Tăng lợi nhuận nhờ lựa chọn cây trồng phù hợp

Mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tận dụng tốt diện tích đất trong vườn để phát triển các mô hình kinh tế, đã và đang mang lại nhiều kết quả khả quan cho nông dân ở các địa phương.

Nông dân trồng na Thái đang bán được giá

Nông dân trồng na Thái đang bán được giá

Ngải bún được trồng xen trong vườn táo hồng

Ngải bún được trồng xen trong vườn táo hồng

Hướng đi mới từ cây na Thái

Những ngày này, vườn na Thái của anh Trương Văn Tài (xã Vĩnh Lợi, huyện Châu Thành) đang vào vụ thu hoạch rộ. Nhờ năng suất và giá cả ổn định nên gia đình anh Tài rất phấn khởi. Theo anh Tài, thương lái liên hệ và đến vườn thu mua với giá 40.000 đồng/kg, bao gồm cả trái lớn, nhỏ nên người nông dân có lợi hơn. Mức giá hiện tại không cao như thời điểm cây na Thái mới xuất hiện trên thị trường. Tuy nhiên, với mức giá này sau khi trừ hết chi phí chăm sóc, phân bón cho cả vụ, nông dân có lợi nhuận tương đối. Vườn na Thái rộng 4.000m2, với 250 gốc của anh Tài được chuyển đổi từ diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả. Hiện tại, vườn được lắp đặt hệ thống tưới nước tự động nên giúp cây phát triển tốt, vừa nhẹ công chăm sóc lại tiết kiệm chi phí nhân công lao động.

Na Thái (còn gọi là mãng cầu Thái) có nguồn gốc từ Thái Lan, do tương thích khí hậu, thổ nhưỡng của Việt Nam nên cây dễ chăm sóc. Cây na Thái có nhiều ưu điểm vượt trội (trái to, hương vị thơm ngon) nên được thị trường đón nhận.

Sau thời gian canh tác, anh Tài đánh giá, na Thái sinh trưởng rất khỏe, cây có khả năng kháng bệnh tốt. Na Thái cho hiệu quả kinh tế khá cao, vì được thị trường ưa chuộng nên đến mùa thu hoạch, nhiều thương lái tìm đến tận nơi để thu mua. Ngoài ra, cây na Thái phù hợp với nhiều loại đất, nếu biết cách chăm sóc, đủ sức thì cây na Thái có thể cho năng suất khoảng 1 tấn trái/công.

Cây trồng sau 12 tháng đã ra hoa nhưng anh Tài không để kết trái mà tỉa hết toàn bộ, tiếp tục nuôi thêm 6 tháng để thân cứng, khỏe, tán rộng. Đây là thời điểm cây na Thái sung sức nhất để cho thu hoạch trái. Anh Tài cho biết, trái na Thái rất to (từ 0,5-0,7kg), ít hạt, thịt dai, thơm, ngọt thanh. Mỗi trái được bao bọc xốp ở ngoài nên bảo đảm da được sáng, bóng, hạn chế sâu bệnh tấn công. Thông thường, na Thái có thể thu hoạch 2 đợt/năm, khoảng sau Tết nguyên đán và thời điểm tháng 9, 10 (âm lịch). Đây là 2 vụ thuận của cây na Thái, có thể kết trái tự nhiên.

Tuy nhiên, nếu muốn bán với giá cao hơn, tăng lợi nhuận kinh tế, nông dân có thể điều chỉnh thời vụ cho trái ngay đợt Tết nguyên đán. Cho trái nghịch vụ sẽ có được hiệu quả kinh tế nhiều hơn, nhưng đòi hỏi kỹ thuật xử lý ra hoa, đậu trái khó hơn, tốn nhiều chi phí. Mô hình trồng na Thái đã và đang mở ra hướng đi mới để nông dân trong tỉnh chuyển đổi diện tích vườn tạp, vườn cây trồng kém hiệu quả, giúp phát triển kinh tế gia đình.

Trồng xen ngải bún giúp tăng thu nhập

Những năm gần đây, nhận thấy nhu cầu của thị trường về cây ngải bún (một loại gia vị làm nên hương vị thơm ngon của các món bún cá, bún nước lèo trứ danh), nhiều nông dân trong tỉnh đã lựa chọn ngải bún trồng xen canh trong vườn cây ăn trái để tăng thu nhập. Không phải cây trồng chính, nhưng nhờ nhẹ công chăm sóc, đáp ứng nhu cầu của thị trường, giá cả và năng suất ổn định nên cây ngải bún đã giúp nhiều nông hộ có thêm thu nhập, tăng hiệu quả trong việc “lấy ngắn nuôi dài”.

Điển hình, tại vùng chuyên canh nhãn xuồng cơm vàng ở xã Khánh Hòa (huyện Châu Phú), trong thời gian lập vườn trồng nhãn xuồng cơm vàng, nhiều nông hộ tận dụng khoảng đất trống trồng xen ngải bún lấy củ để cung ứng ra thị trường.

Theo nông dân nơi đây, trong vườn nhãn thường được đầu tư hệ thống tưới tự động, nên khi trồng ngải bún cũng không tốn công chăm sóc. Loại cây này không kén đất, tuy nhiên đất trồng phải tơi xốp, không để úng nước, dễ bị hư củ. Thu hoạch xong phải cải tạo lại đất, bón lót thêm phân chuồng, tiếp tục đặt củ xuống trồng tiếp, khoảng 5-6 tháng sau, khi phần lá tàn sẽ cho thu hoạch vụ tiếp theo. Hoặc lựa chọn thời điểm ngải bún có giá, bà con sẽ tiến hành thu hoạch để bán ra thị trường, mang lại lợi nhuận cao hơn. Đây là nguồn thu nhập rất đáng kể, giúp nông hộ trang trải kinh tế trong lúc chờ nguồn lợi từ cây trồng chính.

Ở phường Châu Phú B (TP. Châu Đốc, tỉnh An Giang), anh Huỳnh Văn Cường còn có cách trồng ngải bún sáng tạo hơn. Thay vì trồng trực tiếp xuống đất, anh Cường trồng ngải bún trong các bao trấu, được đặt trong vườn táo hồng của gia đình. Anh Cường cho biết, trồng xen cây ngải bún dưới gốc táo rất có lợi, vừa tiết kiệm phân bón, công tưới nước, vừa tận dụng diện tích đất để tăng thêm thu nhập. Muốn ngải bún phát triển tốt nên lựa chọn đất trồng tơi xốp, được phối trộn thêm với các loại phân hữu cơ, như phân chuồng hoặc các loại đất mùn có sẵn trong vườn. Khi đã thu hoạch ngải bún xong trả về cho đất một lượng lớn phân hữu cơ, làm cho đất phì nhiêu, màu mỡ.

Lúc này, cây táo thu hoạch xong, cắt tỉa cành lá hoặc đốn gốc tái sinh, rất cần lượng phân bón bổ sung dinh dưỡng cho cây đâm chồi, tạo tán và lượng phân bón hữu cơ từ những bao trấu thu hoạch ngải bún đã phát huy tác dụng. Khi đó, cây táo hấp thụ trở lại, sinh trưởng và phát triển tốt, cho năng suất cao. “Giá bán ngải bún ổn định, không dao động nhiều, trung bình khoảng 20.000 đồng/kg. Mấy năm nay, bên cạnh nguồn thu từ vườn cây ăn trái thì ngải bún giúp gia đình tôi tăng thu nhập đáng kể” - anh Cường chia sẻ.

ÁNH NGUYÊN

Nguồn An Giang: https://baoangiang.com.vn/tang-loi-nhuan-nho-lua-chon-cay-trong-phu-hop-a345768.html