Tăng mức phạt nhiều hành vi vi phạm giao thông

Chính phủ vừa ban hành Nghị định 123/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng hải; giao thông đường bộ, đường sắt, hàng không dân dụng (gọi tắt Nghị định 123). Theo đó, nhiều mức phạt vi phạm giao thông tăng nặng kể từ ngày 1-1-2022.

Người điều khiển xe máy không đội mũ bảo hiểm sẽ bị phạt tiền từ 400-600 ngàn đồng kể từ ngày 1-1-2022. Ảnh: Thanh Hải

Người điều khiển xe máy không đội mũ bảo hiểm sẽ bị phạt tiền từ 400-600 ngàn đồng kể từ ngày 1-1-2022. Ảnh: Thanh Hải

* Tăng các mức phạt với người điều khiển xe máy

Nghị định 123 thay thế Nghị định 100/2019/NĐ-CP ngày 31-12-2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt (gọi là Nghị định 100). Đáng chú ý, rất nhiều vi phạm đối với người điều khiển xe máy sẽ tăng nặng mức phạt so với các quy định trước đây.

Cụ thể, Khoản 10, Điều 2 Nghị định 123 quy định mức phạt tiền từ 300-400 ngàn đồng đối với người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy khi điều khiển xe gắn biển số không đúng quy định; gắn biển số không rõ chữ, số; gắn biển số bị bẻ cong, bị che lấp, bị hỏng; sơn, dán thêm làm thay đổi chữ, số hoặc thay đổi màu sắc của chữ, số, nền biển.

Nghị định 123 nêu rõ, người điều khiển xe máy không nhường đường hoặc gây cản trở xe được quyền ưu tiên bị phạt 1-2 triệu đồng, tước giấy phép lái xe 1-3 tháng (trước đây là phạt 600 ngàn đến 1 triệu đồng, tước giấy phép 1-3 tháng). Người lái xe máy điều khiển xe sản xuất, lắp ráp trái quy định tham gia giao thông bị phạt 2-3 triệu đồng. Người lái xe máy không có giấy phép lái xe hoặc sử dụng giấy phép lái xe không do cơ quan có thẩm quyền cấp, tẩy xóa, không hợp lệ sẽ bị phạt 1-2 triệu đồng.

Đáng chú ý, theo Nghị định 123, người đi xe máy không đội mũ bảo hiểm có thể bị phạt đến 600 ngàn đồng. Mức phạt này tăng hơn 2-3 lần so với quy định tại Nghị định 100.

Tại Điểm b, Khoản 4, Điều 2 Nghị định 123, người điều khiển xe có các hành vi sau đây sẽ bị phạt tiền từ 400-600 ngàn đồng: không đội mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy hoặc đội mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy nhưng không cài quai đúng quy cách khi điều khiển xe tham gia giao thông trên đường bộ; chở người ngồi trên xe không đội mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy hoặc đội mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy không cài quai đúng quy cách, trừ trường hợp chở người bệnh đi cấp cứu, trẻ em dưới 6 tuổi, áp giải người có hành vi vi phạm pháp luật.

Ông Lê Văn Đại (ngụ P.Trảng Dài, TP.Biên Hòa) cho biết, thói quen đội mũ bảo hiểm khi lưu thông trên đường đã vào nề nếp với nhiều người nhưng vẫn còn một bộ phận thanh thiếu niên “quên” việc chấp hành. Vì vậy, mức phạt như trước đây (200-300 ngàn đồng) không đủ sức răn đe, khiến họ không sợ. “Tôi tán thành việc tăng mức phạt với hành vi này để một lần bị phạt thì người vi phạm sẽ sợ, những lần sau nhớ và chấp hành đúng quy định. Đội mũ bảo hiểm vừa thể hiện văn hóa giao thông, vừa bảo vệ bản thân nếu không may xảy ra tai nạn” - ông Đại nói.

* Xử phạt nặng để răn đe

Không chỉ tăng nặng với các vi phạm liên quan đến người điều khiển xe máy mà theo Nghị định 123 thì các mức phạt đối với xe ô tô cũng tăng cao. Tăng mức phạt tiền lên 3-5 triệu đồng, tước giấy phép 1-3 tháng với các hành vi lái xe có giấy chứng nhận hoặc tem kiểm định an toàn kỹ thuật đã hết hạn sử dụng dưới 1 tháng; lái xe không đủ hệ thống hãm hoặc hãm không đúng tiêu chuẩn.

Mức xử phạt tăng lên
14-16 triệu đồng đối với chủ ô tô đưa phương tiện không có giấy đăng ký xe tham gia giao thông hoặc hết hạn sử dụng; đưa phương tiện có giấy chứng nhận đăng ký xe tạm thời, tham gia giao thông quá thời hạn, tuyến đường, phạm vi cho phép.

Ngoài ra, các vi phạm trên đường cao tốc cũng bị tăng nặng như: lái xe chạy ở làn dừng khẩn cấp bị phạt 6-8 triệu đồng; dừng xe, đậu xe trên đường cao tốc không đúng nơi quy định, quay đầu xe trên đường cao tốc bị phạt 10-12 triệu đồng, tước giấy phép 2-4 tháng; đón, trả hành khách trên đường cao tốc bị phạt 10-12 triệu đồng.

Theo Bộ GT-VT (cơ quan tham mưu Nghị định 123) việc gom và sửa đổi 3 nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng hải; giao thông đường bộ, đường sắt; hàng không thành Nghị định 123 nhằm thực hiện chỉ đạo của Chính phủ để đồng bộ với Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2020 thực hiện từ ngày 1-1-2022.

Ngoài ra, sau 2 năm thực hiện Nghị định 100, mức xử phạt đối với một số hành vi vi phạm chưa phù hợp, cần phải điều chỉnh. Do đó, việc tăng nặng một số mức phạt nhằm đáp ứng yêu cầu bảo đảm trật tự an toàn giao thông, tăng cường ý thức chấp hành pháp luật về giao thông đối với người dân; đồng thời, bảo vệ kết cấu hạ tầng và tăng mức răn đe đối với các hành vi nguy hiểm.

Đại diện Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh phân tích, tăng chế tài xử phạt vi phạm vào thời điểm này là cần thiết khi mà các hành vi vi phạm giao thông đang có dấu hiệu gia tăng trong thời gian qua. Đơn cử như hành vi đua xe trái phép đối với xe máy, xe đạp điện trước đây bị phạt 7-8 triệu đồng thì nay tăng lên 10-15 triệu đồng, gần như gấp đôi.

Thực tế, vi phạm giao thông có nhiều nguyên nhân mà chủ yếu do ý thức của người điều khiển phương tiện còn hạn chế, chủ quan. Nhiều vi phạm có thể dẫn đến các vụ tai nạn giao thông gây thiệt hại lớn về người và tài sản. Có những trường hợp, chủ doanh nghiệp vận tải, chủ phương tiện và cả tài xế biết rõ nhưng vẫn cố tình vi phạm nên cần phải xử lý thật nặng để răn đe.

Thanh Hải

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/phapluat/202201/tang-muc-phat-nhieu-hanh-vi-vi-pham-giao-thong-3097519/