Tăng lương cho cán bộ, công chức: Chất lượng công việc có tăng?

Tăng lương cho cán bộ công chức mà không tinh giản được biên chế, chất lượng đội ngũ, hiệu quả công việc không tăng… thì chỉ tăng gánh nặng ngân sách.

Tại Nghị quyết 27 -NQ/TW ngày 21/5/2018 về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp do Ban Chấp hành Trung ương ban hành nêu rõ: Từ năm 2021, áp dụng chế độ tiền lương mới thống nhất đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang trong toàn bộ hệ thống chính trị.

Năm 2021, tiền lương thấp nhất của cán bộ, công chức, viên chức bằng mức lương thấp nhất bình quân các vùng của khu vực doanh nghiệp.

Đến năm 2025, tiền lương thấp nhất của cán bộ, công chức, viên chức cao hơn mức lương thấp nhất bình quân các vùng của khu vực doanh nghiệp.

Đến năm 2030, tiền lương thấp nhất của cán bộ, công chức, viên chức bằng hoặc cao hơn mức lương thấp nhất của vùng cao nhất của khu vực doanh nghiệp.

Nghị quyết 27 cũng nêu rõ việc phải xây dựng, ban hành hệ thống bảng lương mới theo vị trí việc làm, chức danh và chức vụ lãnh đạo thay thế hệ thống bảng lương hiện hành; chuyển xếp lương cũ sang lương mới, bảo đảm không thấp hơn tiền lương hiện hưởng.

 Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Đây là mục tiêu Nghị quyết 27 đề ra, nhưng để thực hiện được lại là một việc không đơn giản. Với bộ máy được cho là rất cồng kềnh, kém hiệu quả, là gánh nặng vô cùng lớn của ngân sách. Nếu tăng lương mà giữ nguyên hiện trạng đội ngũ, chất lượng như hiện nay thì chắc chắn không ngân sách nào chịu nổi. Chính vì thế, công cuộc tinh giản biên chế phải được thực hiện ráo riết, hiệu quả hơn. Về lý thuyết và nguyên tắc là như vậy, nhưng thời gian qua chúng ta đã thất bại trong tinh giản biên chế. Chúng ta không loại được ai ra khỏi bộ máy, thậm chí bộ máy còn phình to. Kết quả tinh giản biên chế chủ yếu tập trung ở nhóm người đến tuổi nghỉ hưu, nghỉ mất sức hoặc chủ động xin nghỉ việc ở các cơ quan Nhà nước. Nhưng ở một chiều khác lại có không ít cán bộ có năng lực, tư duy tốt đã nói lời chia tay với cơ quan Nhà nước để làm việc cho các tổ chức nước ngoài, các tổ chức phi chính phủ.

Muốn đổi mới công tác cán bộ, nâng cao chất lượng đội ngũ thì khâu tuyển dụng, đánh giá cán bộ phải là then chốt. Thế nhưng, thực tế dễ thấy nhiều qui định về bằng cấp, chứng chỉ trong tuyển chọn, đánh giá cán bộ không còn phù hợp. Đơn cử như qui định hồ sơ tuyển dụng phải có chứng chỉ tin học văn phòng A, B, C. Đây là một trong những qui định đã có từ hơn 20 năm nay, khi mà tin học văn phòng vẫn là một kỹ năng vô cùng “xa xỉ”. Còn bây giờ, chúng ta đang bước vào cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, sử dụng máy tính là một kỹ năng thông dụng để một người có thể làm được việc. Nhưng chúng ta vẫn qui định chứng chỉ tin học là một trong những giấy tờ bắt buộc phải có khi tuyển dụng, đánh giá, bổ nhiệm cán bộ.

Tăng lương có ý nghĩa gì khi mà tình trạng tham nhũng vặt, nhũng nhiễu, làm khó người dân và doanh nghiệp vẫn còn khá phổ biến?; khi mà nhiều người vẫn coi việc vào cơ quan Nhà nước chỉ là “bàn đạp” cho những mục đích khác; Và tình trạng “sáng cắp ô đi tối cắp ô về”, đến cơ quan thì ngồi uống nước trà, tán chuyện phiếm… không phải là chuyện hiếm.

Nếu không có một “cuộc cách mạng” thực sự về công tác cán bộ, việc tinh giản biên chế khó như “tự ghè đá vào chân” vẫn phải quyết tâm làm… thì việc tăng lương sẽ trở nên lãng phí, chỉ là tăng gánh nặng cho ngân sách mà thôi./.

An Nhi/VOV.VN

Nguồn VOV: https://vov.vn/vov-binh-luan/tang-luong-cho-can-bo-cong-chuc-chat-luong-cong-viec-co-tang-938838.vov