Tăng lương cơ sở nhưng lạm phát tăng không đáng kể

Sáng 5/8, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7 để thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội; tình hình phân bổ, giải ngân vốn đầu tư công, công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, một số nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới và một số nội dung quan trọng khác.

Mở đầu phiên họp, Chính phủ đã dành phút mặc niệm tưởng nhớ Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Đồng thời thay mặt Chính phủ, Thủ tướng gửi lời chia buồn sâu sắc, lời thăm hỏi đến các gia đình có nạn nhân bị thiệt mạng do thiên tai, lũ lụt, sạt lở vừa qua.

Sau khi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ trần, ngày 3/8, Trung ương đã thống nhất bầu Chủ tịch nước Tô Lâm làm Tổng Bí thư với tỉ lệ tuyệt đối 100%. Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng nhiệt liệt chúc mừng Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu phiên họp Chính phủ. Ảnh: Nhật Bắc

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu phiên họp Chính phủ. Ảnh: Nhật Bắc

Về một số điểm nổi bật của tháng 7 và 7 tháng, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá, tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường. Tuy nhiên, nhờ sự nỗ lực của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân, tình hình kinh tế - xã hội tiếp tục xu hướng tích cực.

Trong đó, tăng trưởng được thúc đẩy ở cả 3 khu vực công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ. Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm và có thặng dư. 60/63 tỉnh, thành phố có chỉ số sản xuất công nghiệp tăng, đây là điểm sáng.

Đáng chú ý, trong tháng 7, dù thực hiện tăng lương cơ sở nhưng lạm phát tăng không đáng kể. Cụ thể, theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 7 tăng 0,48% so với tháng 6; bình quân 7 tháng tăng 4,12%.

Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7. Ảnh: Nhật Bắc

Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7. Ảnh: Nhật Bắc

Bên cạnh kết quả đạt được là cơ bản, Thủ tướng cũng chỉ ra những hạn chế, bất cập và khó khăn, thách thức, như sức ép lạm phát còn cao, tình hình sản xuất kinh doanh một số lĩnh vực gặp nhiều khó khăn, số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường còn cao.

Từ đó, Thủ tướng đề nghị các đại biểu tập trung đánh giá tình hình triển khai các nhiệm vụ trong tháng 7 và 7 tháng, những mặt được, chưa được; đề xuất những cơ chế, chính sách giải pháp, các lĩnh vực trọng tâm, tạo đột phá trong tháng 8, quý III và những tháng cuối năm.

“Phải chăng là phải quyết liệt tháo gỡ các vướng mắc liên quan thể chế, tập trung thi hành tốt các luật mới được ban hành và đã có hiệu lực như Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Các Tổ chức tín dụng?

Phải chăng là các bộ, ngành phải hướng dẫn cụ thể hơn nữa, các địa phương phải chủ động, tích cực hơn nữa, các cơ quan theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình phản ứng chính sách tốt hơn, tập trung thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm, làm mới 3 động lực tăng trưởng truyền thống và thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới…?”, Thủ tướng đặt vấn đề.

Văn Kiên

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/tang-luong-co-so-nhung-lam-phat-tang-khong-dang-ke-post1660937.tpo