Tăng mạnh liên kết sản xuất
Trước tình hình giá gạo Việt Nam cao nhất thế giới, giá lúa tươi ở ĐBSCL cũng liên tục xác lập kỷ lục mới, nhiều doanh nghiệp (DN) đã chủ động liên kết với nông dân, hợp tác xã (HTX) xây dựng vùng nguyên liệu, đáp ứng yêu cầu cho đơn hàng năm 2024. Diện tích liên kết tăng mạnh là xu thế tất yếu, hướng đến sản xuất nông nghiệp bền vững hơn.
Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Nguyễn Sĩ Lâm, giá lúa duy trì ở mức cao, nên năm 2023, toàn tỉnh xuống giống hơn 616.000ha lúa, nếp (tăng hơn 8.800ha so cùng kỳ năm 2022). Trong đó, cơ cấu giống lúa chất lượng cao và lúa thơm chiếm hơn 75% diện tích sản xuất. Năng suất lúa ở An Giang dẫn đầu khu vực ĐBSCL, sản lượng lúa cả năm 2023 đạt gần 4,1 triệu tấn (tăng hơn 152.000 tấn so cùng kỳ). Đối với cây ăn trái, diện tích gieo trồng đến nay đạt gần 20.000ha, tổng sản lượng thu hoạch khoảng 234.000 tấn, tăng 16.000 tấn. Trong khi đó, rau màu gieo trồng gần 49.600ha, tăng hơn 1.080ha, năng suất ổn định.
Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn An Giang Nguyễn Văn Hinh cho biết, năm 2023, có 30 DN trong, ngoài tỉnh đăng ký liên kết sản xuất và tiêu thụ lúa, nếp với diện tích 96.601ha (41.136ha vụ đông xuân 2022 - 2023, 33.676ha vụ hè thu 2023, 22.789ha vụ thu đông 2023). Các DN hiện đang đẩy mạnh thu mua vụ thu đông. Ước đến ngày 31/12/2023, diện tích liên kết lúa, nếp đạt 109.812ha (do vụ thu đông 2023 vượt kế hoạch, ước đạt 35.000ha).
Đối với rau màu, có 10 DN, cùng các HTX, chợ đầu mối, siêu thị, thương lái liên kết sản xuất, tiêu thụ 30.721ha (đông xuân 15.706ha, hè thu 13.737ha, thu đông 1.218ha). Ước cuối năm 2023, diện tích thực hiện đạt 40.721ha (do vụ thu đông 2023 ước đạt 11.218ha). Các đầu mối liên kết tiêu thụ cây ăn trái với diện tích 17.797ha (xoài 14.847ha, còn lại 2.950ha chuối, nhãn, sầu riêng, mít, cây có múi).
Nhằm cụ thể hóa nhiệm vụ hỗ trợ liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, Chi cục Phát triển nông thôn An Giang tham mưu Sở NN&PTNT ban hành Công văn 2599/SNNPTNT-CCPTNT, ngày 14/11/2023 về phối hợp họp dân tuyên truyền liên kết sản xuất. Qua đó, đẩy nhanh triển khai phương thức hỗ trợ DN, HTX và nông dân tham gia phát triển kinh tế tập thể, HTX gắn với liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, hướng tới bền vững.
Ông Nguyễn Văn Hinh thông tin, dự kiến năm 2024, khoảng 30 DN có kế hoạch liên kết sản xuất và tiêu thụ 430.989ha lúa, nếp (vụ đông xuân 2023 - 2024 là 144.189ha, vụ hè thu 2024 là 147.540ha, vụ thu đông 2024 là 139.260ha), tăng rất mạnh so năm 2023 (109.812ha). Trong đó, Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời tăng diện tích liên kết thêm 267.750ha, Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu An Giang (Angimex) tăng thêm 15.211ha, Công ty Cổ phần Quốc Tế Gia tăng thêm 12.671ha, Công ty Đại Dương Xanh tăng thêm 6.009ha, Công ty TNHH MTV Hiệp Ngọc tăng thêm 5.955ha, Công ty TNHH Xay xát Ba Đạt tăng thêm 4.921ha, Công ty TNHH ADC tăng thêm 3.900ha, Công ty TNHH Angimex Kitoku tăng thêm 1.923ha… Riêng 17 DN sản xuất lúa giống trên địa bàn tỉnh tăng thêm 34.008ha.
Đối với rau màu, 8 DN lớn có kế hoạch liên kết và tiêu thụ 40.721ha (đông xuân 15.706,5ha, hè thu 13.737ha, thu đông 11.218ha), trong đó diện tích thông qua liên kết với thương lái tiêu thụ tại chợ, siêu thị từ 10.000 ha/vụ. Với cây ăn trái, sản lượng liên kết năm 2024 khoảng 140.000 tấn, trong đó 14 DN có nhu cầu liên kết và tiêu thụ 25.500 tấn; sản lượng được tiêu thụ thông qua vựa xoài, thương lái và siêu thị (Co.opmart, Bách Hóa Xanh, Winmart, Mega Market Long Xuyên…) khoảng 114.500 tấn.
“So với diện tích liên kết, tiêu thụ năm 2023, kế hoạch liên kết sản xuất sản phẩm trồng trọt năm 2024 tăng về diện tích thực hiện, đòi hỏi các công ty, DN tham gia phải nhân rộng diện tích ký kết hợp đồng, đáp ứng chỉ tiêu đề ra” - ông Hinh thông tin.
Ngày 7/11/2023, Sở NN&PTNT, Hội Nông dân tỉnh, Liên minh HTX tỉnh và Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời ký kết thỏa thuận hợp tác 4 bên về tham gia liên kết sản xuất, tiêu thụ lúa giai đoạn 2024 - 2030 trên địa bàn tỉnh. Nhằm cụ thể hóa các nội dung, nhiệm vụ theo thỏa thuận, Chi cục Phát triển nông thôn An Giang đã tham mưu Sở NN&PTNT ban hành Công văn 2611/SNNPTNT-CCPTNT, gửi các đơn vị trực thuộc Sở NN&PTNT, phòng NN&PNTT huyện, phòng kinh tế thị xã, thành phố để triển khai.
Chi cục Phát triển nông thôn An Giang còn phối hợp Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật An Giang tham mưu Sở NN&PTNT các kế hoạch hỗ trợ DN liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm trong lĩnh vực trồng trọt, như: Hỗ trợ Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời họp dân tuyên truyền về liên kết sản xuất; hỗ trợ Công ty TNHH XNK TMDV Vina T&T khảo sát tình hình sản xuất và liên kết tiêu thụ sầu riêng, nhãn, bưởi trên địa bàn tỉnh; hỗ trợ Công ty Cổ phần Rau quả thực phẩm An Giang (Antesco) triển khai vùng nguyên liệu bắp non và đậu nành rau tại huyện Chợ Mới, Thoại Sơn, Phú Tân… Qua đó, tạo điều kiện thuận lợi, khuyến khích DN đẩy mạnh liên kết sản xuất, xây dựng vùng nguyên liệu ổn định, bền vững.
Nguồn An Giang: https://baoangiang.com.vn/tang-manh-lien-ket-san-xuat-a381611.html