Tăng mạng lưới tàu điện ngầm kết nối tiện lợi
Hệ thống tàu điện ngầm (metro) ở nhiều thành phố trên thế giới, nhất là tại châu Á, ngày càng phát triển mạnh và gia tăng tính kết nối với các tiện ích như tòa nhà văn phòng, khu mua sắm, trường học, bệnh viện và cả sân bay, tạo thành mạng lưới sinh hoạt ngầm ngày càng đa dạng, vượt trội cả trên mặt đất.
Tính kết nối cao
Báo cáo của World Metro Figures trong năm 2021 cho biết, trong số gần 160 hệ thống metro đang hoạt động trên khắp thế giới, gần 2/3 là ở châu Âu và châu Á, và gần một nửa trong số 2/3 này nằm ở đô thị châu Á. Nước có nhiều hệ thống tàu điện ngầm nhất là Trung Quốc, với 44 hệ thống đang hoạt động. Về độ dài, metro Thượng Hải, Trung Quốc là mạng lưới tàu điện ngầm dài nhất thế giới với 803km, thứ 2 và thứ 3 cũng thuộc về các metro Trung Quốc, với metro Bắc Kinh dài 762km và Quảng Châu dài 621km. Về lượng khách đi tàu, metro Thượng Hải đứng đầu với 2,83 tỷ lượt hành khách/năm, thứ 2 là Tokyo (Nhật Bản) 2,75 tỷ lượt/năm và thứ 3 là Quảng Châu 2,4 tỷ lượt khách/năm.
Hệ thống tàu điện ngầm Bắc Kinh bao gồm 25 tuyến, trong đó có 20 tuyến vận chuyển nhanh, 2 tuyến đường sắt sân bay, 1 tuyến tàu đệm từ và 2 tuyến đường sắt hạng nhẹ. Tàu điện ngầm Bắc Kinh mở cửa vào năm 1971, là hệ thống tàu điện ngầm lâu đời nhất ở Trung Quốc và trên lục địa Đông Á, trải rộng và kết nối gần như tất cả các địa điểm trong nội đô Bắc Kinh cũng như kết nối với khu vực ngoại ô qua các điểm tiếp nối với các tuyến xe lửa truyền thống.
Tính kết nối giữa các trạm metro ở Singapore cho chúng ta thấy những ví dụ về cách khuyến khích mọi người đi bộ. Các liên kết, chủ yếu là ngầm, được kết nối với các nhánh rẽ đến các lối ra dẫn đến khách sạn, văn phòng và các tòa nhà dân cư, quán cà phê, nhà hàng và cửa hiệu. Thậm chí, còn có các phòng tập thể dục và các địa điểm vui chơi dọc theo một số trạm. Các kết nối ngầm của Singapore tương tự ở Tokyo và Yokohama (Nhật Bản), tức chỉ cần đi bộ dưới lòng đất và đến điểm đến của mình mà không cần phải lên mặt đất. Điều này đặc biệt thuận lợi và thoải mái trong mùa hè, khi thời tiết nóng bức trở nên bất lợi cho việc đi bộ ngoài trời. Các trung tâm vận chuyển hoặc kết nối dưới lòng đất thường được lắp máy lạnh hoặc không khí được bơm vào để thông gió. Do đó, nhiệt độ thấp hơn đáng kể so với mặt đất.
Vào mùa đông, sinh hoạt và đi lại ở hệ thống các ga metro ngầm cũng sẽ bớt lạnh hơn so với ngoài trời. Nhiều ga tàu điện ngầm được kết nối trực tiếp với các trung tâm mua sắm dưới lòng đất và các khu chợ thực phẩm trải ra các khu vực rộng lớn của quốc đảo. Vì vậy, trên thực tế, bạn có thể đi bộ ở hầu hết trung tâm của Singapore mà không bao giờ xuất hiện dưới ánh sáng mặt trời. Hệ thống metro cũng kết nối với sân bay. Ga tàu điện ngầm Changi Airport, Singapore chuyên phục vụ sân bay Changi. Đây là ga cuối của chi nhánh sân bay Changi của tuyến Đông Tây (EWL). Hai đầu của nhà ga kết nối trực tiếp với nhà ga số 2 và số 3 của sân bay Changi. Tuyến nhánh 2 ga hiện tại khai trương vào ngày 8-2-2002. Hiện đã có kế hoạch mở thêm tuyến metro kết nối với nhà ga số 5 trong tương lai của sân bay Changi.
Tại vùng lãnh thổ Đài Loan, metro kết nối với sân bay quốc tế Đào Viên, thường được gọi là metro sân bay, là tuyến tàu điện ngầm trung chuyển nhanh kết nối các TP Đài Bắc, Tân Đài Bắc và Đào Viên với sân bay quốc tế Đào Viên. Tuyến dài 51,03km từ ga chính Đài Bắc đến Huanbei, có 21 ga và bắt đầu đưa vào hoạt động thương mại vào ngày 2-3-2017. Một phần mở rộng đến ga đường sắt Zhongli qua sông Laojie đang được xây dựng, với nhà ga trên sông Laojie dự kiến mở cửa trong năm 2022 và phần mở rộng đầy đủ dự kiến hoàn thành vào năm 2028.
Áp dụng công nghệ cao
Khi Trung Quốc đẩy mạnh xây dựng các thành phố thông minh, các công nghệ mới ngày càng được đầu tư nhiều trong các hệ thống giao thông đường sắt đô thị. Nhờ công nghệ kỹ thuật số, tàu điện ngầm ở Trung Quốc không chỉ có thể hoạt động như một phương tiện giao thông thuận tiện và nhanh chóng, mà còn đáp ứng nhu cầu đa dạng của mọi người, cung cấp nhiều loại dịch vụ.
Ga Lushuidao dọc theo tuyến tàu điện ngầm số 6 (giai đoạn 2) ở TP Thiên Tân phía Bắc Trung Quốc được thiết kế để thực hiện 20 chức năng dựa trên công nghệ thông minh, bao gồm dịch vụ hành khách thông minh, lập bản đồ nhiệt lượng hành khách, điều khiển tự động các hệ thống và thiết bị khác nhau, cũng như hệ thống chiếu sáng thông minh. Thông qua nền tảng vận hành toàn diện tại phòng điều khiển trung tâm của nhà ga, các sự cố được phát hiện kịp thời mà không cần nhân viên có mặt tại các nhà ga. Các cảm biến được lắp đặt trong các trạm metro có thể thu thập dữ liệu về carbon dioxide, sulfur dioxide, nhiệt độ, độ ẩm và các chất dạng hạt mịn (PM 2.5) 24 giờ/ngày. Hệ thống chiếu sáng thông minh, hệ thống nước, điều hòa không khí sử dụng công nghệ tiết kiệm điện một cách hiệu quả.
Tại ga Guoduxi của tuyến tàu điện ngầm số 6 ở Tây An, thủ phủ của tỉnh Thiểm Tây phía Tây Bắc Trung Quốc, một “tiếp viên” ảo dựa trên trí tuệ nhân tạo (AI) đóng vai trò trợ lý thông tin với giọng nói của con người và các kỹ năng giao tiếp giúp hành khách tìm kiếm thông tin. Hành khách có thể tương tác với “tiếp viên” ảo thông qua việc sử dụng màn hình cảm ứng, hoặc ra lệnh bằng giọng nói. Tuyến tàu điện ngầm Tây An số 6 là tuyến đầu tiên ở Trung Quốc áp dụng hệ thống kiểm tra an ninh thông minh cho toàn tuyến, với các công nghệ liên quan như nhận dạng thông minh, phân tích hình ảnh thông minh và kết nối thông minh, có thể đảm bảo rằng hành khách và đồ đạc cá nhân của họ được kiểm tra an ninh một cách hiệu quả. Các tàu điện ngầm ở các thành phố khác nhau trên khắp Trung Quốc đã triển khai các hệ thống thông minh đa dạng để đảm bảo an toàn cho người dân, đóng góp tích cực vào việc kiểm soát dịch bệnh.
Hiện một số thủ đô và thành phố lớn của 6 trong số 11 quốc gia ASEAN có hệ thống tàu điện ngầm đang hoạt động hoặc đang được xây dựng, trong đó Singapore và Kuala Lumpur (Malaysia) đã có mạng lưới tàu điện ngầm trong nhiều năm. Bangkok (Thái Lan) có cả tàu điện ngầm và hệ thống tàu điện trên cao hơn 10 năm nay. Jakarta (Indonesia) khánh thành tuyến đầu tiên cả dưới lòng đất và trên cao vào đầu năm 2019. Hà Nội và TPHCM của Việt Nam đang thi công các tuyến metro. Manila (Philippines) có dự án metro đầu tiên dự kiến hoạt động vào năm 2025. Lào, Myanmar, Campuchia, Brunei, Timor Leste chưa có tàu điện ngầm.
Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn//tang-mang-luoi-tau-dien-ngam-ket-noi-tien-loi-837886.html