Tăng lượng nhập khẩu vẫn khó 'hạ nhiệt' giá thịt lợn từ nay đến cuối năm?
Mặc dù việc nhập khẩu thịt lợn đông lạnh không có 'quota' nhưng thực tế trong thời gian qua, mặc dù Chính phủ đã tăng cường nhập khẩu thịt lợn nhưng vẫn không đáp ứng đủ nhu cầu trong nước, khiến giá mặt hàng này vẫn neo ở mức cao.
Thời gian qua, mặc dù Cục Thú y (Bộ NN&PTNT) đã hết sức tạo điều kiện để việc thông quan mặt hàng thịt lợn đông lạnh được thuận lợi. Tuy nhiên việc nhập thịt lợn cũng không phải đơn giản vì do dịch bệnh nên tổng đàn lợn giảm 12% toàn cầu. Trong khi đó Trung Quốc giảm hơn 50% tổng đàn. Tính đến thời điểm này Việt Nam đã nhập được hơn 93 nghìn tấn thịt lợn. Về lợn sống, chúng ta cũng đã đàm phán với Thái Lan nhập được 70 nghìn con lợn.
Giá thịt lợn trong thời gian qua vẫn giữ ổn định ở mức cao. Giá lợn hơi vẫn dao động trong khoảng 81.000-92.000 đồng/kg. Giá bán lẻ tại các chợ vẫn giao động ở mức 14.000-20.000 đồng/kg tùy từng loại thịt và từng khu vực. Theo người dân, giá thịt lợn giữ giá cao trong suốt thời gian dài khiến họ phải điều chỉnh thói quen ăn thịt sang các loại thực phẩm khác.
Tại Hội nghị Sơ kết 6 tháng đầu năm 2020 ngành chăn nuôi, Cục Chăn nuôi cho biết, tính đến tháng 6, tổng đàn lợn trên cả nước đạt 24,9 triệu con, tương đương 79,5% so với tháng 12/2018 (thời điểm trước dịch). Trong đó, lượng lợn của 15 doanh nghiệp lớn đạt trên 4,1 triệu con, tăng so với 1/1/2019 là 66,3%, tăng so với 1/1/2020 là 30,1%.
Tuy nhiên khó khăn là bệnh dịch tả lợn châu Phi rất nguy hiểm chưa có vaccine phòng bệnh; chăn nuôi nông hộ khó áp dụng biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, nên người chăn nuôi nhỏ lẻ sợ dịch bệnh tái phát. Mặt khác, không ít địa phương chưa thực sự quyết tâm trong chỉ đạo, hướng dẫn tái đàn, tăng đàn vì e ngại tái phát dịch sẽ phát sinh hệ lụy cho địa phương. Một số địa phương chậm thanh toán tiền hỗ trợ thiệt hại do dịch tả lợn châu Phi cho người dân, nên người chăn nuôi rất khó khăn duy trì sản xuất. Mặt khác, người chăn nuôi cũng gặp khó khăn khi tiếp cận chính sách về tín dụng, lãi suất ưu đãi và chính sách về đất đai để tái đàn, duy trì sản xuất, tăng đàn.
Do các tháng 5-9/2019 là giai đoạn cao điểm của bệnh dịch tả lợn châu Phi, các cơ sở chăn nuôi không cho phối hoặc hạn chế phối giống, nên ảnh hưởng đến nguồn cung con giống ở giai đoạn đầu năm 2020. Từ tháng 10/2019 các cơ sở chăn nuôi lớn mới cho phối giống và tăng đàn lợn thịt, các cơ sở chăn nuôi nhỏ phải cuối năm 2019 đầu 2020 mới tái đàn, như vậy dự kiến đến cuối quý 3, đầu quý 4/2020 mới đảm bảo cơ bản nhu cầu thịt lợn.
Theo báo cáo từ các địa phương đến cuối tháng 6/2020 đạt 24,9 triệu con lợn, trong đó có hơn 2,8 triệu con nái… 16 doanh nghiệp lớn có tốc độ tăng đàn 66,35%, cả nước khoảng 5%. Tổng đàn như vậy bằng 85% so với cuối năm 2018.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho biết, tuy chúng ta chưa sản xuất được vaccine phòng chống dịch tả lợn châu Phi nhưng cũng đã có nhiều kết quả đáng ghi nhận để khống chế dịch như việc nghiên cứu ra bộ kit phát hiện sớm bệnh, đặc điểm dịch tễ virus, tiếp tục có các tiến triển trong nghiên cứu vaccine, xử lý môi trường để cắt đứt nguồn lây; nghiên cứu các dòng lợn có sức miễn kháng... Đây thực sự là một màng chắn khá hữu ích để tăng tốc trong tái đàn.
“Tuy nhiên cũng phải nói rõ, việc tái đàn cần có thời gian. Từ tháng 5 đến tháng 9/2019 khi dịch lên cao chúng ta phải liên tục tiêu hủy lợn với số lượng rất lớn. Trong thời gian này hầu như không cơ sở, doanh nghiệp nào dám cho phối giống. Đến khoảng tháng 9-10/2019 mới bắt đầu khởi động lại việc này và đến đầu năm 2020 mới có lợn giống. Cũng phải mất 6 tháng sau khi có lợn giống thì thị trường mới có sản phẩm từ việc tăng đàn này. Chúng tôi dự kiến cuối năm nay “cung - cầu” về thịt lợn mới có thể cân bằng” - lãnh đạo Bộ NN&PTNN cho hay.