Cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thu hút tối đa và sử dụng có hiệu quả nguồn lực của Nhà nước

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nêu rõ, các đại biểu Quốc hội nhất trí về sự cần thiết sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán, Luật Kế toán, Luật Kiểm toán độc lập, Luật Ngân sách nhà nước, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Quản lý thuế, Luật Dự trữ quốc gia để thể chế hóa chủ trương của Đảng, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, cấp thiết cần sửa đổi ngay trong lĩnh vực tài chính, ngân sách.

Ngày 7/11, tại Nhà Quốc hội, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội thảo luận tại hội trường về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán; Luật Kế toán; Luật Kiểm toán độc lập; Luật Ngân sách nhà nước; Luật Quản lý, sử dụng tài sản công; Luật Quản lý thuế; Luật Dự trữ quốc gia.

Góp ý kiến về Luật Kiểm toán độc lập, đại biểu Thái Thị An Chung (Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An) và đại biểu Bùi Thị Quỳnh Thơ (Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh) cơ bản đồng tình với đề xuất tăng cường các đối tượng cần kiểm toán bằng việc bổ sung khoản 5 và khoản 6 vào Điều 37 Luật Kiểm toán độc lập, nội dung: “Doanh nghiệp, tổ chức khác có quy mô lớn phải kiểm toán báo cáo tài chính theo quy định của Chính phủ; Doanh nghiệp, tổ chức khác theo quy định của luật có liên quan”. Các đại biểu cho rằng, Luật hiện hành không quy định điều này dẫn tới một số doanh nghiệp, tổ chức có quy mô lớn hay các công ty bất động sản không niêm yết, không đại chúng cũng không cần kiểm toán, gây ảnh hưởng nặng nề tới xã hội trong thời gian qua.

 Đại biểu Bùi Thị Quỳnh Thơ (Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh) phát biểu.

Đại biểu Bùi Thị Quỳnh Thơ (Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh) phát biểu.

Tuy nhiên, đại biểu Bùi Thị Quỳnh Thơ đề nghị làm rõ mục đích kiểm toán theo diện rộng, khi việc kiểm toán báo cáo tài chính hàng năm của các doanh nghiệp sẽ ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh, gây tốn kém chi phí và nguồn lực lớn cho xã hội. Bên cạnh đó, đơn vị được kiểm toán quy định tại Điều 37 Luật Kiểm toán độc lập hiện hành đang quy định theo ngành và lĩnh vực hoạt động. Nếu như bổ sung đối tượng kiểm toán theo quy mô sẽ dẫn đến hiện tượng không thống nhất các đối tượng kiểm toán trong cùng một điều luật. Vì vậy, nữ đại biểu Quốc hội đề xuất cần xác định phạm vi đối tượng kiểm toán theo ngành, lĩnh vực để cho tương đồng với các quy định tại Điều 37 luật Kiểm toán độc lập hiện hành.

Đóng góp ý kiến về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý Thuế, đại biểu Dương Văn Phước (Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam) cho biết, theo quy định tại khoản 3 Điều 84 Luật Quản lý thuế, cơ quan quản lý thuế tiếp tục theo dõi các khoản tiền thuế nợ được khoanh và phối hợp với cơ quan có liên quan để thu hồi tiền thuế nợ khi người nộp thuế có khả năng nộp thuế hoặc thực hiện xóa nợ. Tuy nhiên, tại khoản 5 Điều 124 Luật Quản lý thuế, quy định: “Chưa thực hiện biện pháp cưỡng chế thuế đối với trường hợp người nộp thuế được cơ quan quản lý thuế khoanh tiền thuế nợ trong thời hạn khoanh nợ; không tính tiền chậm nộp theo quy định của Luật này; được nộp dần tiền thuế nợ trong thời hạn nhưng không quá 12 tháng kể từ ngày bắt đầu của thời hạn cưỡng chế thuế”.

 Đại biểu Dương Văn Phước (Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam) phát biểu.

Đại biểu Dương Văn Phước (Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam) phát biểu.

Đại biểu cho biết, trường hợp người nộp thuế đã được khoanh nợ (áp dụng biện pháp cưỡng chế thu hồi giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp) có khả năng nộp thuế, cơ quan thuế chỉ được phối hợp thu mà không được áp dụng biện pháp cưỡng chế phù hợp để thu thì không thể thu được tiền thuế nợ khi đã áp dụng đến biện pháp cưỡng chế cuối cùng.

Tại điểm b khoản 9 Điều 6 Dự thảo Luật, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu, xem xét bổ sung điểm đ vào sau điểm d khoản 3 Điều 125 Luật Quản lý thuế với nội dung sau: “Trường hợp các khoản tiền thuế nợ được khoanh mà cơ quan quản lý thuế có đủ thông tin người nộp thuế có khả năng nộp thuế thì áp dụng biện pháp cưỡng chế phù hợp để thu hồi nợ thuế đã khoanh”.

Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, sẽ tiếp thu tối đa các ý kiến của đại biểu Quốc hội để tiếp tục hoàn thiện quy định của pháp luật và trình Quốc hội ban hành.

 Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải phát biểu kết luận.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải phát biểu kết luận.

Kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nêu rõ, các đại biểu Quốc hội nhất trí về sự cần thiết sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán, Luật Kế toán, Luật Kiểm toán độc lập, Luật Ngân sách nhà nước, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Quản lý thuế, Luật Dự trữ quốc gia để thể chế hóa chủ trương của Đảng, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, cấp thiết cần sửa đổi ngay trong lĩnh vực tài chính, ngân sách nhằm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thu hút tối đa và sử dụng có hiệu quả nguồn lực của Nhà nước, ngân sách nhà nước và các nguồn lực ngoài Nhà nước, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao chất lượng, hiệu quả của công tác kế toán, kiểm toán độc lập, quản lý thuế, quản lý thị trường chứng khoán.

 Quang cảnh phiên họp.

Quang cảnh phiên họp.

Phó Chủ tịch Quốc hội cũng cho biết, các đại biểu đã tham gia ý kiến về phạm vi sửa đổi luật, việc thông qua dự án luật tại Kỳ họp này, sự cần thiết, cấp bách phải sửa đổi một số điều khoản trong dự thảo luật, tính thống nhất của các điều khoản sửa đổi so với các luật khác để đảm bảo tính khả thi của các quy định, không gây ra xung đột pháp lý, không phát sinh vướng mắc, bất cập mới gây khó khăn, bất lợi cho người dân, doanh nghiệp và gây lãng phí, thất thoát tiền, tài sản của Nhà nước. Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo cơ quan thẩm tra phối hợp chặt chẽ với cơ quan soạn thảo và các cơ quan liên quan nghiên cứu các ý kiến phát biểu tại hội trường và các ý kiến thảo luận tại tổ để tiếp thu, hoàn chỉnh dự thảo luật, trình Quốc hội xem xét, quyết định.

Thiên An

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/cai-thien-moi-truong-dau-tu-kinh-doanh-thu-hut-toi-da-va-su-dung-co-hieu-qua-nguon-luc-cua-nha-nuoc-post320426.html