Tăng lương: 'Có thực mới vực được đạo'
Việc tăng lương để người lao động sống được với mức thu nhập không phải là câu chuyện mới, nhưng nó trở nên bức thiết hơn bao giờ hết vì con số gần 40.000 cán bộ, công chức, viên chức xin thôi việc trong hơn 2 năm qua.
Gần 40.000 cán bộ, công chức, viên chức xin thôi việc trong hơn 2 năm qua. Đây là con số theo thống kê từ Bộ Nội vụ và đã được giải trình trên diễn đàn Quốc hội những ngày qua.
Con số này nói lên biến động việc làm trong lĩnh vực Nhà nước – vốn được nhiều người ưa chuộng vì sự ổn định nay đã bớt hấp dẫn. Đặc biệt, làn sóng nghỉ việc của những lao động có trình độ và trong lĩnh vực y tế, giáo dục được đề cập như một “phản ứng” tất yếu của việc tiền lương không đáp ứng đủ nhu cầu cuộc sống tối thiểu của người lao động. Mặt khác, với đồng lương thấp, họ còn chịu nhiều áp lực khác trong quá trình công tác - có thể nói là “trên đe dưới búa” nên không thể “cầm cự”.
Từ bỏ công việc mà mình có chuyên môn, đã gắn bó lâu hoặc là định hướng từ đầu trong hành trình tìm kiếm giá trị, mưu sinh, xem như sự nghiệp của bản thân theo tôi là việc làm bất đắc dĩ. Sống trong đồng lương eo hẹp trong khi giá cả không ngừng tăng, mỗi lần tăng “ăn theo” xăng dầu rồi không chịu xuống (dù sau đó giá xăng dầu có giảm) là nỗi ưu phiền lớn nhất của người lao động.
Thực sự, bài toán tài chính cho gia đình mà hai vợ chồng đều làm Nhà nước hoặc làm công ăn lương trong mặt bằng chung hiện nay luôn khó giải. Tiền trường tăng và các dịch vụ giáo dục cũng thế. Nuôi một đứa trẻ học hành thời nay không dễ, nhiều phụ huynh than thở bởi những khoản chi trong nuôi dạy con cái không hề nhỏ.
Nhiều người thậm chí quan ngại việc sinh con, kể cả không dám kết hôn vì thu nhập không cao. Không hiếm diễn đàn đặt vấn đề có nên kết hôn khi lương dưới 10 triệu đồng? Thực tế, số người có thu nhập từ 10 triệu đồng/tháng trở xuống khá nhiều, nên bất ổn về mặt thu nhập dẫn đến hệ lụy gia đình là có thật.
Đúc kết “Có thực mới vực được đạo” luôn đúng. Bởi, dù có lãng mạn hay lạc quan bao nhiêu thì thu nhập phải đảm bảo các nhu cầu tối thiểu, thiết yếu thì con người mới có thể sáng tạo, làm tốt hơn vị trí, vai trò ở cơ quan, nâng cao giá trị bản thân ở gia đình, ngoài xã hội…
Tin vui với người lao động, trong phát biểu trước Quốc hội, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã thông tin: Chính phủ sẽ hoàn thiện và triển khai chính sách về lao động, tiền lương, trong đó có điều chỉnh mức lương cơ sở từ 1/7/2023. Tất nhiên, với lộ trình tăng lương như hiện tại cũng khó theo kịp giá cả tăng, nhưng có còn hơn không.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng cho rằng, tiền lương, thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động còn thấp khiến một bộ phận thôi việc, chuyển việc, nhất là trong lĩnh vực y tế, giáo dục.
Giải pháp khắc phục tình trạng công chức, viên chức thôi việc được Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà nêu ra chính là: Ban cán sự đảng Chính phủ đã trình hội nghị Trung ương 6 khóa XIII điều chỉnh lương cơ sở từ 1,49 lên 1,8 triệu đồng (tăng 20,8%).
Được biết, cách đây 3 năm (ngày 1/7/2019), lương cơ sở được điều chỉnh, công chức trình độ đại học mới đi làm (hưởng lương bậc 1 với hệ số 2,34) nhận lương 3.486.600 đồng. Con số này nhìn thật nhỏ bé so với giá cả leo thang liên tục, tính theo quý, theo năm.
Dù làm công việc gì người lao động cũng mong cống hiến năng lực bản thân và nhận lại đãi ngộ tương ứng để lo cho gia đình, tái đầu tư. Gánh nặng chi tiêu khiến trí thức phải oằn mình trong nỗi lo cơm áo, điều này trói buộc họ sáng tạo và không có hạnh phúc trong khi thực thi công vụ.
Vòng lẩn quẩn của lương thấp và hiệu suất lao động kém biến người lao động thành người làm việc làng nhàng, đối phó. Chữ “đạo” trong công việc đã bị ảnh hưởng từ đầu mối tiền lương một cách tất yếu, tự nhiên, khó tránh và cần được cảm thông nhiều hơn.
Có nhiều công chức đã bứt mình ra để cải thiện thu nhập bằng những công việc khác. Thậm chí có bác sĩ đã “lén” bệnh viện đi khám bệnh ngoài giờ ở phòng khám tư; giáo viên đi làm cò đất, bán hàng online, chạy xe ôm công nghệ…
Những hiện tượng ấy xét về nguyên tắc thì không đúng hoặc không nên nhưng nó cũng là điều khó tránh nếu vừa muốn giữ nghề, vừa vẫn đảm bảo ổn định tài chính cho bản thân, gia đình.
Làm sao để người lao động có thể sống bằng lương, không phải chật vật, khổ sở vì phải “chạy” việc bên ngoài, hay cay đắng hơn là từ bỏ nhiệm sở để phát triển sự nghiệp bằng con đường khác là vấn đề cần các bộ ngành liên quan sớm có giải pháp. Đây cũng là mong mỏi của cử tri với các vị lãnh đạo: sớm có chính sách đảm bảo đời sống người lao động.
Thực tế, việc tăng lương để người lao động sống được với mức thu nhập không phải là câu chuyện mới, nhưng nó trở nên bức thiết hơn bao giờ hết vì con số gần 40.000 cán bộ, công chức, viên chức xin thôi việc trong hơn 2 năm qua.
Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/tang-luong-co-thuc-moi-vuc-duoc-dao-204544.html