lúa. Với định hướng tiếp tục phát triển bền vững, thời gian tới, HTX sẽ mở rộng thêm khoảng 2ha để đáp ứng nhu cầu thị trường và nâng cao thu nhập cho thành viên, hộ liên kết.
Trước hiệu quả của mô hình sản xuất rau an toàn mang lại, xã Tiến Nông đang hỗ trợ HTX tiếp tục nâng cao chất lượng sản phẩm, tìm kiếm thị trường ổn định, mở rộng diện tích. Địa phương cũng xây dựng các cơ chế, chính sách hỗ trợ cho HTX về kinh phí để đầu tư xây dựng hệ thống đường, kênh mương, thuận lợi cho công tác vận chuyển thu mua sản phẩm, công tác tưới, tiêu. Đi liền với đó là hỗ trợ HTX, người dân xây dựng các nhà màng để nâng cao chất lượng sản phẩm, tạo được thương hiệu có uy tín trên thị trường.
Còn tại xã Bình Sơn, mô hình nuôi ong lấy mật và trồng chè kết hợp chế biến đang giúp người dân địa phương có thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm, hộ nào ít cũng có nguồn thu từ 70-80 triệu đồng/năm từ hai ngành nghề này. Điển hình là HTX dịch vụ nông, lâm nghiệp xã Bình Sơn đang đẩy mạnh đầu tư máy móc và xúc tiến thương mại để giúp người dân bán được nhiều sản phẩm hàng hóa đi liền với phát triển 80ha chè và liên kết với 400 hộ nuôi ong. HTX cũng đứng ra liên kết với doanh nghiệp để cung ứng phân bón với giá hợp lý cho thành viên, người dân.
Mô hình kinh tế hàng hóa này đang góp phần thay đổi diện mạo của Bình Sơn. Từ một xã đặc biệt khó khăn của huyện, đến nay, Bình Sơn đã có hàng trăm ha chè hàng hóa. Mỗi năm, chè Bình Sơn cung ứng ra thị trường khoảng 20 tấn, mang lại nguồn thu khoảng 5 tỷ đồng bên cạnh nghề nuôi ong, từ đó giúp nhiều hộ dân giảm nghèo, cải thiện đời sống. Đặc biệt, ông Lê Đình Tú, Giám đốc HTX Bình Sơn đã vinh dự được bình chọn là Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2023.
Ông Lê Xuân Linh, Phó Chủ tịch UBND xã Bình Sơn cho biết, từ khi có HTX Bình Sơn, người dân đã thay đổi phương thức trồng chè và áp dụng công nghệ sản xuất an toàn VietGAP, nhờ đó, giá trị kinh tế của cây chè nâng lên rõ rệt. Thời gian tới, Bình Sơn sẽ tiếp tục nhân rộng mô hình trồng cây chè áp dụng công nghệ VietGAP để tiếp tục góp phần phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo ở xã miền núi này.
Tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 2,08%
Có thể thấy, kinh tế hàng hóa đang là điểm nhấn thúc đẩy giảm nghèo, nâng cao thu nhập cho người dân huyện miền núi Triệu Sơn. Theo thống kê, đến năm 2022, diện tích đất nông nghiệp được tích tụ tập trung để sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao của huyện vượt 44,8% kế hoạch. Giá trị sản phẩm trên 1ha đất trồng trọt và nuôi trồng thủy sản đạt 140,4 triệu đồng.
Nhiều mô hình sản xuất, kinh doanh đã được thành lập và mang lại hiệu quả cao. Toàn huyện đã duy trì 460 ha mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm lúa gạo theo tiêu chuẩn VietGAP tại 9 xã; tiêu thụ được 450 tấn lúa, liên kết bao tiêu với Công ty CP Thương mại Sao Khuê, Công ty Giống cây trồng Trung ương - Chi nhánh Hà Nam...
Triệu Sơn cũng đã chuyển đổi 489,4 ha đất lúa sang cây trồng khác hoặc kết hợp nuôi trồng thủy sản. Các phong trào thi đua sản xuất, lao động diễn ra sôi nổi ở các xã.
Điều đặc biệt là huyện đã phát triển được 44 HTX, hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp. Các HTX đang mang lại thu nhập bình quân của người lao động làm việc thường xuyên đạt 5 triệu đồng/tháng, hỗ trợ tích cực vào quá trình giảm nghèo.
Theo thống kê, tỷ lệ hộ nghèo của huyện hiện chỉ còn 2,08%, tỷ lệ hộ cận nghèo giảm còn 4,22%. Chỉ trong năm 2022, huyện đã giảm được 598 hộ nghèo, và 1.065 hộ cận nghèo. Dự kiến đến cuối năm 2023, huyện sẽ giảm được thêm khoảng 400 hộ nghèo và 516 hộ cận nghèo, từ đó tiếp tục kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn khoảng 1% và tỷ lệ hộ cận nghèo còn trên dưới 2%.
Tạo đà cho HTX
Phát triển kinh tế hàng hóa gắn liền với kinh tế tập thể đang giúp huyện Triệu Sơn thực hiện nhanh và bền vững chương trình giảm nghèo. Từ một huyện nghèo của tỉnh Thanh Hóa, đến nay thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn huyện năm đã đạt 56 triệu đồng/người/năm. Triệu Sơn đang là một trong những huyện phát triển kinh tế nhanh và bền vững, thuộc top đầu của tỉnh với điểm nhấn là nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đi liền với đa dạng các loại hình dịch vụ, thương mại.
Tuy nhiên, trong quá trình giảm nghèo và phát triển kinh tế tập thể, HTX trên địa bàn huyện Triệu Sơn còn một số những bất cập, như: việc liên kết chuỗi giá trị còn ít; công tác quản lý, vận hành HTX chưa khoa học. Số lượng, quy mô của các HTX chưa thực sự tương thích với tiềm năng lợi thế của huyện. Việc triển khai các chủ trương và chính sách, nghị quyết của Đảng, Nhà nước về kinh tế tập thể, HTX chưa kịp thời, chưa đáp ứng nhu cầu phát triển, bên cạnh đó là năng lực đội ngũ quản lý HTX chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
Để tiếp tục hỗ trợ người dân giảm nghèo và tránh tình trạng tái nghèo, huyện Triệu Sơn xác định phát triển kinh tế hàng hóa ứng dụng công nghệ cao đi đôi với phát triển kinh tế tập thể, HTX là một trong những mục tiêu quan trọng.
Chính vì vậy, tháo gỡ khó khăn, tạo động lực cho kinh tế tập thể, HTX trong huyện phát triển bền vững là điều cần làm. Do đó, huyện sẽ tập trung vận dụng các cơ chế, chính sách, các chương trình dự án của Trung ương, tỉnh để phát triển cơ sở hạ tầng sản xuất, nâng cao trình độ năng lực cho cán bộ quản lý HTX và người dân. Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động phổ biến kiến thức về kinh tế tập thể, HTX, về ứng dụng công nghệ thông tin, nâng cao nhận thức của đồng bào về kinh tế tập thể.
Đi liền với đó, huyện sẽ hỗ trợ các HTX tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi để phát triển sản xuất, đổi mới phương thức sản xuất, kinh doanh, nâng cao sức cạnh tranh, hiệu quả hoạt động. Có như vậy, HTX không chỉ giúp người dân Triệu Sơn giảm nghèo mà còn hướng đến làm giàu bền vững.