Tăng lương tối thiểu vùng: Không thể chậm trễ
Tại Dự thảo tờ trình Chính phủ Nghị định quy định mức lương tối thiểu đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã đề xuất lương tối thiểu tăng bình quân 6% (tương ứng tăng từ 180.000 đồng - 260.000 đồng) so với mức lương tối thiểu hiện hành, áp dụng từ ngày 1.7.2022.
Nhảy việc vì lương không đủ sống
“Tính đến nay, tôi đi làm được 9 năm thì phải chuyển việc tới 4 lần vì lương thấp quá nên phải thường xuyên chuyển công ty. Nhưng, làm ở đâu tổng thu nhập cả làm thêm cũng chỉ được đến 8 triệu đồng/tháng. Thời gian trước, do ảnh hưởng của dịch Covid, có nhiều tháng tổng thu nhập chỉ 4 triệu đồng. Rồi những tháng cao điểm do dịch thì còn phải nghỉ không lương trong khi gia đình gồm 4 người sinh sống, cuộc sống ngày càng khó khăn” - chị Đặng Thị Mến, công nhân đang làm việc tại Khu công nghiệp Thăng Long II (Yên Mỹ, Hưng Yên) chia sẻ.
Kết quả khảo sát do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam thực hiện trong tháng 3.2022 với 1.533 người lao động trả lời phiếu tại 6 tỉnh, thành phố cho thấy, mức lương người lao động nhận được không đủ trang trải nhu cầu sống tối thiểu của họ và gia đình. Có tới 46,2% người lao động được hỏi cho biết họ phải làm thêm giờ để có thêm thu nhập, trang trải cuộc sống.
Tại Dự thảo Tờ trình Chính phủ Nghị định quy định mức lương tối thiểu đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã đề xuất lương tối thiểu tăng bình quân 6% so với mức lương tối thiểu hiện hành, áp dụng từ ngày 1.7.2022. Từ thế cho thấy, từ đầu năm 2020 đại dịch Covid-19 đã tác động tiêu cực đến kinh tế, xã hội, sản xuất, kinh doanh, việc làm và đời sống của người lao động nên Chính phủ đã duy trì mức lương tối thiểu vùng quy định tại Nghị định số 90/2019/NĐ-CP cho đến nay theo Khuyến nghị của Hội đồng tiền lương quốc gia. Tuy nhiên, hiện tại mức lương tối thiểu vùng này không còn bảo đảm được mức sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ theo quy định của Bộ luật Lao động. Theo tính toán của Bộ phận kỹ thuật thuộc của Hội đồng tiền lương Quốc gia, mức lương tối thiểu hiện hành thấp hơn khoảng 1,3% so với mức sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ của năm 2022. Đặc biệt, hiện thị trường lao động đang trong tình trạng chênh lệch cung - cầu, thiếu hụt nguồn cung lao động ở nhiều ngành, địa phương, nhiều lao động do đại dịch Covid-19 phải thôi việc, ngừng việc quay về quê hiện đang thiếu động lực quay trở lại làm việc.
Trong bối cảnh đó, tình hình quan hệ lao động trong các doanh nghiệp hiện nay đang có xu hướng thiết lập lại các điều kiện lao động giữa người lao động và người sử dụng lao động, đang tiềm ẩn những mâu thuẫn, phức tạp, có thể phát sinh thành các tranh chấp. Đa số người lao động hiện nay đều có mong muốn người sử dụng lao động điều chỉnh tăng tiền lương, phụ cấp lương và cải thiện các chế độ đãi ngộ khác cho phù hợp với bối cảnh phục hồi kinh tế. Nhiều cuộc đình công xảy ra từ đầu năm đến nay đều xuất phát từ mong muốn này của người lao động.
Tăng lương có tăng gánh nặng cho doanh nghiệp?
Từ thực tiễn cùng với khuyến nghị của Hội đồng Tiền lương quốc gia, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đề xuất các mức lương tối thiểu tháng theo 4 vùng, cụ thể, vùng I là 4.680.000 đồng/tháng, vùng II là 4.160.000 đồng/tháng, vùng III là 3.640.000 đồng/tháng, vùng IV là 3.250.000 đồng/tháng. Thời điểm thực hiện mức lương tối thiểu vùng từ ngày 1.7.2022 như Hội đồng tiền lương quốc gia đã khuyến nghị với Chính phủ. “Mức điều chỉnh này có sự chia sẻ, hài hòa lợi ích của người lao động và doanh nghiệp, vừa chú ý cải thiện đời sống cho người lao động, vừa chú ý đến việc bảo đảm duy trì, phục hồi và phát triển sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. 100% thành viên Hội đồng tiền lương quốc gia thống nhất và khuyến nghị với Chính phủ điều chỉnh theo mức này”, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội nêu rõ.
Theo tính toán của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, phương án lương tối thiểu nêu trên đã tính đến các tác động về việc làm, thất nghiệp, điều kiện sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, mức độ ảnh hưởng đến chi phí sản xuất của doanh nghiệp. Việc đề xuất tăng lương tối thiểu vùng nhận được sự đồng tình lớn của giới chuyên gia.
Theo PGS, TS. Đinh Trọng Thịnh, giảng viên Học viện Tài chính, việc tăng lương tối thiểu vùng sẽ giúp doanh nghiệp phục hồi sản xuất, thu hút lao động, động viên lao động gắn bó tốt hơn với người sử dụng lao động. “Tăng lương tối thiểu chỉ ảnh hưởng trực tiếp chi phí của doanh nghiệp trong ngắn hạn. Tuy nhiên, ngay cả trong ngắn hạn, tăng lương tối thiểu chỉ tác động phần lương căn bản mà không phải tăng các khoản phụ cấp hay tổng thu nhập của người lao động”, ông Thịnh cho biết. Còn TS. Đỗ Quỳnh Chi, Trung tâm Nghiên cứu quan hệ lao động (ERC) cho rằng, tăng lương, người lao động lẫn doanh nghiệp đều được hưởng lợi. Bởi, tăng lương là một trong những giải pháp để giữ chân người lao động. Do đó, sẽ giúp doanh nghiệp giảm chi phí tuyển mới và đào tạo lại lao động.
Thực tế, công nhân trong doanh nghiệp hiện chỉ chiếm khoảng 15% dân số và khoảng 27% lực lượng lao động xã hội nhưng đã đóng góp trên 75% ngân sách và trên 65% GDP của cả nước. Nhưng do nhiều nguyên nhân, thu nhập bình quân của công nhân lao động đang ở mức thấp nhất trong nhiều năm trở lại đây. Chính vì vậy, việc Chính phủ sớm điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng trong bối cảnh hiện nay là rất cần thiết, vừa tạo điều kiện cho công nhân lao động sớm cải thiện cuộc sống, vừa hỗ trợ tích cực cho hai bên trong việc xây dựng quan hệ lao động hài hòa ổn định và tiến bộ, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.
Thông thường, mức lương tối thiểu vùng được xem xét, điều chỉnh sau 1 năm thực hiện. Tuy nhiên, do từ đầu năm 2020, đại dịch Covid-19 đã tác động tiêu cực đến kinh tế, xã hội, sản xuất, kinh doanh, việc làm và đời sống của người lao động nên Chính phủ đã duy trì mức lương tối thiểu vùng quy định tại Nghị định số 90/2019/NĐ-CP cho đến nay (trên 2 năm) theo Khuyến nghị của Hội đồng tiền.