Tăng lương tối thiểu vùng cần hài hòa lợi ích- Kỳ I: Người lao động mong chờ, doanh nghiệp thêm khó
Thông tin đề xuất tăng lương tối thiểu vùng lên 6% bắt đầu từ ngày 1/7/2022 được Hội đồng Tiền lương quốc gia chốt trình lên Chính phủ xem xét, quyết định khiến người lao động không khỏi vui mừng. Trong khi đó, cộng đồng doanh nghiệp (DN) lại bày tỏ sự lo lắng vì phải gia tăng chi phí trong thời điểm 'ốm còn chưa khỏi hẳn'.
Người lao động mong tăng lương
2 năm chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19, Chính phủ chưa điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng. Theo đó, lần điều chỉnh lương tối thiểu vùng gần đây nhất là vào ngày 1/1/2020, với con số cụ thể: Vùng I là 4,42 triệu đồng; vùng II là 3,92 triệu đồng; vùng III là 3,42 triệu đồng; vùng IV là 3,07 triệu đồng.
Trong khi đó, giá cả nhiều mặt hàng thiết yếu với đời sống và hoạt động sản xuất, kinh doanh như: Xăng dầu, gas, phân bón, vật liệu xây dựng đã “leo thang” trong thời gian gần đây, khiến cho nhiều mặt hàng hóa tiêu dùng khác cũng tăng giá theo.
Vì thế, khi nghe được thông tin Hội đồng Tiền lương quốc gia sẽ trình Chính phủ xem xét quyết định tăng lương tối thiểu vùng lên 6% từ ngày 1/7/2022, nhiều người lao động cảm thấy rất vui mừng, hồ hởi, vì sẽ giảm được gánh nặng chi phí tăng giá.
Chị Trần Thị Phương - công nhân một DN đang làm việc tại Khu công nghiệp Quang Minh (TP. Hà Nội) - cho biết: Hai vợ chồng làm công nhân, thu nhập cả làm thêm mỗi tháng cũng chỉ được hơn 10 triệu đồng, trong khi đó tiền thuê nhà, xăng xe và các chi phí sinh hoạt liên tục tăng cao. Do vậy, tăng lương tối thiểu vùng cũng hỗ trợ người lao động giảm bớt khó khăn, giảm gánh nặng tăng giá trong thời gian qua.
Cũng giống như chị Trần Thị Phương, chị Nguyễn Thị Yến, công nhân tại Khu công nghiệp thuộc quận Nam Từ Liêm (TP. Hà Nội) cho biết, giá cả từ đầu năm đến nay tăng nhiều, nhưng thu nhập của người lao động thì vẫn giữ nguyên không tăng. Cũng theo chị Nguyễn Thị Yến, nếu như 1, 2 năm trước đây, khi doanh nghiệp vẫn đang đối mặt với khó khăn thì người lao động không đòi hỏi tăng lương, còn bây giờ, tình hình dịch bệnh đã cải thiện, mọi thứ đã quay trở lại trạng thái bình thường mới, doanh nghiệp cũng có đủ đơn hàng để sản xuất, thì việc tăng lương cho người lao động là cần thiết.
“Chúng tôi đang rất mong chờ được tăng lương sau hơn 2 năm dịch bệnh, bởi thu nhập bị giảm do DN có những thời điểm không đủ đơn hàng để sản xuất, dẫn đến thu nhập không đủ chi phí sinh hoạt, nếu vẫn tiếp tục thì đời sống vô cùng khó khăn ” – chị Nguyễn Thị Yến khẳng định.
Giải thích về lý do tăng lương tối thiểu vùng lên 6%, ông Ngọ Duy Hiểu - Phó Chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam - cho rằng: 2 năm ảnh hưởng của dịch bệnh, Chính phủ không điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng, khiến người lao động gặp nhiều khó khăn.
“Thời điểm này, tăng lương vừa để hỗ trợ người lao động vượt qua khó khăn, đồng thời cũng chính là động lực để tăng năng suất lao động, giúp DN phục hồi nhanh, phát triển mạnh mẽ” - ông Ngọ Duy Hiểu thông tin thêm.
Cũng theo ông Ngọ Duy Hiểu, mặc dù phương án “chốt” cuối cùng thấp hơn phương án đại diện người lao động đưa ra, tuy nhiên các bên đều thể hiện sự chia sẻ với người lao động, DN và Chính phủ để cùng “nắm tay” nhau vượt qua khó khăn.
Doanh nghiệp chia sẻ, nhưng “khó càng thêm khó”!
Trước thông tin tăng lương tối thiểu vùng 6% kể từ ngày 1/7 tới đây sẽ được trình xin ý kiến của Thủ tướng Chính phủ, bà Bùi Thị Thanh Xuân - Giám đốc Công ty Cổ phần Basca Việt Nam - một DN nhỏ chuyên hoạt động trong lĩnh vực cung cấp vật liệu xây dựng chia sẻ: 2 năm qua, do diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, nên Chính phủ đã không tăng lương tối thiểu vùng, vì chia sẻ khó khăn với DN. Nhưng thời điểm hiện nay, mọi hoạt động của DN đã dần hồi phục trở lại, việc DN chia sẻ với người lao động là cần thiết.
Cũng theo bà Bùi Thị Thanh Xuân, mức tăng lương tối thiểu vùng được đề xuất tăng 6% không thể bù đắp được chi phí tăng giá thời gian qua, trong khi đó, tình hình lạm phát được dự báo sẽ tăng nữa trong thời gian tới, do đó việc tăng lương là cần thiết, thể hiện sự chia sẻ của Chính phủ và DN với người lao động.
Cũng đồng tình với quan điểm tăng lương tối thiểu vùng, đại diện Công ty Cổ phần Hơi kỹ nghệ Que Hàn cho rằng, hai năm qua, người lao động phải đối mặt với không ít khó khăn về sức khỏe, tài chính khi giá xăng dầu và nhiều mặt hàng hóa phục vụ sinh hoạt, đời sống cũng tăng nhanh, trong khi lương tối thiểu vùng vẫn giữ nguyên, nên việc tăng lương tối thiểu vùng là cần thiết.
Đồng tình với việc tăng lương, nhưng đại diện nhiều DN cũng cho rằng, với những DN nhỏ, sử dụng ít lao động thì việc tăng lương không ảnh hưởng nhiều, nhưng với những DN lớn, có số lao động làm việc lên tới hàng trăm, hàng ngàn lao động thì việc tăng lương cũng tác động rất lớn đến chi phí của DN. Vì vậy, chia sẻ với người lao động, nhưng cũng cần hài hòa lợi ích với DN.
Chia sẻ với phóng viên Báo Công Thương, đại diện một DN có vốn đầu tư nước ngoài có trụ sở tại tỉnh Vĩnh Phúc cũng cho biết, thực tế, lương DN trả cho người lao động hiện nay đã cao hơn mức tối thiểu vùng quy định. Cụ thể, lương tối thiểu vùng II hiện nay Chính phủ quy định là 3,920 triệu đồng thì hiện DN đã áp dụng hơn mức 4,3 triệu đồng. Nhưng đại diện DN trên cũng cho rằng, mức lương tối thiểu vùng tăng lên thì khoản đóng góp bảo hiểm cho người lao động mà DN phải chi trả cho người lao động sẽ cao hơn, điều này cũng gây khó cho DN trong bối cảnh 2 năm qua chịu ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19.
Cũng tâm lý lo lắng, theo ông Nguyễn Văn Hởi - đại diện Công ty TNHH Sản xuất và thương mại Thái Nam: Tăng lương tối thiểu thì khoản chi phí DN phải chi trả sẽ nhiều hơn. Trong bối cảnh DN như người “ốm còn chưa khỏi hẳn”, để duy trì sản xuất, tạo được công ăn việc làm ổn định cho người lao động, nhiều khi phải chấp nhận giảm lợi nhuận, chấp nhận cả những đơn hàng không có lãi để tạo việc làm cho công nhân, giúp họ có việc làm ổn định. Giờ lại tăng lương, các khoản đóng góp bảo hiểm cho người lao động cũng tăng lên, khiến DN đã khó càng thêm khó.
Ông Ngô Chí Dũng - Phòng Quản lý DN (Ban quản lý các Khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội) bày tỏ: Dịch bệnh Covid-19 kéo dài đã và đang gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống, việc làm, thu nhập của người lao động, khiến một bộ phận người lao động rơi vào hoàn cảnh rất khó khăn. Do vậy, việc điều chỉnh lương tối thiểu vùng khiến DN tăng thêm chi phí nhưng sẽ giúp người lao động trang trải phần nào cuộc sống. Tuy nhiên, với những DN không có và có ít đơn hàng thì việc tăng lương tối thiểu cũng là bài toán không đơn giản trong thời điểm này.
Nếu mức tăng lương tối thiểu lên 6% được áp dụng từ ngày 1/7/2022, vùng I sẽ tăng thêm 260.000 đồng/tháng, lên mức 4,68 triệu đồng/người/tháng; vùng II tăng thêm 240.000 đồng/tháng, lên mức 4,16 triệu đồng/người/tháng; vùng III tăng thêm 210.000 đồng/tháng, lên mức 3,64 triệu đồng/người/tháng; vùng IV tăng thêm 180.000 đồng/tháng, lên mức 3,25 triệu đồng/người/tháng.
Tăng lương tối thiểu vùng cần hài hòa lợi ích- Kỳ II: Đừng để tăng lương trở thành gánh nặng chi phí
Nhóm phóng viên