Tăng lương đã bảo đảm được mức sống tối thiểu?

Chiều 25-6, Quốc hội đã thảo luận tại tổ về báo cáo các nội dung cải cách tiền lương; điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội (BHXH), trợ cấp ưu đãi người có công và trợ cấp xã hội từ ngày 1-7-2024.

 Đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM thảo luận tại tổ, chiều 25-6. Ảnh: QUANG PHÚC

Đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM thảo luận tại tổ, chiều 25-6. Ảnh: QUANG PHÚC

Báo cáo này được Chính phủ trình Quốc hội vào chiều 25-6.

Nội dung chính của báo cáo là trong thời gian chưa đủ điều kiện bãi bỏ mức lương cơ sở và hệ số lương, Chính phủ đề xuất cho thực hiện giải pháp tăng lương khu vực công từ ngày 1-7-2024: từ 1,8 triệu đồng hiện nay lên 2,34 triệu đồng/tháng (tăng 30%), chưa bãi bỏ mức lương cơ sở và hệ số lương hiện nay.

Thảo luận tại tổ, các đại biểu Quốc hội tán thành với ý kiến của cơ quan thẩm tra, tăng mức lương cơ sở từ 1,8 triệu đồng/tháng lên 2,34 triệu đồng/tháng là mức tăng đáng ghi nhận trong quá trình điều chỉnh tiền lương, góp phần cải thiện, nâng cao đời sống cho người hưởng lương, tạo động lực nâng cao năng suất lao động và hiệu quả làm việc.

Tuy nhiên, cùng với việc tăng lương cơ sở, các ý kiến cũng đề nghị Chính phủ quan tâm các giải pháp bảo đảm nguồn lực thực hiện ổn định, lâu dài và có hiệu quả chính sách; tăng cường thực hiện các biện pháp kiểm soát, quản lý giá và các giải pháp kiềm chế lạm phát khác, bảo đảm chỉ tiêu tăng CPI bình quân năm 2024 và cả giai đoạn 2021-2026…

 Đại biểu Nguyễn Thiện Nhân (TPHCM) phát biểu. Ảnh: QUANG PHÚC

Đại biểu Nguyễn Thiện Nhân (TPHCM) phát biểu. Ảnh: QUANG PHÚC

Đáng chú ý, ĐB Nguyễn Thiện Nhân (TPHCM) cho rằng, thực hiện cải cách tiền lương xác định lương cơ sở để đáp ứng mức sống tối thiểu, đây là chỉ đạo rất quan trọng của Đảng. Nhưng trong 5 năm qua, sau khi có Nghị quyết 27 của TƯ (về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp), Chính phủ chưa thực hiện công bố mức sống tối thiểu của người dân như yêu cầu của Nghị quyết, nên chúng ta cũng chưa có cơ sở để nói mức lương cơ sở mới từ 1-7-2024 đã đáp ứng yêu cầu mức sống tối thiểu hay chưa.

Theo ĐB Nguyễn Thiện Nhân, tăng 30% lương cơ sở là tốt cho đội ngũ hưởng lương, nhưng vẫn chưa bám sát yêu cầu của Nghị quyết TƯ, đó là bảo đảm mức sống tối thiểu. “Lý do tại sao 5 năm qua chưa công bố, cần làm rõ, cần trả lời được bao giờ thì công bố mức sống tối thiểu”, ĐB Nguyễn Thiện Nhân nêu.

 Đại biểu Trần Hoàng Ngân (TPHCM). Ảnh: QUANG PHÚC

Đại biểu Trần Hoàng Ngân (TPHCM). Ảnh: QUANG PHÚC

ĐB Trần Hoàng Ngân (TPHCM) cho rằng, tăng lương là mong muốn của bất kỳ ai hưởng lương, để bảo đảm mức sống của cá nhân, một phần cho gia đình, vì vậy rất kỳ vọng sẽ thực hiện đúng đề án cải cách tiền lương. Tuy nhiên từ 1-7-2024, chúng ta mới chỉ thực hiện một phần, Chính phủ cũng đã có báo cáo về việc thực hiện theo lộ trình. “Mong Chính phủ sớm khắc phục các bất cập hiện nay, sớm thực hiện căn bản đề án cải cách tiền lương, bảo đảm tiền lương được trả theo vị trí việc làm, bảo đảm không trả lương cào bằng…”, ĐB Trần Hoàng Ngân nói.

Trước mắt, ĐB Trần Hoàng Ngân đồng tình với việc Chính phủ trình điều chỉnh lương cơ sở từ 1-7-2024. Đồng thời, Chính phủ cần triển khai các giải pháp kiềm chế lạm phát. Theo ĐB, tăng lương khu vực công chỉ tác động khoảng 4% số người lao động (1,9 triệu người lao động hưởng lương trong tổng số 51 triệu lao động), do đó không quá tác động đến cung-cầu tiền, thay vào đó, ĐB cho rằng, chính sách thuế tới đây mới tác động lớn. Do đó, Chính phủ cần điều hành đồng bộ các giải pháp để kiểm soát lạm phát đúng mục tiêu đề ra.

Ủng hộ việc thực hiện tăng lương có lộ trình trong bối cảnh hiện nay, nhưng ĐB Trương Trọng Nghĩa (TPHCM) đồng tình với ý kiến của ĐB Nguyễn Thiện Nhân là cần công bố mức sống tối thiểu, mỗi vùng sẽ có một mức khác nhau.

“Tăng lương phải có hiệu quả, phải bảo đảm được mức sống tối thiểu của người hưởng lương. So với 10 năm trước, mức sống tối thiểu đã khác nhiều, hiện nay mức lương đang hưởng không tương xứng với giá thị trường, lương giữa khu vực tư và công có khoảng cách quá xa, nên lương chưa trở thành động lực đối với khu vực công. Do đó, đề nghị Chính phủ đẩy mức sống tối thiểu lên để lấy mốc phấn đấu vì lương khu vực công hiện nay quá thấp”, ĐB Trương Trọng Nghĩa phát biểu.

 ĐB Nguyễn Minh Hoàng (TPHCM). Ảnh: QUANG PHÚC

ĐB Nguyễn Minh Hoàng (TPHCM). Ảnh: QUANG PHÚC

ĐB Nguyễn Minh Hoàng (TPHCM) cũng nêu, người hưởng lương hưu có nhiều tâm tư. Khi tăng lương, thường kéo theo mặt bằng giá cả cũng tăng, nên ý nghĩa tăng lương cũng bị giảm, vì tăng lương nhiều khi không theo kịp tăng giá. Do đó, người dân rất quan tâm đến việc Nhà nước triển khai các giải pháp kiềm chế lạm phát, vì chắc chắn, các mặt hàng sẽ phải tăng giá theo thị trường. Khi tăng lương, cần bảo đảm nâng chất lượng cuộc sống của người dân, kể cả người hưởng lương lẫn người không hưởng lương, không để việc tăng lương tác động xấu đến người không hưởng lương.

Theo báo cáo của Chính phủ, tổng nhu cầu kinh phí điều chỉnh lương cơ sở tăng 30%, thực hiện tiền thưởng 10% quỹ lương cơ bản, điều chỉnh lương hưu và trợ cấp lũy kế 3 năm 2024 - 2026 tăng thêm 913.000 tỷ đồng. Ủy ban Xã hội đề nghị Chính phủ bổ sung, làm rõ tác động của chính sách đến dự toán ngân sách nhà nước năm 2024 và Kế hoạch Tài chính - Ngân sách nhà nước 3 năm 2024 - 2026 đã báo cáo Quốc hội tại kỳ họp thứ 6 và bổ sung thông tin đầy đủ về 5 nguồn kinh phí thực hiện tiền lương tới hết năm 2026; đánh giá tác động về ngân sách nhà nước, dự báo nguồn lực và những phát sinh cho những năm tiếp theo sau năm 2026.

Để đủ nguồn lực tăng lương, ĐB Nguyễn Minh Hoàng cho rằng, điều rất quan trọng là phải thực hiện các giải pháp để phát triển kinh tế. Có nguồn lực thì mới thực hiện được cải cách toàn diện vấn đề tiền lương, để tiền lương thực sự là động lực để nâng cao năng suất lao động, phòng ngừa tham nhũng, nâng cao chất lượng sống. Tăng lương lần này cần tới 913.000 tỷ đồng, vậy nguồn lực bền vững cho những năm tiếp theo cũng rất cần tính kỹ.

PHAN THẢO

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/tang-luong-da-bao-dam-duoc-muc-song-toi-thieu-post746216.html