Tăng men gan ở bệnh nhân đái tháo đường, có nên dùng thuốc bổ gan?
Tăng men gan ở bệnh nhân đái tháo đường có thể do nhiều nguyên nhân gây ra. Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, tăng men gan có thể dẫn đến những biến chứng khó lường, ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe...
1. Nguyên nhân gây tăng men gan ở bệnh nhân đái tháo đường
Theo TS.BS. Nguyễn Quang Bảy, Trưởng khoa Nội tiết - Đái tháo đường, Bệnh viện Bạch Mai, đái tháo đường là bệnh lý mạn tính, đòi hỏi người bệnh cần tuân thủ sử dụng thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ để kiểm soát đường huyết trong giới hạn cho phép, đồng thời ngăn ngừa các biến chứng của đái tháo đường có thể xảy ra.
Tuy nhiên, thuốc là con dao hai lưỡi. Khi vào cơ thể, thuốc được chuyển hóa qua 2 cơ quan chính là gan và thận. Ở bệnh nhân đái tháo đường, đường huyết cao có thể gây biến chứng ở gan, thận, cộng thêm gánh nặng chuyển hóa thuốc, có thể dẫn đến tăng men gan, suy thận... Do đó, bác sĩ có thể chỉ định bệnh nhân thực hiện các xét nghiệm đánh giá chức năng gan, thận định kỳ, từ đó đưa ra những điều chỉnh phù hợp trong điều trị.
Ngoài ra, tăng men gan ở bệnh nhân đái tháo đường có thể do các nguyên nhân như:
- Tình trạng gan nhiễm mỡ không do rượu: Phần lớn bệnh nhân mắc đái tháo đường type 2, có kèm theo thừa cân, béo phì, rối loạn mỡ máu và gan nhiễm mỡ không do rượu.
- Viêm gan virus B hoặc C: Nhiều bệnh nhân đái tháo đường có thể bị viêm gan virus B hoặc C từ trước hoặc trong quá trình điều trị bị mắc thêm, dẫn đến tăng men gan.
- Tự ý dùng thêm thuốc bổ hoặc thực phẩm chức năng: Không ít trường hợp người bệnh tự ý sử dụng các thuốc theo lời mách bảo của những người xung quanh... Đôi khi, những loại thuốc này có độc chất rất cao vì không được tinh chế, kiểm nghiệm, đánh giá tính an toàn, có thể dẫn đến làm tăng men gan và nhiều tác hại khó lường khác.
- Uống rượu: Nghiện rượu, thường xuyên sử dụng bia rượu cũng là nguyên nhân phổ biến gây tăng men gan, thường gặp ở nhóm bệnh nhân đái tháo đường là nam giới, trong độ tuổi từ 40 - 50 tuổi.
2. Người bệnh đái tháo đường có nên dùng thuốc bổ gan?
TS.BS. Nguyễn Quang Bảy cho biết, để đạt mục tiêu kiểm soát đường huyết, người bệnh đái tháo đường cần tuân thủ dùng các thuốc hạ đường huyết, hạ huyết áp hay mỡ máu... theo đúng chỉ định của bác sĩ; không nên tự ý sử dụng thêm bất kỳ loại thuốc nào mà chưa tham khảo ý kiến của bác sĩ, kể cả 'thuốc bổ gan'.
Tự ý sử dụng thuốc 'bổ gan' có thể thành 'đại hại' cho người bệnh, TS.BS. Nguyễn Quang Bảy nhấn mạnh. Các thuốc chính thống được chỉ định trong điều trị đái tháo đường, huyết áp hay mỡ máu... đều được FDA (Mỹ) hay các cơ quan quản lý dược khác cấp phép cho lưu hành trên thị trường, đảm bảo tính hiệu quả, an toàn cho người sử dụng.
Một nghiên cứu trên 180.000 bệnh nhân, điều trị thuốc mỡ máu statin trong vòng 3 năm thấy chỉ có 300 người bị tăng men gan nhẹ (ở mức dưới 3 lần bình thường), trong khi đó ở nhóm so sánh, không dùng thuốc gì, cũng có 200 người bị tăng men gan. Do đó, nguy cơ tác dụng phụ của những loại thuốc này trên gan rất thấp, người bệnh không cần thiết phải sử dụng thuốc bổ gan khi bác sĩ chưa chỉ định.
3. Điều trị tăng men gan ở bệnh nhân đái tháo đường
TS.BS. Nguyễn Quang Bảy cho biết, thông thường ở giai đoạn sớm, tăng men gan không có triệu chứng đặc hiệu nên rất khó phát hiện. Người bệnh có thể đầy tức bụng, đau bụng, mệt mỏi, chán ăn... Vì vậy, sau 3 - 6 tháng, mọi người bệnh đái tháo đường nên kiểm tra định kỳ chức năng gan, thận. Nếu phát hiện có tăng men gan, việc điều trị sớm sẽ đạt được hiệu quả cao hơn.
- Với bệnh nhân bị tăng men gan do tác dụng phụ của thuốc đái tháo đường, người bệnh cần tuân thủ hướng dẫn của bác sĩ. Đối với trường hợp tăng men gan nhẹ (ở mức dưới 3 lần bình thường), bác sĩ có thể điều chỉnh liều thuốc hoặc tạm ngừng thuốc trong thời gian ngắn, men gan sẽ trở về bình thường. Người bệnh tuyệt đối, không được tự ý dùng thuốc bổ gan, mát gan mà có thể gây gánh nặng thêm cho gan.
- Với trường hợp người bệnh đái tháo đường có tăng men gan do gan nhiễm mỡ không do rượu, có thể dùng statin kết hợp với kiểm soát tốt cân nặng, đường huyết... Các thuốc này có tác dụng làm giảm men gan rất hiệu quả.
- Với một số bệnh nhân đái tháo đường có tăng men gan do viêm gan virus, nếu chỉ dùng thuốc "bổ gan" mà không tập trung vào chữa viêm gan virus thì men gan không những không giảm mà có thể làm trầm trọng thêm bệnh gan.
Không có loại thuốc bổ gan nào có thể giúp làm hạ men gan nếu không điều trị triệt để nguyên nhân gây bệnh, chưa kể, các thuốc được quảng cáo là "bổ gan" thường khá đắt tiền. Việc người bệnh tự ý sử dụng rất dễ rơi vào tình trạng "tiền mất tật mang".
TS. BS. Nguyễn Quang Bảy nhấn mạnh.
Mời bạn đọc xem tiếp video: