Tăng mức phạt, tăng ý thức chấp hành luật

Một trong những nội dung được dư luận quan tâm nhất trong thời gian gần đây là việc tăng mức phạt vi phạm giao thông được quy định tại Nghị định 168/2024/NĐ-CP của Chính phủ (NĐ 168).

Theo đó, nhiều lỗi vi phạm sẽ tăng mức phạt gấp nhiều lần so với trước. Có nhiều ý kiến trái chiều khi quy định mới này chính thức được áp dụng vào ngày 1/1/2025.

Người thì bày tỏ thái độ đồng tình, cho rằng việc tăng mức phạt các lỗi vi phạm sẽ góp phần tăng ý thức chấp hành luật đối với người tham gia giao thông; người thì than phiền, cho rằng mức phạt quá cao so với thu nhập hàng tháng của người lao động. Một số đối tượng phản động thì lợi dụng việc ban hành chính sách mới để xuyên tạc, bóp méo sự thật, lan truyền thông tin sai lệch nhằm mục đích nói xấu Đảng, Nhà nước.

Câu chuyện này khiến nhiều người nhớ lại 18 năm trước, khi Chính phủ ban hành Nghị quyết số 32/2007/NQ-CP về quy định bắt buộc đội mũ bảo hiểm đối với người đi xe mô tô, xe gắn máy, xe máy điện. Thời điểm đó, người dân cũng bàn tán xôn xao, đưa ra nhiều ý kiến trái chiều, cho rằng quy định này mang lại phiền hà cho dân và gây ra sự tốn kém không cần thiết...

Vậy nhưng chỉ 3 năm sau đó, mọi chuyện dần đi vào nền nếp, đến mức ai ra đường không đội mũ bảo hiểm đều tự thấy mình lạc lõng. Đó chính là nhờ chế tài xử phạt nghiêm và quan trọng nhất là người dân nhận thấy lợi ích thật sự của việc đội mũ bảo hiểm là bảo vệ cho chính bản thân.

Đối với NĐ 168, mặc dù có nhiều ý kiến trái chiều nhưng con số thực tế đã chứng minh được mục đích của NĐ 168 là nâng cao ý thức chấp hành luật giao thông, từ đó góp phần giảm thiểu tai nạn, ùn tắc và tình trạng “nhờn luật” hiện nay.

Theo Cục Cảnh sát giao thông, Bộ Công an, sau nửa tháng thực hiện NĐ 168, tình hình trật tự an toàn giao thông đã có nhiều chuyển biến rõ rệt, tai nạn giao thông giảm cả 3 tiêu chí. Lực lượng cảnh sát giao thông toàn quốc đã phát hiện, xử lý 174.653 trường hợp vi phạm trật tự an toàn giao thông (trong đó có 3.279 trường hợp không chấp hành hiệu lệnh tín hiệu đèn); tước quyền sử dụng giấy phép lái xe, chứng chỉ chuyên môn 17.595 trường hợp; tạm giữ 955 ô tô, 49.649 mô tô; 12.691 trường hợp giấy phép lái xe bị trừ điểm. Tình trạng người điều khiển phương tiện vượt đèn đỏ, đi trên vỉa hè, đi ngược chiều của đường một chiều... giảm rõ rệt, nhất là tại các đô thị lớn. Người dân tự giác chấp hành đèn tín hiệu giao thông, kể cả khi không có lực lượng cảnh sát giao thông kiểm tra, kiểm soát.

Rõ ràng văn hóa giao thông phụ thuộc rất nhiều vào ý thức của người tham gia giao thông. Điều đáng nói, mặc dù luật đã đi vào đời sống nhưng tình trạng vi phạm về nồng độ cồn, tốc độ, vượt đèn đỏ, chở quá tải, đi ngược chiều... vẫn diễn ra hằng ngày, chứng tỏ ý thức của một bộ phận người tham gia giao thông vẫn còn kém.

Và tai nạn xảy ra là điều tất yếu. Hành vi vượt đèn đỏ, đi ngược chiều hay lao xe lên vỉa hè phổ biến đến mức được xem là điều bình thường. Tại một số thành phố lớn, mật độ giao thông đông nên nhiều trường hợp vi phạm, bất chấp sự có mặt của cảnh sát giao thông hoặc khu vực đó có camera phạt nguội. Một tài xế xe ôm ở Hà Nội từng tự tin khẳng định với khách rằng nếu phạt lỗi này thì... phạt cả ngày cũng không hết. Đó là khi người này chở khách nhưng vượt đèn đỏ và bị khách nhắc nhở.

Nếu tuân thủ pháp luật khi điều khiển phương tiện giao thông thì hiếm khi bị xử phạt. Đây là điều hiển nhiên. Việc nhiều người viện cớ thu nhập thấp hay công việc phải di chuyển nhiều nên có nguy cơ vi phạm cao chỉ để bao biện cho thói quen tùy tiện, coi thường luật giao thông của mình. Mỗi khi cố tình không tuân thủ pháp luật thì phải chấp nhận hình thức xử phạt nặng.

Thời điểm quy định mới được áp dụng, tại TP. Hồ Chí Minh, nhiều xe ôm công nghệ, shipper, người tham gia giao thông không chấp hành hiệu lệnh đèn tín hiệu, điều khiển xe đi ngược chiều, lái xe trên vỉa hè... đã bị lập biên bản và xử phạt theo nghị định mới. Khi chịu mức phạt cao thì chắc chắn lần sau ra đường, những người này sẽ không tái diễn lỗi vi phạm mà nghiêm túc chấp hành luật.

Bên cạnh ý kiến đồng tình, một số cá nhân, trang mạng xã hội quy kết việc tăng nặng mức phạt theo NĐ 168 là nguyên nhân gây ra ùn tắc giao thông ở các đô thị lớn những ngày cuối năm. Theo suy diễn này, việc cơ quan chức năng tăng cường xử lý các lỗi vượt đèn đỏ, rẽ phải không đúng quy định, leo lên vỉa hè nên tình trạng ùn tắc vốn đã nghiêm trọng càng trở nên nghiêm trọng hơn. Như vậy các đối tượng này đã cổ xúy cho hành vi vi phạm trong khi một xã hội văn minh phải là một xã hội “thượng tôn pháp luật” và người dân đa phần đang trông chờ vào một hệ thống giao thông có kỷ cương, trật tự.

Để giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông cần rất nhiều giải pháp nhưng nâng cao ý thức của người tham gia giao thông vẫn là giải pháp quan trọng. NĐ 168 không chỉ tập trung vào xử phạt mà còn khuyến khích giáo dục và tuyên truyền về luật giao thông. Khi người dân hiểu rõ hậu quả của việc vi phạm, họ sẽ có ý thức tốt hơn trong việc chấp hành pháp luật.

Trong tình hình hiện nay, việc áp dụng NĐ 168 không chỉ là biện pháp cấp thiết để bảo đảm trật tự an toàn giao thông mà còn là bước tiến quan trọng trong hành trình xây dựng môi trường giao thông văn minh, hiện đại.

Dù còn nhiều thách thức nhưng với quyết tâm từ Chính phủ, sự đồng lòng của các cơ quan chức năng và người dân, chúng ta tin tưởng nghị định này sẽ góp phần mang lại cuộc sống an toàn và tốt đẹp hơn cho Nhân dân.

Anh Thư

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/tang-muc-phat-tang-y-thuc-chap-hanh-luat-191177.htm