Tăng mức phạt tạo bước ngoặt lớn trong chấp hành giao thông của người dân

Nghị định 168/2024 quy định về mức phạt vi phạm hành chính lĩnh vực giao thông đường bộ và trừ điểm giấy phép lái xe đi vào cuộc sống đã làm thay đổi rõ rệt ý thức chấp hành quy định pháp luật về giao thông của người dân.

Tăng mức phạt, tăng sức răn đe

10 ngày qua ghi nhận tại nhiều địa phương trên cả nước, kể từ khi Nghị định 168/2024 có hiệu lực, nhiều lỗi vi phạm bị tăng nặng mức phạt, không khó bắt gặp những hình ảnh đẹp về việc người dân tuân thủ giao thông.

Tài xế xe ôm từng 2 lần vượt đèn đỏ, 7 lần chở người không đội mũ bảo hiểm ở Bắc Giang đã biết "sợ" vi phạm kể từ khi Nghị định 168/2024 có hiệu lực (ảnh tài xế xe ôm vi phạm).

Tài xế xe ôm từng 2 lần vượt đèn đỏ, 7 lần chở người không đội mũ bảo hiểm ở Bắc Giang đã biết "sợ" vi phạm kể từ khi Nghị định 168/2024 có hiệu lực (ảnh tài xế xe ôm vi phạm).

Đáng chú ý là hành vi không chấp hành tín hiệu đèn giao thông, vượt đèn đỏ, đi ngược chiều giảm rõ rệt, khắp các trang mạng xã hội xuất hiện hình ảnh người dân dừng xe ngay ngắn ngay trước vạch dừng tại các nút giao thông khi đèn đỏ.

Thậm chí, trong đêm 5/1, khi đội tuyển bóng đá Việt Nam chiến thắng đội tuyển Thái Lan, vô địch ASEAN Cup 2024, hàng vạn người dân đổ ra đường ăn mừng chiến thắng nhưng khi qua các nút giao vẫn rất nghiêm túc chấp hành quy định về đèn tín hiệu.

Rõ ràng, có thể thấy, mức phạt tăng đã tạo được sức răn đe từ đó thay đổi hành vi của người tham gia giao thông.

Cùng với tăng nặng mức phạt, sự ra quân của lực lượng CSGT ngay từ ngày đầu Nghị định 168/2024 có hiệu lực cùng với tăng cường ứng dụng công nghệ trong phát hiện vi phạm, xử lý nghiêm "không có vùng cấm" cũng tạo được sức lan tỏa trong việc chấp hành quy định giao thông của người dân.

Theo trung tá Tôn Văn An, Đội trưởng Đội CSGT – TT Công an TP Bắc Giang, trong 1 tuần áp dụng mức phạt mới, Đội đã xử lý gần 650 trường hợp vi phạm giao thông, trong đó hành vi vượt đèn đỏ rất thấp (18 trường hợp), vi phạm nồng độ cồn cũng giảm mạnh (150 trường hợp).

Đáng chú ý, thông qua hệ thống camera giám sát, Đội CSGT – TT Công an TP Bắc Giang đã phát hiện một xe mô tô BKS 98G1-035.12 đã vi phạm 9 lần, gồm 7 lần chở người không đội mũ bảo hiểm, 2 lần vượt đèn đỏ. Công an thành phố đã tổ chức lực lượng kiểm soát toàn địa bàn thành phố, truy vết xe vi phạm, phát hiện xe đã được bán qua nhiều đời chủ, mỗi lần vi phạm lại chở một người khác nhau nên phán đoán đây là lái xe ôm.

Sau khi tổ chức lực lượng tại các nút giao thông trên địa bàn, sáng 8/1 đã kiểm soát được xe vi phạm, lái xe là Nguyễn Quang T, trú tại phường Trần Phú - thành phố Bắc Giang, làm nghề xe ôm như dự đoán.

"Sau khi được xem lại video và hình ảnh vi phạm của mình qua hệ thống giám sát, anh T thừa nhận và ký vào biên bản xử phạt. Đáng nói là, các lỗi vi phạm trên xảy ra trong năm 2024. Khi sang năm 2025, do mức phạt cao, anh T đã không dám vi phạm thêm", trung tá An nói.

Theo trung tá An, Nghị định 168 đã giúp chuyển biến căn bản ý thức tham gia giao thông của người dân, các lỗi phạt nặng như vượt đèn đỏ, cơi nới thành thùng, nồng độ cồn… giảm sâu, là tín hiệu tích cực giúp đảm bảo ATGT, ngăn ngừa và kéo giảm tai nạn giao thông.

TS Khương Kim Tạo, nguyên Chánh VP Ủy ban ATGT Quốc gia nhìn nhận: Từ khi Nghị định 168 đi vào cuộc sống, dễ dàng nhận thấy ý thức người dân trong tuân thủ quy định pháp luật về ATGT đã tốt hơn, các vi phạm như vượt đèn đỏ, đi ngược chiều, đi trên vỉa hè… giảm rõ rệt, không chỉ bởi tăng nặng mức phạt mà còn bởi chế tài trừ điểm giấy phép lái xe.

Những trường hợp vi phạm bị xử phạt nghiêm, mức phạt có khi bằng cả tháng lương làm việc, đã trở thành lời cảnh tỉnh, cảnh báo với người tham gia giao thông khác. Qua đó, tạo hiệu ứng lan tỏa để người dân chú trọng hơn trong việc chấp hành quy định về giao thông.

Theo các chuyên gia, cùng với tăng mức phạt cần nâng cấp, đảm bảo hạ tầng giao thông phải đồng bộ, kết hợp tuyên truyền để nâng cao ý thức người dân.

Theo các chuyên gia, cùng với tăng mức phạt cần nâng cấp, đảm bảo hạ tầng giao thông phải đồng bộ, kết hợp tuyên truyền để nâng cao ý thức người dân.

Tăng mức phạt phải đi cùng hoàn thiện hạ tầng

Tuy nhiên, theo ông Tạo, vẫn có ý kiến trăn trở về bất cập của hạ tầng, tổ chức giao thông có thể khiến người dân bị phạt oan. Do đó, đi đôi với việc triển khai thực hiện nghiêm các quy định, cơ quan chức năng cần nâng cấp, bảo đảm hệ thống kỹ thuật phát hiện các hành vi vi phạm chuẩn xác, kịp thời. Mọi vi phạm phải được xử lý theo đúng quy định của pháp luật với tinh thần "không có vùng cấm, không có ngoại lệ" mới tạo được tính răn đe, nâng cao ý thức người tham gia giao thông.

Đồng quan điểm, TS Nguyễn Xuân Thủy, nguyên Giám đốc NXB GTVT cho biết, trong bối cảnh ùn tắc giao thông, tai nạn giao thông vẫn diễn biến phức tạp, việc tăng mức phạt là cần thiết để nâng cao ý thức người tham gia giao thông.

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai Nghị định 168, lực lượng thi hành cần cương quyết với mọi vi phạm, tránh tiêu cực để đảm bảo được niềm tin của người dân và việc thực thi pháp luật được thực chất.

Mặt khác, cũng cần chú trọng tuyên truyền để người dân nắm được quy định, từ đó, dần dần điều chỉnh hành vi, thói quen, tạo lập được văn hóa giao thông.

Thiếu tá Nguyễn Văn Tấn, Phó đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông, Công an TP Thanh Hóa cho biết, song song với xử phạt, lực lượng chức năng cũng đẩy mạnh tuyên truyền quy định mới đến người dân. Với những lỗi vô ý có thể nhắc nhở, tuyên truyền để người dân hiểu và nâng cao nhận thức, tuy nhiên, với các lỗi cố ý như vượt đèn đỏ, nồng độ cồn, chạy quá tốc độ, chở quá tải… sẽ bị xử phạt nghiêm khắc để tăng tính răn đe, cảnh tỉnh người vi phạm.

Yến Chi

Nguồn ATGT: https://atgt.baogiaothong.vn/tang-muc-phat-tao-buoc-ngoat-lon-trong-chap-hanh-giao-thong-cua-nguoi-dan-192250111213431761.htm