Tăng lương tối thiểu vùng: Đảm bảo quyền lợi cho người lao động
Mới đây, Chính phủ ban hành Nghị định số 38 điều chỉnh tăng mức lương tối thiểu vùng lên 6%, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2022. Chính sách mới này hướng tới mục tiêu hỗ trợ, đảm bảo quyền lợi, chính sách an sinh xã hội cho người lao động (NLĐ), nhất là trong thời điểm giá cả “leo thang” như hiện nay. Đồng thời, tạo động lực để tăng năng suất lao động, giúp doanh nghiệp (DN) phục hồi nhanh chóng sau ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Theo Nghị định số 38 của Chính phủ, mức lương tối thiểu tháng tăng bình quân 6% so với mức lương tối thiểu hiện hành. Các DN trên địa bàn tỉnh được áp dụng mức lương tối thiểu theo 2 vùng là vùng II và vùng III, cụ thể như sau: Mức lương tối thiểu tháng là 4.160.000 đồng/tháng, mức lương tối thiểu giờ là 20.000 đồng/giờ áp dụng đối với DN hoạt động trên địa bàn vùng II, gồm các huyện, thành phố Vĩnh Yên, Phúc Yên, Bình Xuyên, Yên Lạc; mức lương tối thiểu tháng là 3.640.000 đồng/tháng, mức lương tối thiểu giờ là 17.500 đồng/giờ áp dụng đối với DN hoạt động trên địa bàn vùng III, gồm các huyện còn lại.
Với những DN đã và đang thực hiện mức lương tối thiểu bằng hoặc cao hơn so với quy định tại Nghị định số 38 thì không phải điều chỉnh tăng lương. Tuy nhiên, với các DN đang trả lương thấp hơn mức lương tối thiểu vùng thì phải tăng lương cho NLĐ; nếu DN không điều chỉnh tăng mức lương cho NLĐ sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định.
Đồng chí Phùng Thị Hà, Chủ tịch Công đoàn các khu công nghiệp (KCN) tỉnh cho biết: "Nhằm san sẻ bớt khó khăn với NLĐ, hầu hết các DN ở các khu, cụm CN trên địa bàn tỉnh đều đã tiến hành điều chỉnh tăng mức lương cơ bản từ 4.200.000 đồng/người/tháng lên 4.600.000 đồng/người/tháng. Chính sách tăng lương thể hiện sự quan tâm, chia sẻ của Nhà nước tới đời sống công nhân lao động, tăng niềm tin, thu nhập, tạo cơ hội cho NLĐ gắn bó hơn với DN".
Theo các chuyên gia, việc điều chỉnh tiền lương tối thiểu vùng không chỉ giúp tăng mức lương thực nhận, mà mức đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp và tiền lương ngừng việc đều sẽ tăng lên.
Đây là ý nghĩa nhân văn của Nghị định số 38 của Chính phủ, nhằm đảm bảo an sinh xã hội, cải thiện cuộc sống cho NLĐ, giúp NLĐ có thêm khoản tiền để trang trải cuộc sống và bù đắp các khoản sinh hoạt phí, chi phí khác tăng cao trong thời gian qua.
Hồ hởi khi biết sắp được tăng lương, chị Trần Thị Tình, công nhân Công ty cổ phần Giày Vĩnh Yên, thành phố Vĩnh Yên chia sẻ: "Từ khi có thông tin về việc sắp được tăng lương, tôi cùng các đồng nghiệp rất vui mừng, phấn khởi, không khí làm việc trở nên sôi nổi hơn.
Hiện nay, giá các loại thực phẩm tăng cao so với cách đây gần 1 năm, mà đồng lương của mình thì vẫn vậy. Chưa kể, thời điểm nhiều công nhân gặp khó khăn do mắc Covid-19, tiền tiết kiệm tiêu xài hết, phải nhờ đến sự giúp đỡ của công ty và công đoàn mới vượt qua được khó khăn. Vì vậy được tăng lương, chúng tôi mừng lắm".
Ông Nguyễn Công Khanh, Chủ tịch Công đoàn Công ty cổ phần Giày Vĩnh Yên cho biết: "Việc điều chỉnh tiền lương tối thiểu vùng thời điểm này là cần thiết. Tại công ty, nhiều lao động biết tin này rất phấn khởi vì khi lương tăng, họ có thêm chi phí để trang trải cuộc sống, trả tiền thuê trọ.
Hơn 2 năm qua, công ty cũng đã có nhiều chính sách kịp thời để hỗ trợ NLĐ vượt qua khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Do đó, công ty hy vọng NLĐ sẽ hiểu những nỗ lực của DN để chia sẻ, đồng hành, thi đua nâng cao năng suất, hiệu quả sản xuất".
Nhằm đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của NLĐ, đồng thời triển khai thực hiện Nghị định số 38 của Chính phủ kịp thời, đúng quy định, Sở LĐ-TB&XH đã ban hành công văn, đề nghị các cơ quan, đơn vị phối hợp tuyên truyền, phổ biến, giúp NLĐ và người sử dụng lao động tiếp cận và hiểu rõ các quy định về mức lương tối thiểu theo tháng, theo giờ; các vùng áp dụng mức lương tối thiểu; quy định về thực hiện các thỏa thuận có liên quan đến mức lương tối thiểu.
LĐLĐ các cấp, Công đoàn các KCN hỗ trợ kịp thời các DN để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của NLĐ; rà soát tiêu chuẩn, điều kiện lao động để chủ động đề xuất và đối thoại, thương lượng với người sử dụng lao động nhằm xác lập các thỏa thuận về tiền lương, các điều kiện lao động khác có lợi hơn cho NLĐ so với quy định của pháp luật; kịp thời hướng dẫn, hỗ trợ NLĐ, công đoàn cơ sở giải quyết các vướng mắc, tranh chấp phát sinh trong quan hệ lao động tại DN…