Tăng lương người lao động lại lo tăng giá

Từ ngày 1/7, mức lương tối thiểu đối với người lao động được tăng thêm 6% theo Nghị định số 38 của Chính phủ ngày 12/6/2022). Mặc dù lương chưa tăng, nhưng gần 1 tháng nay, giá cả nhiều mặt hàng có xu hướng “leo thang”. Riêng tháng 5, chỉ số giá tiêu dùng trên địa bàn tỉnh tăng 0,64% so với tháng trước và tăng 2,64% so với cùng kỳ. Chưa kịp vui mừng vì được tăng lương, người lao động lại lo hàng hóa tăng giá sẽ ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của gia đình.

Lương tối thiểu vùng tăng thêm 6%

Theo Nghị định số 38 của Chính phủ, từ ngày 1/7, người lao động làm việc theo hợp đồng lao động (quy định tại Bộ luật Lao động) được tăng tiền lương tối thiểu vùng thêm 6%, tương ứng tăng từ 180.000 đồng đến 260.000 đồng so với mức lương hiện hành.

Trong bối cảnh nhiều mặt hàng thiết yếu tăng giá, người dân buộc phải thắt chặt chi tiêu

Trong bối cảnh nhiều mặt hàng thiết yếu tăng giá, người dân buộc phải thắt chặt chi tiêu

Như vậy, sau hơn 2 năm, Chính phủ không thực hiện điều chỉnh tăng lương nhằm chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 thì đến nay, việc điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng là cần thiết để đảm bảo đời sống cho người lao động.

Với những doanh nghiệp đã và đang thực hiện mức lương tối thiểu bằng hoặc cao hơn so với quy định tại Nghị định số 38 thì không phải điều chỉnh tăng lương. Tuy nhiên, đối với các doanh nghiệp đang trả lương thấp hơn mức lương tối thiểu vùng buộc phải tăng lương. Nếu doanh nghiệp không thực hiện tăng mức lương cho người lao động sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định.

Trên địa bàn tỉnh, những tháng đầu năm 2022, nhiều doanh nghiệp ở các khu, cụm công nghiệp đã tiến hành điều chỉnh tăng mức lương cơ bản từ 4.200.000 đồng/tháng lên 4.600.000 đồng/tháng.

Như vậy, đối chiếu với chính sách tăng lương vùng 1 (từ 4.420.000 đồng/tháng lên 4.680.000 đồng/tháng theo Nghị định số 38) thì mức tăng mà các doanh nghiệp đang thực hiện cơ bản tiệm cận với quy định mới, nếu có phải điều chỉnh tăng thì cũng không đáng kể. Điều này giúp doanh nghiệp giảm bớt áp lực tài chính, song người lao động chỉ được nhận thêm 1 khoản tiền “nhỏ giọt” bởi đã được hưởng chính sách điều chỉnh tăng lương trước đó.

CPI trên địa bàn tình tăng gần 2% so với cùng kỳ

Chị Nguyễn Thị Thảo, phường Đống Đa - công nhân Công ty TNHH Hitachi Astemmo Vĩnh Phúc cho biết: “Lương tăng không đáng kể, nhưng giá cả nhiều mặt hàng hóa thời gian qua tăng chóng mặt. Từ mớ rau, gói mì tôm đến xăng dầu, chất đốt... đều tăng, khiến chi phí hằng tháng của gia đình tôi bị “đội” lên đáng kể. Nếu doanh nghiệp không tạo điều kiện cho công nhân tăng ca, làm thêm giờ thì mức lương cơ bản không đủ để các gia đình chi tiêu hằng tháng”.

Giá thành hàng hóa tăng cao do nhiều nguyên nhân, trong đó có chi phí vận chuyển tăng (do giá xăng dầu trong nước tăng cao); nền kinh tế bước vào giai đoạn phục hồi mạnh mẽ sau đại dịch khiến nhu cầu mua sắm tăng cao, gây ra tình trạng mất cân bằng cung cầu, tạo áp lực lên giá cả thị trường.

Đáng chú ý, bình quân 6 tháng đầu năm 2022, giá xăng trong nước tăng gần 50% so với cùng kỳ kéo theo giá mặt hàng gas, nguyên vật liệu tiêu dùng cho sản xuất cũng tăng cao ngất ngưởng.

Anh Nguyễn Văn Trung, nhân viên bán hàng tại Cửa hàng tạp hóa Quýt Hợp, đường Nguyễn Viết Xuân, phường Đống Đa, thành phố Vĩnh Yên cho biết: “Gần 1 tháng nay, nhiều mặt hàng rục rịch tăng giá theo xăng dầu. Trong đó, dầu ăn là một trong những mặt hàng thiết yếu có sức tăng mạnh, từ 20.000-30.000 đồng/can 5 lít ( loại Simply); mỳ tôm tăng từ 5.000-10.000 đồng/thùng (tùy từng loại); các loại bia, nước giải khát cũng tăng từ 4-7%...”.

Theo đánh giá của cơ quan chức năng, tính chung 5 tháng đầu năm 2022, CPI trên địa bàn tình tăng gần 2% so với cùng kỳ cho thấy giá cả nhiều nhóm, ngành hàng hóa, dịch vụ có sự biến động theo chiều hướng tăng. Trong trường hợp CPI tăng cao sẽ gây ra tình trạng lạm phát ảnh hưởng đến nền kinh tế nói chung và đời sống của người dân nói riêng.

Mặc dù chỉ số CPI tăng, song tăng trưởng của nền kinh tế có sự khởi sắc do dịch Covid-19 được kiểm soát nên nhu cầu mua sắm, tiêu dùng và sử dụng dịch vụ của người dân tăng cao trở lại.

Theo đó, tăng trưởng mạnh nhất phải kể đến lĩnh vực ăn uống, du lịch, dịch vụ tiêu dùng góp phần nâng cao doanh thu tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng đạt gần 5.000 tỷ đồng, tăng hơn 44% so với cùng kỳ.

Chính phủ nỗ lực kiềm chế lạm phát, người dân thắt chặt chi tiêu

Thời điểm này, giá xăng ở nhiều quốc gia Đông Nam Á vẫn có xu hướng tăng cao, dao động từ 35.000-53.000 đồng/lít, ảnh hưởng trực tiếp đến nền kinh tế và đời sống của người lao động. Tại Việt Nam, giá xăng đang ở ngưỡng hơn 30.000 đồng/lít làm gia tăng áp lực lên nhiều mặt hàng hóa, tiềm ẩn lạm phát trong những tháng cuối năm 2022.

Năm nay, chỉ tiêu kiềm chế lạm phát được Quốc hội đề ra là dưới 4%. Nhằm nỗ lực thực hiện đạt chỉ tiêu trên, Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt các bộ, ngành và địa phương thực hiện đồng bộ các giải pháp bình ổn giá, giảm thuế giá trị gia tăng với một số nhóm hàng hóa, dịch vụ, thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu… để hạn chế tối đa những tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế-xã hội.

Trong bối cảnh giá cả nhiều mặt hàng thiết yếu, xăng dầu, sách giáo khoa tăng cao, Quốc hội yêu cầu Chính phủ phải có giải pháp hỗ trợ người có thu nhập thấp và người yếu thế…

Cùng với các giải pháp kiềm chế lạm phát của Nhà nước cũng như yêu cầu triển khai chính sách trợ giúp người dân của Quốc hội đối với Chính phủ trong thời gian tới, doanh nghiệp và người lao động cũng đã và đang linh hoạt áp dụng các phương án thắt chặt tài chính, tiêu dùng trong sản xuất, kinh doanh và đời sống.

Để vượt qua giai đoạn khó khăn này, mỗi người dân cần có kế hoạch chi tiêu phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh thu nhập của mình; tránh tình trạng mua sắm lãng phí, không cần thiết để rồi rơi vào hoàn cảnh “chưa hết tháng đã hết tiền lương”.

Mặc dù mức lương tối thiểu vùng mới được điều chỉnh tăng thêm có thể chưa bù đắp được so với mức tăng của nhiều nhóm, ngành hàng, nhưng điều đó thể hiện sự quan tâm, cố gắng rất lớn của Chính phủ, doanh nghiệp trong bối cảnh dịch Covid-19 mới được khống chế, nền kinh tế đang trong giai đoạn phục hồi. Người lao động cần thấu hiểu, đồng thuận cùng doanh nghiệp và Chính phủ vượt qua giai đoạn khó khăn này, chờ đợi thời cơ để kiến tạo những thành quả mới trong những tháng cuối năm 2022.

Bài, ảnh: Hà Trần

Nguồn Vĩnh Phúc: http://baovinhphuc.com.vn/kinh-te/78736/tang-luong-nguoi-lao-dong-lai-lo-tang-gia.html